Nạn giả sư, chính quyền bất lực hay thờ ơ?
Hồ sơ phá án - Ngày đăng : 14:13, 02/05/2012
Hai ni cô chèo kéo khách mua nhang. Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+
Điều đáng nói là, trong khi nạn giả sư đang ngày càng gia tăng với nhiều biến tướng phức tạp thì chính quyền địa địa phương lại tỏ ra yếu thế, thậm chí thẳng thắn thừa nhận sự bất lực. Phóng viên đã tìm về thôn Vũ Dương, (xã Bồng Lai, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) - một trong những điểm nóng về nạn giả sư để tìm hiểu rõ sự việc.
Giả sư đi khất thực
Ông Nguyễn Đức Thỏa, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Bồng Lai, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh cho biết: Xã Bồng Lai hiện có 8.100 hộ dân, riêng thôn Vũ Dương đã chiếm hơn một nửa dân số, với 4.200 hộ dân. Nghề chính của người dân xã Bồng Lai là nghề nông nghiệp. Trung bình thu nhập của người dân đạt khoảng 800.000đồng/người/tháng. Cũng vì cuộc sống kham khổ, thu nhập thấp nên từ năm 2000 một số người dân ở thôn Vũ Dương đã chuyển sang làm nghề giả sư đi kiếm tiền.
Nhận thấy việc giả sư đi khất thực mang lại thu nhập cao lại nhẹ nhàng, nhiều người dân đã bỏ ruộng đồng, bất chấp đạo lý, sẵn sàng đóng “học phí” để được theo các “sư thầy”, "ni cô" đi học nghề làm ăn.
Có mặt tại thôn Vũ Dương vào lúc 7 giờ sáng, qua quan sát thấy nhà nào cũng khang trang, cơ ngơi rộng rãi đường làng ngõ xóm bê tông hóa sạch sẽ. Nhưng có một điều kỳ lạ là nhà nào nhà nấy đều chung cảnh tượng cửa đóng, then cài, rất hiếm những người đàn ông, thanh niên qua lại. Thi thoảng mới thấy lác đác một số chị em phụ nữ buôn bán tại khu chợ và lũ trẻ con nô đùa bên bờ đê.
Đem thắc mắc hỏi một ông lão bán nước ở thôn Vũ Dương, xã Bồng Lai, mới hay nhiều người dân ở đây dậy sớm để theo các tuyến xe khách, xe buýt và xe ôm lên Thành phố Hà Nội, qua Thành phố Bắc Ninh, hay ra Quảng Ninh… để hóa thân thành sư, đi kiếm tiền.
Theo lời ông lão bán nước này và một cán bộ xã Bồng Lai cũng xác nhận, để đảm bảo an toàn, nhiều chiêu bài hành nghề được "hội " sư giả dựng sẵn để qua mắt cơ quan chức năng. Các sư giả thậm chí lập nên một bản hội, đóng phí để hoạt động. Hội này có chức năng làm giấy tờ giả “nhà tu hành” cho từng người ghi rõ địa chỉ, số điện thoại, mỗi khi có “tai nạn nghề nghiệp” xảy ra, các “nhà sư” ung dung giới thiệu mình ở chùa này, chùa nọ và sẵn sàng đưa số điện thoại cho cơ quan chức năng gọi tới xác minh.
Tất nhiên, kịch bản đã dựng sẵn, đầu dây bên kia sẽ nhận là đệ tử của nhà chùa đang đi khất thực, xin thấu lòng đức phật, ủng hộ, công đức. Với “võ” này, không ít nhà sư giả đã thoát nạn.
Anh Nguyễn Văn Th, một người dân làm nghề sửa xe máy ở Thị trấn phố Mới, huyện Quế Võ, cho hay: "Sư giả ở xã Bồng Lai nhiều lắm, phần lớn họ dựa vào nghề giả sư để làm ăn kiếm sống thay nghề nông, thậm chí là làm giàu. Đã có rất nhiều trường hợp "nhà sư" bị lực lượng công an địa phương bắt phạt, nhưng phần vì còn có sự nể nang, phần nữa quan trọng hơn là chỉ xử phạt hành chính với mức thấp, chưa đủ răn đe và ngăn chặn triệt để".
