Hoàng Thu Hương (giaoluubhd@gmail.com) - Địa chỉ:Phạm Ngũ Lão -TP Hải Dương | Có thông tin cho rằng có tới hơn 1 nghìn doanh nghiệp trong tỉnh đang ngừng hoạt động và đứng trước nguy cơ giải thể, phá sản. Xin ông cho biết cụ thể về vấn đề này?
|
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Hiển: Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong Quý I/2012: số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động là 36 doanh nghiệp; số doanh nghiệp giải thể, bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là 74 doanh nghiệp; số doanh nghiệp đang làm thủ tục phá sản doanh nghiệp là 1 doanh nghiệp; ngoài ra, số doanh nghiệp không hoạt động mà Sở KH&ĐT nắm được gần 600 doanh nghiệp (gồm: 297 doanh nghiệp theo thông báo của cơ quan thuế là bỏ địa chỉ kinh doanh và khoảng trên 300 doanh nghiệp không hoạt động do một số doanh nghiệp đã được cấp Giấy chứng nhận ĐKKD nhưng không đăng ký Mã số thuế (số doanh nghiệp này đăng ký trước tháng 9/2009), một số doanh nghiệp khác đã tạm ngừng hoạt động, đóng mã số thuế nhưng không nộp hồ sơ giải thể về Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Kế hoạch và Đầu tư không có thông tin về số doanh nghiệp này, thông qua chuyển đổi số liệu về doanh nghiệp vào hệ thống Đăng ký kinh doanh quốc gia vào cuối năm 2010 mới phát hiện được và đang trong quá trình xử lý số doanh nghiệp này.
Như vậy, đến hết quý I/2012 số doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể, phá sản là khoảng trên 700 doanh nghiệp, chiếm 12% tổng số doanh nghiệp hiện có.
| Minh Tuấn (minhtuankh@gmail.com) - Địa chỉ:Phú Thái, Kim Thành | Tình hình kinh tế trong nước năm nay rất khó khăn. Xin hỏi đồng chí Chủ tịch, tỉnh ta đã tính đến việc điều chỉnh các chỉ tiêu tăng trưởng hay chưa? | Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Hiển: Ngay từ khi xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 tỉnh ta đã lường trước những khó khăn và đề ra chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế là 9,5 - 10%.
Qua quý 1, theo báo cáo, đánh giá của các sở, ngành, tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 7%, đồng thời chưa có những tác động mang tính đột biến. Vì vậy, đến nay, UBND tỉnh và các sở ngành tham mưu chưa xem xét đến việc thay đổi chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2012.
| Nguyễn Quang (nguyenquangns@gmail.com) - Địa chỉ:TP Hải Dương
| Công ty TNHH Ford Việt Nam 3 tháng đầu năm nay chỉ tiêu thụ hơn 1 nghìn xe, giảm khoảng 50% so với cùng kỳ năm trước. UBND tỉnh có biện pháp gì giúp doanh nghiệp này? | Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Hiển: Tỉnh sẽ tổng hợp tình hình và sẽ có những tham mưu đề xuất với Trung ương điều chỉnh chính sách phù hợp cho sự tăng trưởng lĩnh vực ô-tô.
Về phía Công ty TNHH Ford Việt Nam cũng có những chủ động nhất định, giảm giá xe, nhằm tăng sản lượng và doanh số bán ra. Ví dụ, năm 2011, dòng xe mới Fiat bán tương đối chạy và Công ty đã điều chỉnh giảm giá đến 50 triệu đồng/ xe.
Cùng với sự xuất hiện các dòng xe mới đáp ứng nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng và áp dụng chính sách điều chỉnh giá linh hoạt, tiêu thụ ô tô thường tăng trưởng mạnh vào dịp cuối năm, do đó, hy vọng, qua đó sản lượng xe của Ford năm 2012 sẽ đạt kế hoạch đề ra.
