Mẹ chồng, nàng dâu

Đời sống - Ngày đăng : 09:02, 06/05/2012

Mấy ngày hôm nay, lịch sinh hoạt của gia đình Loan bị xáo trộn.



Nguyên nhân là do bà Minh, mẹ chồng Loan phải đi cấp cứu ở bệnh viện. Vốn bị bệnh tiểu đường lại thêm tình trạng huyết áp lên xuống thất thường nên sức của bà Minh rất yếu. Mặc dù công việc cơ quan bận rộn, con còn nhỏ song Loan tự nhủ phải cố gắng sắp xếp thời gian để chăm sóc mẹ chồng. Được chăm sóc chu đáo, sau hơn 1 tuần, bà Minh được ra viện nhưng sức khoẻ vẫn chưa ổn định, mọi công việc cơm nước giặt giũ trong gia đình đều do bố chồng và Loan đảm nhận. Vợ chồng Loan đã ở riêng, quãng đường từ nhà đến nhà bố mẹ chồng cũng khá dài nhưng Loan vẫn sắp xếp thời gian, công việc, con cái để lo chu tất mọi phần...

Bà Minh vốn là người khó tính, lại có chút độc đoán. Hễ  có ai đến thăm hỏi,  bà luôn miệng phàn nàn: "Con dâu bây giờ chúng nó sướng hơn mình hồi xưa, mẹ chồng ốm mà chẳng phải thức đêm thức hôm. Kể cả cơm nước hằng ngày cũng ông ấy nhà tôi lo, thật đúng trẻ cậy cha nhưng già chẳng được cậy con. Hằng ngày đã không phải phục vụ mẹ chồng vậy mà đến cái việc cơm nước cho chồng cũng không chu toàn. Ai đời, vợ mà lại đi làm về muộn hơn cả chồng, để  chồng phải cắm cơm, vợ về chỉ việc qua chợ rồi về nấu thức ăn...". Đang thao thao bất tuyệt thì có tiếng xe máy ngoài cổng, bà Minh ngừng lời nhìn ra ngoài sân, hoá ra là vợ chồng Loan sang. Vừa chào khách, Loan vừa khệ nệ bê túi thức ăn vào và lập tức xuống bếp chế biến, đun nấu, sau đó phân bổ các món ăn ngay và một số thức ăn để dành cho vào tủ lạnh. Biết tính mẹ chồng thích ăn đồ mát lại có bệnh huyết áp cao nên Loan đã khéo chọn những loại rau củ quả tươi ngon, giải nhiệt và chế biến các thực phẩm từ tôm cá cho mẹ chồng... Đang nấu nướng, bỗng nhiên Loan thấy xây xẩm mặt mày. Cô ngồi khuỵu xuống, cảm giác đau tức ngực, vã mồ hôi... Đang chơi ngoài sân, thằng Tuân, con trai Loan hốt hoảng vào ôm lấy mẹ và kêu ầm ĩ: "Bố ơi, mẹ bị làm sao đây này!" Cả nhà hốt hoảng chạy vào, chồng Loan vội vàng chạy sang gọi ông hàng xóm vốn là bác sĩ về hưu. Sau khi khám xong, ông hàng xóm lắc đầu ái ngại : "Cô ấy bị tụt huyết áp, lại  suy nhược cơ thể, hình như trưa nay chẳng ăn uống gì hay sao,  phải biết giữ gìn sức khỏe chứ!"... Nghe thấy vậy, chồng Loan giật mình nhớ lại, lúc trưa chỉ có hai bố con ăn cơm trong khi vợ cứ lúi húi trong bếp. Vốn vô tâm, chồng Loan ăn xong rồi đi nghỉ trưa ngay vì nghĩ rằng Loan sẽ ăn sau, nhưng có lẽ vừa sắp đồ ăn cho mẹ chồng lại vừa rửa bát lau chùi bếp nên đến giờ đi làm chiều, Loan chẳng kịp ăn, lúc đi làm về lại chen chúc vào đi chợ...

Thằng Tuân lo lắng cứ ngồi riết cạnh mẹ, rồi nó nói: “Bà nội sướng thật đấy, ốm thì có ông nấu cơm, giặt quần áo, chẳng phải đụng chân đụng tay gì, trong khi hôm qua mẹ cháu ốm vẫn phải đi ra phố tự mua thuốc về uống, bố lại chẳng giúp gì cả mà còn đòi hỏi ăn món này món nọ”. Thấy cháu nội nói vậy, bà Minh giận lắm. Bà ngồi dậy quát cháu: "Hỗn nào, ai dạy cháu nói năng như vậy, cháu dám so sánh bà nội đang ốm yếu với mẹ cháu à?". Rồi bà quay sang con dâu: "Chị dạy con thì cũng phải cân nhắc chứ không phải cứ xui con nói thế nào cũng được đâu nhé!". Thằng Tuân sợ quá nép vào ông nội trong khi Loan luống cuống không biết xử trí như thế nào. Lúc này, bố chồng Loan ôn tồn: "Chuyện có gì đâu mà bà phải ầm ĩ lên như thế? Cái gì bà cũng đổ lỗi cho con dâu, tôi chẳng thấy khách quan gì cả. Chồng cái Loan không biết làm việc nhà cũng là do hồi xưa bà chiều nó quá. Có bao giờ dạy nó làm cái gì đâu. Đến khi lấy vợ hễ nó giúp vợ cái gì bà cũng không bằng lòng vì bà cho rằng phụ nữ thì phải lo nội trợ nên bây giờ việc gì cũng đổ lên đầu  vợ nó. Mấy hôm bà ốm, hôm nào nó cũng chạy đi chạy lại lo việc 2 nhà đến kiệt sức rồi. Bây giờ nó ốm thế này, nó phải nằm nghỉ ngơi không làm việc gì được thì không biết chồng nó xoay xở thế nào? Lúc này mới là lúc vợ chồng phải quan tâm hỗ trợ nhau, như tôi phải giúp bà đấy thôi”. Cuối cùng, ông quay sang thằng cháu đích tôn, xoa đầu cháu nói nhỏ: “Chính những hành động, những việc làm hằng ngày của người lớn chúng ta sẽ làm bọn trẻ này học theo và nói theo đấy”.

Nghe ông phân tích, bà Minh ngượng ngùng. Bà quay sang nắm tay Loan, khẽ nói: "Cho mẹ xin lỗi".

THU HẰNG