Nạn giả sư khất thực, không chỉ gây ảnh hưởng đến xã hội, tín ngưỡng, mà những biến tướng của nó đã bước vào ngưỡng vi phạm pháp luật như: làm giả con dấu, giấy tờ, các hành vi lừa đảo có tổ chức...
Chính quyền thừa nhận sự bất lực
Ông Nguyễn Đức Thỏa cho hay: "Tình trạng giả sư ở trên địa bàn đã xuất hiện hơn 10 năm nay, tuy nhiên để xử lý là rất khó. Mặc dù, chính quyền đã nhiều lần cử lực lượng công an xã đứng mai phục ở các góc ngách trên các tuyến đường, nhưng do họ hoạt động rất tinh vi và có nhiều biến tướng phức tạp nên chúng tôi không thể phát hiện để bắt phạt hay xử lý được. Cái khó nhất là họ đi nơi khác 'hành nghề' chứ không hoạt động ở địa phương”.
Cũng theo ông Thỏa, mặc dù số người giả sư ở làng Vũ Dương ngày càng tăng lên, nhưng do họ hoạt động rất tinh vi và sử dụng chiêu bài như làm giấy giả danh “con nhà phật” nên hiện giờ chính quyền vẫn không thể nắm được cụ thể về số người làm nghề giả sư.
Khi đề cập đến việc xử lý "hội" những người giả sư, vị lãnh đạo xã Bồng Lai, lại khẳng định là không rõ tung tích nên không thể xử lý.
Ông Nguyễn Văn Tùng, Trưởng công an xã Bồng Lai cũng thừa nhận: “Dù biết tình trạng giả sư đã có từ nhiều năm nay, nhưng hiện giờ chúng tôi cũng chỉ biết trông chờ các cơ quan chức năng cấp tỉnh đến Trung ương vào cuộc xử lý. Hiện tại, chính quyền chỉ có cách là vận động người dân...
Những thừa nhận trên của những người đứng đầu chính quyền, công an địa phương đã cho thấy một sự yếu kém cùng với đó là sự thờ ơ có phần dung túng, không đánh giá hết những hệ lụy phức tạp từ tệ nạn tưởng chừng chỉ là đơn giản là "đi xin" này trong quản lý.
Trao đổi với phóng viên Vietnam+, Sư thầy Thích Thanh Liên, Thường trực tỉnh hội Phật giáo Tỉnh Bắc Ninh cho hay: Hiện nay tình trạng giả sư xuất hiện rất nhiều, ra đường là thấy sư giả, dường như đã thành trào lưu. Họ lợi dụng đức tín của Phật và lòng tin của xã hội để tự “hóa phép” thành nhà sư đi khất thực, làm ăn trục lợi cho bản thân mình.
Sư thầy Thích Thanh Liên lý giải: "Cứ cho rằng, người ta chỉ đi xin, chẳng ăn cắp, ăn trộm cũng chẳng làm hại ai nên cũng không bắt tù giam được. Về mặt xã hội có thể chưa hình tội, nhưng về mặt tôn giáo thì tội này quá nặng, vì nó làm ảnh hưởng đến uy tín, bôi nhọ và làm mất uy tín của các tín đồ phật tử."
Để giải quyết “điểm nóng” sư giả ở Bồng Lai, theo sư thầy Thích Thanh Liên là không khó, phải "cắt" tất cả những đối tượng “hóa thân nhà sư” ra vào trên địa bàn, tức phải kiểm tra danh tính, xác minh nơi cư trú, cũng như những đồ vật mang theo với mục đích rõ ràng.
Khi phát hiện, vận động không được thì phải cưỡng chế bằng cách truy tố theo luật pháp với tội danh lừa đảo, chứ không thể chỉ dừng lại ở các vi phạm hành chính...
Nếu không có sự phối hợp đồng bộ trong quản lý cũng như thái độ giải quyết triệt để mà cứ thụ động, đùn đẩy trách nhiệm thì chính là chính quyền đã tạo cơ hộicho các nhà sư giả ngang nhiên, công khai mở rộng phạm vi hoạt động của mình, núp bóng khất thực, quyên góp từ thiện, công đức xây dựng chùa chiền để vòi vĩnh, lừa đảo... vi phạm trật tự an ninh xã hội và pháp luật, sư thầy Thích Thanh Liên nhận định.
Hùng Võ (Vietnam+)