Trong giai đoạn suy thoái kinh tế hiện nay, đặc biệt là lũ lụt ở Thái Lan đã ảnh hưởng đến việc cung cấp phụ tùng thiết bị lắp ráp của công ty. Thêm vào đó, việc thắt chặt chính sách tiền tệ của Nhà nước, và dự kiến triển khai thu phí lưu hành vào năm 2013 đối với ô tô khiến cầu mua ô tô đang chững lại vì người dân còn nghe ngóng. Bản thân công ty Ford cũng đã chủ động điều chỉnh giảm số lượng sản xuất, thay đổi các cơ cấu dòng xe phù hợp với thị hiếu, thu hút người tiêu dùng. UBND tỉnh sẽ tập hợp các vấn đề khó khăn của doanh nghiệp để báo cáo Chính phủ tìm hướng tháo gỡ. Trước mắt tỉnh sẽ đề nghị điều chỉnh giá tính lệ phí trước bạ kịp thời, sát với giá thị trường góp phần thúc đẩy việc tiêu thụ sản phẩm.
| Vân Anh (phamvananh228@yahoo.com.vn) - Địa chỉ:Tân Trường, Cẩm Giàng | Thưa Chủ tịch UBND tỉnh, được biết thời gian qua tỉnh ta đã có nhiều chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, thực tế nhiều doanh nghiệp vẫn phàn nàn về công tác cải cách thủ tục hành chính của một số sở, ngành, nhất là lĩnh vực liên quan đến đất đai. Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá thế nào về vấn đề này. |
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Hiển: Tỉnh Hải Dương rất quan tâm đến các chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư, đề ra nhiều giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư, trong đó có giải pháp về cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư. Từ năm 2002 đến nay, UBND tỉnh đã ban hành nhiều quy định để cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư, giảm bớt các thủ tục không cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư được cấp phép đầu tư. Việc thực hiện trình tự, thủ tục cấp phép đầu tư là đúng theo quy định của Tỉnh.
Tuy nhiên, việc thực hiện thu hồi và giao đất cho nhà đầu tư trong thời gian vừa qua còn kéo dài do phải có sự đồng thuận của các hộ dân có đất bị thu hồi về phương án bồi thường GPMB.
Vấn đề này, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành liên quan tập trung giải quyết bằng các biện pháp theo quy định của pháp luật và yêu cầu các ngành có liên quan trực tiếp đến nhà đầu tư có trách nhiệm giải thích chi tiết cụ thể đối với từng nhà đầu tư.
Tỉnh quyết định thành lập quỹ phát triển đất sạch để hình thành một số khu, cụm công nghiệp có lợi thế; tạo mặt bằng sạch trước khi doanh nghiệp đầu tư.
Tới đây Chủ tịch UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các sở, ngành liên quan đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính một cách quyết liệt, tạo sự thông thoáng tối đa trong thu hút đầu tư.
| Trường Giang (truonggiang701@gmail.com) - Địa chỉ:TP Hải Dương | Gói cứu trợ của Chính phủ vừa thông qua có tác động trực tiếp đến doanh nghiệp nhỏ và vừa nhưng nhỏ và vừa cỡ nào, bao nhiêu lao động, ngành nào... lại chưa được nêu rõ. Xin đồng chí Chủ tịch cho biết tỉnh có biện pháp giám sát thực hiện thế nào để tránh tình trạng sinh ra chuyện doanh nghiệp “sân sau”, “chân gỗ” chạy chọt, xin cho? | Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Hiển: Thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn nộp thuế đối với doanh nghiệp, năm 2011 các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã được miễn, giảm, gia hạn 55 tỷ đồng. Qua đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định, phát triển sản xuất kinh doanh.
Với gói cứu trợ mới năm 2012 cho các doanh nghiệp, tỉnh sẽ chỉ đạo các sở ngành nghiên cứu, xem xét, đề xuất tham mưu các biện pháp thực hiện các chính sách của Chính phủ một cách hiệu quả, công khai gói kích cầu của Chính phủ trên các phương tiện thông tin đại chúng để doanh nghiệp tìm hiểu.
Các doanh nghiệp đủ điều kiện ưu đãi thông tin kịp thời đến UBND tỉnh bằng văn bản hoặc thư điện tử.
UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành có liên quan nghiên cứu, xem xét đề xuất các giải pháp thực hiện nhanh nhất các gói hỗ trợ của Chính phủ. Công khai các điều kiện hỗ trợ trên phương tiện thông tin đại chúng để cho nhân dân và các doanh nghiệp giám sát. Các doanh nghiệp đủ điều kiện hỗ trợ mà không nhận được hỗ trợ thông tin kịp thời về UBND tỉnh, kể cả bằng điện thoại, thư điện tử...
| Trần Mạnh (tranmanhkm@gmail.com) - Địa chỉ:Tiền Tiến- Thanh Hà | Xin đồng chí cho biết, trần cho vay được áp dụng từ ngày 8-5, đến thời điểm này đã có bao nhiêu ngân hàng áp dụng và bao nhiêu % số doanh nghiệp được hưởng mức lãi suất này. Số vốn dành cho những đối tượng này có bị hạn chế không? | Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Hiển: Bốn nhóm đối tượng cho vay mức lãi suất 15% theo thông tư 14 của Thống đốc NHNN là: Phục vụ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn quy định tại Nghị định 41 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; Thực hiện phương án, dự án sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa quy định tại Nghị định số 56 của Chính phủ về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ quy định tại Quyết định số 12 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ.
Nới lỏng tín dụng phi sản xuất trong đó có đối tượng bất động sản và tiêu dùng phục vụ đời sống.
Trần lãi suất cho vay thuộc 4 đối tượng theo Thông tư 14 có hiệu lực từ 8-5-2012. Về nguyên tắc khi thực hiện các công cụ chính sách tiền tệ phải có độ trễ, chưa thể thống kê số dư cho vay theo lãi suất 15%. Tuy nhiên, cho vay đối tượng theo Nghị định 41 đã có 1 số ngân hàng thương mại nhà nước áp dụng mức lãi suất nhỏ hơn 15% trước khi có thông tư của Thống đốc NHNN.
Căn cứ các chỉ đạo của Chính phủ, Thống đốc NHNN, UBND tỉnh chỉ đạo và giao NHNN tỉnh là cơ quan quản lý hoạt động ngân hàng trên địa bàn có trách nhiệm thanh tra giám sát hoạt động của các tổ chức tín dụng, chấp hành đúng quy định của pháp luật về huy động, cho vay và các chính sách ưu tiên lãi suất, đầu tư tín dụng.
Tập trung thu hồi các khoản nợ xấu, phát mại tài sản thu hồi vốn về để quay vòng cho các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh có hiệu quả, các doanh nghiệp có thể phục hồi, duy trì sản xuất phát triển, trở lại vay.
Yêu cầu đặt ra: Các doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh cùng giám sát việc chấp hành các chỉ đạo của NHNN Việt Nam, nếu có khó khăn vướng mắc hoặc nếu phát hiện không đúng, sai phạm phải phản ánh ngay về cơ quan có thẩm quyền, có trách nhiệm giải quyết, tháo gỡ.
Đường dây nóng của NHNN Hải Dương:
Phòng Tổng hợp và KSNN: 03203. 853.393/ 03203. 853.938 Phòng Thanh tra giám sát: 03203.853.407 Giám đốc NHNN: 0912.063.971
| Đoàn Văn Nghệ (giaoluubhd@gmail.com) - Địa chỉ:Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Hải Dương
| Doanh nghiệp của tôi sắp phá sản. Hàng hóa không bán được, nợ ngân hàng đã đến hạn trả. Xin ông cho biết Chính phủ và tỉnh có biện pháp gì để cứu các doanh nghiệp chúng tôi? |
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Hiển: Trước tiên, tôi xin chia sẻ các khó khăn hiện nay của doanh nghiệp.
