Bệnh viêm não ở trẻ có dấu hiệu tăng mạnh
Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 16:21, 05/05/2012
Vào mùa viêm não, các bệnh viện Hà Nội bắt đầu ghi nhận nhiều trẻ mắc. Tại khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, trước rải rác mỗi tuần 1-2 ca thì nay con số này có xu hướng tăng, có hôm chỉ riêng trong một đêm đã có 4 trẻ nhập viện.
Tương tự tại Bệnh viện Nhi Trung ương, theo thống kê của khoa Truyền nhiễm từ đầu năm đến nay bệnh viện đã tiếp nhận khoảng 100 trẻ bị viêm não, màng não. Nhiều trường hợp không được phát hiện sớm, khi vào viện đã chuyển sang thể nặng, rơi vào trạng thái hôn mê sâu không tự thở được.
Điều đáng nói là cũng vào thời điểm này những năm trước mỗi tháng chỉ ghi nhận rải rác vài ca nhưng năm nay bệnh có dấu hiệu tăng mạnh. Chỉ tính riêng từ tháng 3 đến nay đã có khoảng 50 trẻ nhập viện vì viêm não, màng não.
Thấy trẻ sốt 1-2 ngày, đau đầu, kèm theo nôn thì cha mẹ nên nghĩ đến bệnh viêm não. Ảnh: P.N. |
Phó giáo sư-tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, viêm não, màng não là một bệnh khá nguy hiểm với trẻ, thậm chí có thể dẫn tới tử vong. Nếu không được phát hiện sớm, điều trị kịp thời, trẻ có thể bị các di chứng về tinh thần, ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ, nhận thức kém.
“Trong khi đó, biểu hiện lâm sàng ở trẻ bị viêm não rất đa dạng và thay đổi tùy theo lứa tuổi. Điều đáng chú ý là biểu hiện của bệnh khá giống với các bệnh nhân sốt khác, vì thế nếu không tinh ý cha mẹ cũng như thầy thuốc dễ bỏ qua”, tiến sĩ Dũng khuyến cáo.
Theo ông, bệnh thường khởi phát với các triệu chứng đơn giản như sốt (sốt rất cao, dai dẳng), nôn không giải thích được (không phải do thức ăn, chán ăn, không có tiêu chảy kèm theo), đau đầu có khi hết sốt mà vẫn đau đầu…. Thế nhưng cũng có trường hợp trẻ có thể nôn nhiều hoặc không đáng kể, thậm chí kèm theo tiêu chảy. Đặc biệt, khi trẻ kêu đau đầu nhiều thì cha mẹ cần nghĩ ngay đến bệnh viêm não, màng não và đưa con đi khám gấp.
Thông thường với những trẻ có dấu hiệu trên, bác sĩ sẽ khám kỹ xem trẻ có bị cơ cứng gáy, cơ cứng toàn thân không-đây là những biểu hiện về thực thể của bệnh. Tuy nhiên, ở một số trẻ biểu hiện này rõ ràng, nhưng nhiều bệnh nhi thì lại không. Vì thế để khẳng định chắc chắn bé có bị viêm màng não không thì bác sĩ phải chọc thắt lưng lấy dịch não tủy để xét nghiệm.
“Đây là xét nghiệm bắt buộc để chẩn đoán chính xác bệnh. Thế nhưng vẫn có cha mẹ khi được yêu cầu đưa con đi chọc dịch não tủy thì tỏ ra sợ vì cho rằng bác sĩ chọc lấy tủy. Điều này là không đúng, xét nghiệm này chỉ lấy dịch trong tuỷ”, tiến sĩ Dũng lý giải.
Bệnh thường xảy ra đột ngột, có trẻ đang khỏe mạnh bỗng dưng sốt cao, co giật, dẫn đến lờ đờ, hôn mê trong 1-3 ngày. Diễn biến bệnh nặng lên rất nhanh. Bệnh viêm não hay gặp ở trẻ trên một tuổi, gặp nhiều nhất ở trẻ 3-15 tuổi.
Tác nhân gây bệnh có thể do virus viêm não Nhật Bản, nhưng hiện ít gặp vì trẻ đã được tiêm phòng khá đầy đủ. Nhóm nguyên nhân thứ hai khá phổ biến là do các virus đường ruột, bệnh diễn biến bất thường, có trường hợp nhẹ, sau một tuần khỏi bệnh mà không để lại di chứng gì. Ngược lại có trẻ lại diễn biến nặng, tử vong rất nhanh. Nhóm virus này hiện chưa có vắcxin phòng. Ngoài ra, trẻ bị viêm não, màng não có thể là biến chứng của các bệnh truyền nhiễm thường gặp như thủy đậu, quai bị..., tiến sĩ Dũng cho biết.
Nếu không may trẻ mắc bệnh, cha mẹ nên cho bé ở nhà nghỉ ngơi hoàn toàn, đồng thời theo dõi sát những biểu hiện của con. Nếu thấy trẻ bỏ ăn, bỏ chơi, không nói, người chậm chạp, lờ đờ... thì cần đưa ngay đến cơ sở y tế.
Để phòng bệnh, cha mẹ cần đưa con đi tiêm vắcxin viêm não Nhật Bản đầy đủ. Với nhóm virus đường ruột thì cần chú ý đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, chế biến sạch, ăn chín và rửa tay trước khi ăn.
Phương Trang (VnE)