Bảo mẫu chốn cửa thiền

Việc tử tế - Ngày đăng : 11:00, 06/05/2012

Mặc dù không thân thích ruột thịt, song với lòng nhân từ, hỉ xả, những bậc tu hành đã nêu những tấm gương đẹp trên con đường cứu nhân, độ thế.



Sư thầy Thích Diệu Ngân, trụ trì chùa Linh Sơn Vạn Phúc, phường Hải Tân (TP Hải Dương)
đang nuôi 3 cháu nhỏ


Khoác áo nâu, náu thân nơi cửa chùa những mong rời xa cuộc đời trần tục. Thế nhưng trước những đứa trẻ bị bỏ rơi, kém may mắn, vì lòng từ bi đức độ, họ lại trở thành những bảo mẫu nâng đỡ những cuộc đời cơ nhỡ.

Câu chuyện của sư thầy Thích Thanh Lương, trụ trì chùa Sùng Nghiêm, thôn Cự Lộc, xã Minh Đức (Tứ Kỳ) nhận nuôi các cháu nhỏ bị bỏ rơi đã được nhiều người gần xa biết đến. Tu hành từ năm 14 tuổi, những giáo lý từ bi của đạo Phật đã thấm vào trong mỗi việc làm, suy nghĩ của sư thầy Thích Thanh Lương. Việc sư thầy Thích Thanh Lương nhận nuôi các cháu cũng bắt nguồn từ đó. Sư thầy Thích Thanh Lương kể: “Năm 2006, tôi nghe một phật tử nói chuyện ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh có một trẻ bị bỏ rơi đang tìm người nuôi dưỡng. Câu chuyện về cháu bé cứ ám ảnh trong tâm trí, sau vài đêm suy nghĩ, tôi đã quyết định đón cháu về nuôi. Lúc đầu cũng lo lắng vì chẳng biết mình sẽ nuôi cháu thế nào. Nhưng khi được nhìn thấy cháu bụ bẫm, đáng yêu, lại nghĩ tới cảnh ngộ éo le của bé, tôi đã ký vào tờ cam kết nhận nuôi cháu”. Đến nay, sư thầy Thích Thanh Lương đã nhận nuôi 9 cháu bé, cháu lớn nhất 6 tuổi, cháu bé nhất vừa tròn 11 tháng. Tên các cháu được sư thầy chọn các từ có ý nghĩa đẹp đặt cho, con trai đệm chữ Tâm, con gái đệm chữ Tường, mong muốn các cháu sau này sẽ có cuộc sống may mắn, tốt đẹp: Vương Tâm Phúc, Vương Tường Thúy, Vương Tâm Đức. Các cháu đều là trẻ bị bỏ rơi ở bệnh viện hay tại cổng chùa và mỗi cháu lại có một hoàn cảnh éo le khác nhau. Cháu Vương Tường Thúy được bố mẹ cháu nhờ nuôi giúp. Khi gia đình có điều kiện hoặc cháu trưởng thành, nhà chùa sẽ cho cháu về với gia đình. Cháu Vương Tâm Đức nhà chùa nhận nuôi khi mẹ cháu bỏ cháu lại bệnh viện Ninh Giang… Câu chuyện của cậu út Vương Tâm Thiện cũng éo le. Sư thầy Thích Thanh Lương kể: “Hồi tháng 9-2010, có cô gái sắp sinh đến chùa khóc kể cho nghe câu chuyện lầm lỡ của mình. Cô bảo có người muốn cho cô 20 triệu đồng để xin đứa trẻ làm con nuôi song cô không yên tâm. Cô đã nghe về việc nhà chùa nuôi các cháu và ngỏ ý sau khi sinh xin gửi cháu vào chùa". Để chăm sóc cho các cháu, hiện sư thầy phải mượn 3 người. Mặc dù rất khó khăn song nhà chùa vẫn cố gắng tạo cho các cháu điều kiện nuôi dạy tốt nhất. Sư thầy Thích Thanh Lương dự định sẽ nuôi các cháu đến tuổi trưởng thành lúc đó sẽ liên hệ với gia đình nếu họ có nguyện vọng đón các cháu về. Những trẻ khác, thầy sẽ tạo điều kiện để cháu có việc làm.

Câu chuyện sư thầy Thích Diệu Ngân, trụ trì chùa Linh Sơn Vạn Phúc, phường Hải Tân (TP Hải Dương) nhận nuôi 3 cháu nhỏ mất bố cũng khiến không ít người xúc động. Trong khói hương trầm mặc chốn cửa thiền, ngắm nhìn các cháu nô đùa trong sân chùa thấy thật hạnh phúc. Sư thầy Thích Diệu Ngân cho biết: “Các cháu Lê Thị Trang, Lê Trung Kiên, Lê Thành Đạt đều là chị em ruột quê ở Kim Lương (Kim Thành), được tôi đón về chùa nuôi từ tháng 4-2011. Cháu lớn nhất học lớp 6, cháu nhỏ nhất học lớp 2. Hoàn cảnh của các cháu rất đáng thương. Gia đình các cháu làm nông nghiệp. Bố bị bệnh hiểm nghèo, phải bán hết đồ đạc, đất đai để chạy chữa nhưng vẫn không qua khỏi. Ngoài làm ruộng, hằng ngày một mình mẹ cháu phải làm thuê để lấy tiền trả khoản nợ mà người chồng đã mất để lại và nuôi 4 đứa con thơ cùng một mẹ già hơn 90 tuổi. Thấy hoàn cảnh gia đình các cháu quá khó khăn, nhà chùa đã bàn với mẹ cháu đón các cháu nhỏ về chùa chăm sóc và cho ăn học. Từ khi về chùa đến nay, các cháu đều rất ngoan ngoãn, chăm chỉ học hành. Năm học vừa rồi, hai cháu Kiên và Trang đều đạt học sinh giỏi, cháu Đạt là học sinh tiên tiến. Ngoài giờ đến lớp, các cháu tích cực tham gia phụ giúp làm các công việc trong chùa. Thi thoảng nhà chùa cũng đưa các cháu về thăm gia đình hoặc mẹ các cháu từ dưới quê lên. Trước đó, nhà chùa cũng nuôi 2 cháu nhỏ, đến nay các cháu đều đã trưởng thành.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ở tỉnh ta còn nhiều mảnh đời con trẻ cơ nhỡ, côi cút đang được nương náu, che chở dưới những mái chùa. Mặc dù không thân thích ruột thịt, song với lòng nhân từ, hỉ xả, những bậc tu hành đã nêu những tấm gương đẹp trên con đường cứu nhân, độ thế.

NGỌC HÙNG