Do chịu tác động của tình hình suy thoái kinh tế thế giới, cũng như các cuộc khủng hoảng năng lượng, tài chính, môi trường; kinh tế trong nước gặp khó khăn, tình hình lạm phát còn cao, giá cả hàng hóa tăng cao,...; nhà nước đang tập trung thực hiện nhiều biện pháp nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội, trong đó có Chính sách thắt chặt tiền tệ, tài khóa, chống lạm phát,... nên sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cả nước nói chung, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương nói riêng bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình hình lạm phát, sức tiêu thụ nhiều hàng hóa giảm, tồn kho lớn, lãi suất tiền vay ngân hàng cùng nhiều chi phí đầu vào tăng cao và doanh nghiệp khó tiếp cận vốn, trong khi cạnh tranh trên thị trường ngày càng gay gắt...,
Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, chính phủ, tỉnh có nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp:
+ Chỉ đạo Ngân hàng nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay, thời gian qua Ngân hàng nhà nước đã quy định mức lãi suất trần huy động vốn giản dần từ 14%/năm xống còn 12%/năm và yêu cầu tiếp tục gảm từ nay đến cuối năm phù hợp với chỉ số lạm phát,... từ đó, các ngân hàng giảm lãi suất cho vay và đến nay mức lãi suất trần cho vay tối đa đã được Ngân hàng nhà nước quy định chênh lệch tối đa 3%/năm so với lãi suất huy động tiền gửi từ 1 tháng trở lên;
+ Về giải pháp tài chính (về thuế và phí) hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ tài chính đang có đề xuất, cụ thể: 1/ Gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT trong 6 tháng đối với số thuế GTGT phải nộp của tháng 4, tháng 5 và tháng 6/2012 của các doanh nghiệp quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 08/2011/QH13 và đang thực hiện nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ.
2/ Giảm 50% tiền thuê đất phải nộp của năm 2012 theo cơ chế quy định tại Quyết định số 2093/QĐ-TTg ngày 23/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ đang được Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm mà năm 2012 phải xác định đơn giá thuê đất theo quy định tại Nghị định số 121/2010/NĐ-CP ngày 3/12/2010.
3/ Gia hạn số tiền thuế TNDN còn nợ chưa nộp NSNN của năm 2011 trở về trước trong 9 tháng của các doanh nghiệp quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 08/2011/QH13 và doanh nghiệp sản xuất sản phẩm cơ khí là tư liệu sản xuất, vận tải đường thuỷ (bao gồm cả vận tải thuỷ nội địa và vận tải biển), sản xuất thép, xi măng.
4/ Miễn thuế môn bài năm 2012 đối với các hộ đánh bắt hải sản và hộ sản xuất muối.
5/ Gia hạn thời hạn nộp tiền sử dụng đất trong thời gian tối đa 12 tháng kể từ ngày phải nộp theo thông báo của cơ quan thuế đối với số tiền sử dụng đất đến hạn phải nộp của các chủ đầu tư dự án do có khó khăn về tài chính nên chưa nộp tiền sử dụng đất. Căn cứ tình hình thực tế của doanh nghiệp và mức độ ảnh hưởng đến thu ngân sách địa phương sau khi có ý kiến của Thường trực HĐND cấp tỉnh, UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định thời gian gia hạn cụ thể cho từng dự án hoặc nhóm dự án.
6/ Lùi thời hạn thu phí bảo trì đường bộ đối với ô tô và xe máy đến hết 31/12/2012 nhằm giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp (giảm chi phí đầu vào) và người dân.
7/ Giảm 30% thuế TNDN phải nộp năm 2012 của các doanh nghiệp quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 08/2011/QH13.
8/ Miễn thuế GTGT, thuế TNCN và thuế TNDN trong năm 2012 đối với cá nhân, hộ kinh doanh nhà trọ, phòng trọ cho thuê đối với công nhân, người lao động, sinh viên, học sinh; hộ, cá nhân chăm sóc trông giữ trẻ; hộ, cá nhân, tổ chức cung ứng suất ăn ca cho công nhân với điều kiện hộ, cá nhân, tổ chức này giữ ổn định mức giá cho thuê phòng trọ, nhà trọ, giá trông giữ trẻ và giá cung ứng suất ăn ca như cuối năm 2011. + Về các giải pháp cải cách hành chính: Đã chỉ đạo các ngành, địa phương triệt để thực hiện cải cách hành chính nhất là các lĩnh vực liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thuế, hải quan,...
