Thế gọng kìm trên biển
Bình luận - Ngày đăng : 15:39, 02/05/2012
Ngày 30-4 (giờ địa phương), ở Washington diễn ra 2 cuộc hội đàm cấp cao giữa Mỹ với Nhật Bản và Philippines. Tại Nhà Trắng, Tổng thống Barack Obama có cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên với Thủ tướng Nhật Yoshihiko Noda và 2 nhà lãnh đạo cam kết đẩy mạnh hơn nữa quan hệ đồng minh để “giữ vững hòa bình, ổn định tại châu Á”, theo Kyodo News. Vài ngày trước, Washington và Tokyo cũng nỗ lực giải quyết “hòn đá tảng” lâu nay trong quan hệ song phương khi thông báo kế hoạch rút 9.000 quân Mỹ khỏi Okinawa và tiếp tục thương thảo về việc bố trí lại căn cứ của Mỹ trên đảo.
|
Song song đó, một cuộc gặp lần đầu tiên khác đã diễn ra giữa Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta với 2 người đồng cấp Philippines Alberto del Rosario và Voltaire Gazmin. AFP dẫn lời 2 bộ trưởng Philippines thừa nhận lực lượng vũ trang của nước này khá yếu kém và kêu gọi Mỹ cũng như cộng đồng quốc tế hỗ trợ Manila xây dựng “năng lực quốc phòng tối thiểu đủ để tự bảo vệ”. Đáp lại, bà Clinton tuyên bố cuộc gặp là bằng chứng về quyết tâm của cả hai bên nhằm “viết nên một chương mới” trong quan hệ đồng minh. Theo AFP, bà cũng nhắc đến căng thẳng đang xảy ra giữa Philippines với Trung Quốc ở bãi cạn Scarborough trên biển Đông và một lần nữa khẳng định Mỹ có lợi ích quốc gia trong việc bảo đảm an ninh và tự do hàng hải trên biển Đông.
Trong lúc Thủ tướng Nhật Noda đang ở Mỹ thì Ngoại trưởng nước này Koichiro Gemba có mặt tại New Delhi để hội đàm với người đồng cấp Ấn Độ S.M.Krishna, theo tờ Times of India. Ngoại trừ những tuyên bố khẳng định tầm quan trọng của quan hệ song phương, hai bên gây chú ý khi nhất trí thành lập một cơ chế đối thoại về an ninh biển cũng như chuẩn bị cho cuộc tập trận hải quân chung đầu tiên vào tháng 6.
Vành đai thép
Có thể thấy điểm chung giữa Ấn Độ, Nhật Bản hay Philippines là đều đang vướng vào tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc cũng như nhiều lần bày tỏ lo ngại trước thái độ và hành động của nước này trên biển. Trong đó, Philippines thường xuyên tố cáo Trung Quốc “ức hiếp” mình.
Cảm nhận về mối đe dọa an ninh từ Bắc Kinh là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy quan hệ chính trị, quân sự và an ninh giữa Manila và Washington phát triển rất năng động chỉ trong thời gian rất ngắn. Để tìm kiếm chỗ dựa, Philippines nhanh chóng tìm cách gây dựng vị trí quan trọng trong những điều chỉnh chiến lược của Mỹ đối với châu Á - Thái Bình Dương. Hai nước đang có cuộc tập trận chung Balikatan cũng như thương thảo việc cho Mỹ hiện diện không thường trực một số căn cứ không quân và hải quân của Philippines. Điều này phù hợp với sách lược xây dựng lực lượng tinh gọn, cơ động của Mỹ vừa tránh được những chuyện nhạy cảm về chính trị và ngoại giao nếu đặt căn cứ thường trực. Ngược lại, với Philippines, Mỹ có được điều kiện thuận lợi cho việc tái bố trí chiến lược ở khu vực và dễ dàng gây áp lực với Trung Quốc.
Trong khi đó, tuy không để “bị bắt nạt” như Philippines nhưng 2 đại gia khu vực Ấn Độ và Nhật Bản cũng vướng tranh chấp với Trung Quốc. Đối với Tokyo là việc tàu của Bắc Kinh thường xuyên “cà khịa” trên biển Hoa Đông còn đối với New Delhi là những lo ngại ở vùng biên giới trên bộ. Báo chí Nhật thường xuyên kêu gọi chính phủ nước này hỗ trợ ASEAN nói chung và các nước tham gia tranh chấp trên biển Đông nói riêng để góp phần bảo đảm an ninh, ổn định vì những gì đã và đang xảy ra tại vùng biển này cũng có thể sẽ “xảy ra trên biển Hoa Đông”. Ấn Độ thì từng tuyên bố thẳng “biển Đông không phải của riêng ai” để đáp lại những cảnh báo của Trung Quốc về quan hệ hợp tác thăm dò, khai thác dầu khí giữa nước này với Việt Nam, theo BBC. Theo giới quan sát, xét về thực lực hay vị thế thì Ấn Độ và Nhật Bản không thua kém Trung Quốc là mấy nên việc 2 nước bắt tay lẫn nhau cũng như thắt chặt quan hệ với Mỹ đóng vai trò rất then chốt trong bàn cờ chiến lược mới ở khu vực.
Bên cạnh đó, Mỹ cũng vừa tiến hành giai đoạn đầu trong kế hoạch đưa lính thủy đánh bộ đến đồn trú tại Úc, theo AFP. Sự tham gia của Úc giúp hình dung về một vành đai liên kết, liên minh đang hình thành kéo từ Ấn Độ lên đến Nhật với sự hiện diện chủ đạo của Mỹ, bao bọc một phần Ấn Độ Dương và khu vực tây Thái Bình Dương.
Trọng Kha (TN)