Nhiều doanh nghiệp sai phạm

Lao động - Việc làm - Ngày đăng : 09:29, 07/05/2012

Trong năm 2011, Thanh tra Sở LĐTBXH đã xử phạt 22 đơn vị, doanh nghiệp vi phạm pháp luật lao động...



Người lao động bị chịu thiệt thòi, nguy cơ dễ mất việc làm khi doanh nghiệp
 ký giao kết hợp đồng không đúng


Tại thời điểm tháng 7-2011, tất cả 321 lao động của Công ty CP Bê-tông Vinaconex Phan Vũ (cụm công nghiệp Quỳnh Phúc, Kim Thành) đều được ký HĐLĐ. Tuy nhiên, có 306 lao động ký HĐLĐ không đúng loại. Khi người lao động vào làm việc, doanh nghiệp ký HĐLĐ có thời hạn 2 tháng. Khi hết hạn, doanh nghiệp lại ký tiếp HĐLĐ thời hạn 3 tháng, sau khi hết hạn lại ký tiếp HĐLĐ thời hạn 6 tháng, hết 6 tháng ký tiếp HĐLĐ thời hạn 9 tháng… Cứ thế, thời hạn HĐLĐ được nâng dần lên 12 tháng, 36 tháng. Khi hết thời hạn đó, doanh nghiệp mới xét từng trường hợp cụ thể để ký HĐLĐ không xác định thời hạn. Kiểu HĐLĐ như vậy được gọi là HĐLĐ theo chuỗi, trái với quy định của pháp luật.

Công ty TNHH MTV Toàn Mỹ miền Bắc (xã Hưng Thịnh, Bình Giang) cũng vi phạm về việc ký kết HĐLĐ với công nhân. Theo kết luận thanh tra của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTBXH): Có 5 HĐLĐ không giao cho người lao động và 3 hợp đồng không có chữ ký của người lao động là không đúng quy định. Doanh nghiệp ký kết HĐLĐ xác định thời hạn 36 tháng đối với 31 lao động trong đó có 12 người làm kế toán, nhân viên giao hàng, lái xe là những công việc không xác định được thời điểm kết thúc cũng trái với quy định.

Công ty TNHH Giầy Continuance Việt Nam, địa chỉ tại thị trấn Lai Cách (Cẩm Giàng), có 3.134 lao động đã ký HĐLĐ, tất cả đều là hợp đồng xác định thời hạn từ 12 đến 36 tháng. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng sai phạm khi ký HĐLĐ xác định thời hạn 12 tháng đối với người lao động làm công việc không xác định thời gian kết thúc, trong hợp đồng không ghi cụ thể nội dung về công việc phải làm. Trong khoảng 500 bản HĐLĐ, có 40 HĐLĐ không có chữ ký của người lao động.

Ngày 18 - 4 vừa qua, Ban Văn hóa - Xã hội  HĐND tỉnh tổ chức giám sát việc thực hiện pháp luật về lao động tại Công ty TNHH Global (TP Hải Dương). Global là doanh nghiệp có vốn Hàn Quốc, chuyên may mặc xuất khẩu. Công ty có 1.800 lao động, trong đó có 1.680 lao động được ký HĐLĐ, còn 120 lao động chưa được ký. Đoàn giám sát phát hiện doanh nghiệp đã có một số vi phạm pháp luật lao động, trong đó có vi phạm ký 795 HĐLĐ theo chuỗi.


Công ty TNHH Global kýhợp đồng lao động theo chuỗi với 795 người, vi phạm quy định của pháp luật


Trong năm 2011, Thanh tra Sở LĐTBXH đã xử phạt 22 đơn vị, doanh nghiệp vi phạm pháp luật lao động, trong đó có 5 doanh nghiệp vi phạm về ký kết HĐLĐ không đúng loại. Hiện các doanh nghiệp này đã chấp hành nộp phạt và cơ bản đã khắc phục những vi phạm pháp luật lao động.

Chị Nguyễn Thị Thu Thủy, Trưởng phòng Lao động Tiền lương và Bảo hiểm Xã hội, Sở LĐTBXH cho biết: “Các doanh nghiệp vi phạm về ký kết HĐLĐ chủ yếu là các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp mới hoạt động". Khi đề cập đến vấn đề người lao động có bị thiệt khi doanh nghiệp ký HĐLĐ không đúng loại, anh Phạm Tuấn Đạt, Phó Chánh Thanh tra Sở LĐTBXH cho biết: "Ký HĐLĐ không đúng loại là để chủ doanh nghiệp dễ chấp dứt HĐLĐ. Người lao động cũng không bị ảnh hưởng nhiều đến quyền lợi về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Tuy nhiên, thiệt thòi đối với người lao động không được ký đúng loại hợp đồng là công việc không ổn định, phập phù và luôn đứng trước nguy cơ mất việc làm”.

Để doanh nghiệp chấp hành tốt hơn nữa pháp luật về lao động, đặc biệt là trong việc ký kết HĐLĐ, theo chị Nguyễn Thị Thu Thủy, cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền pháp luật về lao động tới các doanh nghiệp; tăng cường kiểm tra, giám sát để kịp thời đôn đốc, nhắc nhở các doanh nghiệp vi phạm và hướng dẫn doanh nghiệp khắc phục. Có hình thức xử lý nghiêm đối với những doanh nghiệp cố tình vi phạm, hoặc tái phạm nhiều lần. Liên đoàn Lao động các cấp cũng cần tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật lao động đến đông đảo doanh nghiệp, đặc biệt là người lao động. Các tổ chức công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp cũng cần nêu cao trách nhiệm trong việc hướng dẫn người lao động; tham mưu, đề xuất kiến nghị với chủ doanh nghiệp thực hiện đúng pháp luật về lao động.

"Theo quy định tại khoản 2, Điều 27 của Bộ luật Lao động đã được sửa đổi, bổ sung, khi hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 12 tháng đến 36 tháng, hợp đồng theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng hết hạn mà người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hợp đồng lao động hết hạn hai bên phải giao kết hợp đồng lao động mới; nếu không giao kết hợp đồng lao động mới thì hợp đồng đã giao kết trở thành hợp đồng không xác định thời hạn. Nếu ký hợp đồng lao động mới là hợp đồng lao động xác định thời hạn thì chỉ được ký một thời hạn nữa. Sau đó nếu người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì phải ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn".



PV