Tại địa phương, đầu năm tỉnh đã tổ chức Hội nghị gặp mặt các doanh nghiệp với Lãnh đạo tỉnh để khuyến khích, động viên, lắng nghe nhằm giải quyết các khó khăn cho doanh nghiệp; chỉ đạo các Sở ngành, các địa phương thực hiện nghiêm các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp Trung ương đã đề ra, thực hiện nghiêm cải cách hành chính,...
| Đỗ Trang (giaoluubhd@gmail.com) - Địa chỉ:Nguyên Giáp, Tứ Kỳ | Xin ông cho biết dự án dệt - may đang được triển khai ở cụm công nghiệp Nguyên Giáp ảnh hưởng gi đến môi trường xung quanh? |
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Hiển: Dự án May Tinh Lợi đã đi vào hoạt động hiệu quả tại KCN Nam Sách (thành phố Hải Dương) từ năm 2006, tuân thủ đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường.
Dự án May Tinh Lợi mở rộng và Dự án Dệt Pacific Việt Nam đã được các cơ quan chuyên môn thận trọng khảo sát, thẩm định khắt khe, yêu cầu phải đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường theo quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam trước khi được tỉnh chấp thuận đầu tư vào CCN Nguyên Giáp, huyện Tứ Kỳ. Dự kiến khi đi vào hoạt động, đây sẽ là cụm dệt may lớn nhất Việt Nam. Nhà đầu tư dự án có trách nhiệm tuân thủ Luật Bảo vệ môi trường, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Trong hồ sơ dự án, nhà đầu tư đó cam kết tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Tại Giấy chứng nhận đầu tư do UBND tỉnh cấp cho dự án đó ghi rừ: “Trách nhiệm của nhà đầu tư: Lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và được duyệt trước khi tiến hành xây dựng…. Dự án chỉ được tiến hành sản xuất chính thức sau khi vận hành thành công nàh máy xử lý chất thải, các chỉ tiêu chất thải sau xử lý phải đạt tiêu chuẩn theo quy định của Nhà nước Việt Nam”.
Hiện nay công tác lập báo cáo đánh giá tác động môi trường đang được thực hiện, chuẩn bị thẩm định, xem xét phê duyệt. Đánh giá tác động môi trường là việc phân tích khoa học, dự báo các tác động đến môi trường của dự án để đưa ra các biện pháp bảo vệ môi trường trước khi triển khai dự án. Theo Luật bảo vệ môi trường và cam kết đó ký với UBND tỉnh, nhà đầu tư có trách nhiệm thực hiện đầy đủ, đạt hiệu quả đối với các biện pháp bảo vệ môi trường nêu trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đó được phê duyệt. Các vấn đề quan ngại chủ yếu về ảnh hưởng tới môi trường đối với dự án dệt - may đang được triển khai ở CCN Nguyên Giáp là: Nước thải công nghiệp; khí thải công nghiệp (bụi và các chất vô cơ), chất lượng không khí xung quanh; tiếng ồn.
Theo cam kết của nhà đầu tư và là yêu cầu bắt buộc, làm cơ sở để các cơ quan chức năng và nhân dân giám sát: Toàn bộ nước thải của dự án được xử lý đạt mức A (là mức xử lý triệt để nhất) trước khi xả ra nguồn; khí thải công nghiệp, tiếng ồn và các chỉ tiêu môi trường có liên quan luôn đảm bảo mức thấp nhất theo quy định. Một yếu tố có ảnh hưởng nhiều đến môi trường khu vực đã được tỉnh nghiên cứu, đang từng bước thực hiện các giải pháp để giảm thiểu tác động là vấn đề nhân lực tập trung tại khu vực dự án. Khi dự án đi vào hoạt động đúng thiết kế, sẽ có khoảng 16 nghìn lao động trong nhà máy, đồng thời hình thành nhiều bộ phận dịch vụ, phụ trợ... dẫn đến nảy sinh những vấn đề phức tạp. Cần sớm nghiên cứu quy hoạch, xây dựng khu dân cư, khu nhà ở cho công nhân và khu dịch vụ phục vụ CCN, các công trình công cộng, phúc lợi, văn hoá - xã hội, vệ sinh môi trường đồng bộ, phù hợp với sự hình thành và phát triển của đô thị Nguyên Giáp với quy mô dân số 35 - 40 nghìn người trong tương lai gần.
- Chỉ đạo nghiên cứu phương án và lập quy hoạch khu dân cư, khu nhà ở cho công nhân và khu dịch vụ phục vụ CCN.
- UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng giám sát việc lắp đặt cũng như các thiết bị xử lý môi trường chặt chẽ, không để xảy ra ô nhiễm môi trường.
| Nguyễn Gia Tưởng (giatuong78@gmail.com) - Địa chỉ:báo Nông thôn ngày nay | Xin ông cho biết hiện nay chính quyền tỉnh Hải Dương đã làm gì để sớm đưa chợ Đọ đầu mối vào hoạt động, và làm thế nào để người dân xã Ứng Hoè huyện Ninh Giang không bị các đối tượng xấu lợi dụng vào những hoạt động cản trở chính quyền trong công tác xây dựng nông thôn mới | Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Hiển: Dự án chợ Đọ được UBND tỉnh phê duyệt năm 2007, đến năm 2009 cơ bản hoàn thành. Khi chuẩn bị đưa chợ vào hoạt động thì nhân dân có kiến nghị. UBND tỉnh đã chỉ đạo Thanh tra tỉnh tiến hành thanh tra và đã có kết luận. Tuy nhiên nhân dân vẫn có kiến nghị.
Hiện chợ Đọ là một trong những điểm nổi cộm mà lãnh đạo tỉnh, huyện Ninh Giang và các ngành tập trung giải quyết. UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành rà soát lại tất cả quá trình thực hiện dự án để xem xét và có giải pháp giải quyết phù hợp. Trong đó, tiếp tục chỉ đạo giải quyết thỏa đáng các kiến nghị của dân. Đồng thời, tập trung củng cố tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể ở cơ sở. Để ngăn chặn các đới tượng xấu lợi dụng, trong thời gian tới cần tăng cường công tác tuyên truyền, đối thoại trực tiếp với người dân.
| Minh Cường (giaoluubhd@gmail.com) - Địa chỉ:Cộng Hòa- Chí Linh | Xin ông nhận xét về tiến độ triển khai khu công nghiệp Cộng Hòa (Chí Linh)? | Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Hiển: Khu công nghiệp (KCN) Cộng Hoà thuộc địa phận thị xã Chí Linh được quy hoạch từ tháng 11/2007 với tổng diện tích 3573ha. Dự án xây dựng hạ tầng KCN do Công ty Cổ phần Phát triển đô thị và khu công nghiệp Cao su Việt Nam thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đầu tư 100% vốn, thực hiện từ tháng 4/2008, tiến độ hoàn thành theo kế hoạch năm 2011. Với mục tiêu tạo đà phát triển công nghiệp khu vực phía Bắc tỉnh, bám trục quốc lộ 18, thu hút các ngành công nghiệp công nghệ cao.
Đến nay tại KCN mới GPMB và bàn giao được gần 224ha đất (trên 60% diện tích), xây dựng hạ tầng (chủ yếu là san nền) trên 50ha. Do quá trình giao đất kéo dài và tiến độ xây dựng hạ tầng chậm, đến nay KCN chưa thu hút được các dự án đầu tư.
Tiến độ triển khai KCN Cộng Hoà chậm, không đạt kế hoạch do một số nguyên nhân chính:
- Việc hình thành KCN phụ thuộc nhiều vào tuyến đường 398B (từ ngã ba Thiên, quốc lộ 37 đến quốc lộ 18, tránh trung tâm đô thị). Tuyến đường này đã được phê duyệt dự án từ năm 2005 (với chiều dài 8,5km trong đó 2,3km đi qua KCN) nhưng chưa được triển khai xây dựng do còn vướng mắc về cơ chế đầu tư và khó khăn về vốn.
- Chủ đầu tư hạ tầng KCN thiếu tập trung; công tác xúc tiến thu hút đầu tư chưa đạt hiệu quả.
- Sau khi thành lập thị xã Chí Linh, nhu cầu thực tế và yêu cầu phát triển của thị xã cần mở rộng không gian phù hợp, hướng tới nâng cấp lên đô thị loại III. Cần thiết phải điều chỉnh quy hoạch KCN Cộng Hoà theo hướng dịch chuyển về phía Nam, không tiếp giáp quốc lộ 18.
