Công nhân gồng mình với nắng nóng

Lao động - Việc làm - Ngày đăng : 07:04, 05/05/2012

Vì nỗi mưu sinh, những người lao động vẫn phải gồng mình chống chịu dưới cái nắng hơn 40 độ C trong những ngày qua.



Những lao động nữ phụ vữa dưới cái nắng gay gắt đầu mùa

Vào xưởng cơ khí ở các xã Tráng Liệt, Thúc Kháng (Bình Giang) trong những ngày nóng nực này không khác gì bị tra tấn, nhất là với những ai không quen tiếp xúc với môi trường làm việc ở đây. Trong các xưởng cơ khí lúc nào cũng chất đầy sắt thép, khung nhôm, chưa kể đến bụi khói, mùi sơn kim loại và tiếng ồn liên tục phát ra từ các máy cưa, máy mài, máy hàn xì. Hầu hết các xưởng cơ khí ở đây đều do gia đình đầu tư, có diện tích, quy mô sản xuất nhỏ nên không khí càng trở nên nóng nực. Mặc dù nhà xưởng được lợp mái cao, nhưng không có hệ thống làm mát chuyên biệt, hiện đại mà chủ yếu dùng quạt điện nên vẫn oi nóng như thường. Nhiều công nhân không ngại ngần cởi trần để làm việc hoặc bỏ khẩu trang, găng tay, những phương tiện bảo hộ lao động tối thiểu để làm giảm đi cái nóng ngùn ngụt bốc từ ngoài đường vào và tỏa từ trên mái tôn xuống. Anh Nguyễn Văn Hạnh, thợ mài của một xưởng cơ khí ở khu Hạ Tráng Liệt cho biết: “Nhiệt độ trong xưởng lúc nào cũng cao hơn nhiệt độ ngoài trời từ 2-3 độ. Mặc dù có hệ thống quạt điện làm mát nhưng cái nóng vẫn không dịu đi là mấy. Chưa kể đến công việc của thợ mài như tôi thường xuyên tiếp xúc với mạt sắt, mạt nhôm nên không ngồi trực tiếp dưới quạt được. Đeo khẩu trang một lúc là toát hết mồ hôi và thấy khó thở nhưng đành phải chấp nhận chứ biết làm sao”. Chủ xưởng cơ khí Khang Mai, thôn Tranh Ngoài, xã Thúc Kháng (Bình Giang) cho biết: “Mấy ngày nóng nực vừa qua khiến hiệu quả công việc của thợ giảm đi nhiều nhưng do xưởng của gia đình nhỏ chỉ có 6 thợ làm, chuyên gia công các đồ gia dụng không có điều kiện để đầu tư hệ thống làm mát hiện đại nên chủ yếu dùng quạt máy và cho thợ nghỉ sớm, làm muộn hơn”. 

Tại công trường đường ô-tô cao tốc Hà Nội- Hải Phòng gói thầu EX5 đoạn qua huyện Gia Lộc công nhân cũng nghĩ ra đủ cách để chống chọi với nắng nóng. Buổi sáng công nhân bắt đầu làm việc sớm hơn thường lệ từ 6 giờ 30. Còn ca chiều đến 2 giờ mới vào làm. Công nhân phải chia nhóm, cứ 30 phút lại thay đổi nhau làm. Mặc dù công ty có xe đi "rải" nước nhưng nhiều khi thiếu vẫn phải mua thêm uống. Mấy ngày gần đây, một số lao động thời vụ đã bỏ việc vì không chịu được thời tiết khắc nghiệt thế này. Tại một công trình nhà ở thuộc xã Hưng Thịnh (Bình Giang) dù giữa trưa, nhiệt độ lên đỉnh điểm nhưng nhiều chị em vẫn xách vữa, gánh gạch, điều khiển ròng rọc vận chuyển nguyên vật liệu lên cho thợ xây chính trên tầng cao. Một nữ thợ hồ cho biết, thời tiết thế này, sự  mệt nhọc lại tăng lên nhiều hơn.

Lúc 11 giờ, mặc dù trời oi nắng, trên tỉnh lộ 394 đoạn qua thị trấn Lai Cách (Cẩm Giàng), những công nhân làm đường của Đoạn Quản lý đường bộ tỉnh vẫn miệt mài làm việc để sớm hoàn thành kế hoạch. Khói bụi trắng xóa của đá mạt và mùi khét của nhựa đường vốn đã gây khó chịu thì cái nắng như thiêu như đốt lại càng làm tăng mức độ khắc nghiệt lên gấp nhiều lần. Chị Nga, một công nhân ngoài 40 tuổi cho biết: "Dù mang áo và găng tay bảo hộ lao động dày cộp nhưng chỉ chống được bụi chứ vẫn nóng rát như thường. Cũng không thể đợi đến ngày mát mới làm đường được vì còn bảo đảm an toàn giao thông cho các phương tiện”.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, từ nay đến hết tháng 7 tới, tại các tỉnh miền Bắc còn có khả năng xảy ra khoảng 5 - 7 đợt nắng nóng trên diện rộng, mỗi đợt kéo dài từ 5 - 7 ngày. Để bảo vệ sức khỏe và phòng tránh say nắng, những người phải làm việc ngoài trời, trong môi trường có nhiệt độ cao cần được trang bị mũ, nón che kín đầu và gáy, mặc quần áo sáng màu, dễ thấm mồ hôi và thoát nhiệt. Cần uống nhiều nước khi khát. Khi cảm thấy mệt mỏi cần vào chỗ râm mát nghỉ ngơi.

LÊ HIỀN - HOÀNG BIÊN