UBND tỉnh đang chỉ đạo chủ đầu tư KCN và các cơ quan chức năng thực hiện công tác điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng KCN Cộng Hoà đảm bảo sự đồng bộ và phù hợp với các quy hoạch của tỉnh, của Trung ương có liên quan; đồng thời nghiên cứu điều chỉnh dự án đường 398B đoạn qua KCN đến giao với quốc lộ 18.
Việc triển khai tiếp tục Dự án KCN Cộng Hoà sẽ thực hiện theo sự điều chỉnh quy hoạch KCN nêu trên.
| Vũ Thị Xuân (xuanvu778@yahoo.com) - Địa chỉ:Lai Vu-Kim Thành | Nhiều doanh nghiệp cho rằng để vay được vốn 15% không hề dễ dàng bởi doanh nghiệp phải có tình hình tài chính tốt mà mỗi ngân hàng lại có bộ tiêu chí đánh giá tài chính riêng. Điều đó sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào thiện chí của ngân hàng. Đồng chí đánh giá thế nào về nhận định này? | Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Hiển: Để ngân hàng xem xét cho vay, ngân hàng sẽ xem xét tình hình tiềm lực tài chính của DN, tài sản đảm bảo, năng lực quản trị doanh nghiệp, uy tín, tín nhiệm, tính khả thi của dự án, đề án vay vốn ngân hàng. Trên cơ sở quy định chung của Thống đốc NHNN Việt Nam, các ngân hàng sẽ ban hành quy chế nội bộ về cho vay, giải ngân đúng theo quy định của pháp luật và bảo đảm an toàn vốn. | Văn Tùng (nguyenvantungkkt@gmail.com) - Địa chỉ:Thái Hòa, Bình Giang | Nhiều người cho rằng việc Chính phủ cho phép giãn thuế GTGT thêm 6 tháng sẽ giúp doanh nghiệp tận dụng được 10% số vốn không lãi suất để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, hàng tồn kho không bán được thì lấy đâu ra số vốn đó để đầu tư sản xuất. Đồng chí đánh giá thế nào về vấn đề này? | Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Hiển: Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn thông qua chính sách thuế. Vì vậy, doanh nghiệp cần nghiên cứu, xem xét tiêu thụ hàng hóa một cách nhanh nhất để thu hồi vốn.
| Hải Phong (giaoluubhd@gmail.com) - Địa chỉ:Tráng Liệt, Bình Giang | Được biết phái đoàn của UBND tỉnh Hải Dương vừa có chuyến xúc tiến đầu tư dài ngày tại Nhật Bản và Hàn Quốc. Xin hỏi đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh kết quả của của chuyến công tác này? Bao nhiêu doanh nghiệp đã đồng ý đầu tư vào tỉnh, tập trung vào những ngành nghề nào? |
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Hiển: Đoàn công tác của tỉnh đã tổ chức 02 cuộc hội thảo xúc tiến, vận động đầu tư Nhật Bản và 01 cuộc hội thảo ở Hàn Quốc, với tổng số đại biểu tham dự khoảng 400 người, nhiều hơn cả dự kiến của Ban tổ chức, thể hiện sự quan tâm đến môi trường đầu tư tại tỉnh ta nói riêng, và VN nói chung.
Qua hội thảo xúc tiến, một số doanh nghiệp của Tỉnh đã ký kết được những thoả thuận hợp tác đầu tư với các đối tác Nhật: Công ty cổ phần Đại An đã ký với Tập đoàn tư vấn Forval thoả thuận về xây dựng nhà xưởng xây sẵn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa Nhật Bản, dịch vụ “một cửa” bằng tiếng Nhật để cung cấp các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ công nghệ thông tin và hợp tác phát triển Trường đào tạo nghề; Công ty cổ phần Việt Tiên Sơn đã có trao đổi thông tin, thỏa thuận nghiên cứu hợp tác đầu tư với Nikken Sekkei Civil Engineering Ltd., NMT Yasuda Industry Co. Ltd., Back Up Co., Ltd, Fusion’z Corporation. Công ty cổ phần đầu tư bất động sản Thành Đông ký kết hợp tác với Công ty bất động sản ITO của Nhật, theo đó ITO sẽ đầu tư vào các dự án khu đô thị của Thành Đông tại Hải Dương để phát triển các công trình hạ tầng xã hội, góp phần phát triển các khu đô thị hiện đại và đồng bộ; Công ty CP tiến bộ quốc tế AIC cũng đã ký kết được thoả thuận hợp tác với đối tác từ Hàn Quốc…
Ông Masayuki Suzuki, Tổng Giám đốc Công ty Sinwa Indutrial Co., Ltd, chuyên sản xuất phụ kiện cho ngành may mặc cũng đã có thông tin cuối tháng 5 này sẽ tới Hải Dương tìm hiểu cơ hội đầu tư và đưa tin về Hải Dương cho nhân dân và doanh nghiệp Nhật Bản. Ông Suzuki Ông Ogawa Hiroyuki, Phó Chủ tịch Hiệp hội Việt Nam của Nhật Bản có kế hoạch tháng 6/2012 sẽ cùng các đồng nghiệp tới Việt Nam và Hải Dương tìm hiểu cơ hội đầu tư.
Tuy nhiên, việc các nhà đầu tư quan tâm, tìm hiểu cơ hội đầu tư và quyết định đầu tư tại tỉnh bên cạnh công tác vận động, XTĐT còn đòi hỏi rất nhiều vấn đề liên quan đến chính sách, đến thực thi công vụ của các cấp chính quyền và cả hệ thống chính trị và từng người dân. Do đó, đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng và có sức cạnh tranh để thu hút các nhà đầu tư nói chung, và ĐTNN vào tỉnh ta.
| Đặng Huy (giaoluubhd@gmail.com) - Địa chỉ:Thống Nhất, Gia Lộc | Tồn tại khá nhiều TCTD huy động, cho vay vượt trần nhưng không hề bị phát hiện. Đồng chí đánh giá thế nào về vấn đề này cũng như biện pháp khắc phục trong thời gian tới? | Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Hiển: Tình hình vi phạm ngầm cũng có ở 1 vài tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, thanh tra, kiểm tra không phát hiện được. Đến nay, theo điều hành lãi suất của Thống đốc NHNN trong thời gian qua, thì hiện tượng huy động vượt trần không còn.
Yêu cầu các ngân hàng thương mại phải công khai (tặng quà, khuyến mại...).
Tới đây, NHNN sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm. Đề nghị người dân cung cấp thông tin chính xác về các tổ chức tín dụng huy động vượt trần lãi suất.
Đường dây nóng của NHNN Hải Dương: Phòng Tổng hợp và KSNN: 03203. 853.393/ 03203. 853.938 Phòng Thanh tra giám sát: 03203.853.407 Giám đốc NHNN: 0912.063.971
| Nguyễn Thị Oanh (giaoluubhd@gmail.com) - Địa chỉ:Việt Hòa, TP Hải Dương | Xin đ/c cho biết tình hình ở khu công nghiệp Kenmark Việt Hòa sau khi chủ đầu tư bỏ về nước hiện nay ra sao? Hướng tháo gỡ của tỉnh Hải Dương đối với khu công nghiệp này? |
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Hiển: Do tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới, Tập đoàn Kenmark gặp khó khăn về tài chính đã ảnh hưởng tới việc thực hiện các dự án đầu tư của Tập đoàn này trên khắp thế giới trong đó có Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp Việt Hòa – Kenmark tại Việt Nam.
Ngày 20/6/2010, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Kenmark đã có văn bản số 0112/CV-BOM xin tạm dừng hoạt động toàn khu công nghiệp đến ngày 31/3/2011. Ngày 01/4/2011, công ty tiếp tục có văn bản số 022011/CV-BOM xin tạm dừng hoạt động đến ngày 30/6/2012 để công ty có thời gian thực hiện các biện pháp khắc phục khó khăn và kiếm các đối tác đầu tư vào khu công nghiệp.
Tính đến thời điểm này, Chủ đầu tư đã xây dựng hoàn tất phần hạ tầng khu công nghiệp theo quy hoạch đã được duyệt. Đã có 07 dự án đầu tư nước ngoài (bao gồm cả dự án đầu tư xây dựng hạ tầng KCN) vào khu công nghiệp với tổng vốn đầu tư 296,6 triệu USD, vốn đầu tư đã thực hiện 110,3 triệu USD.
Sau một thời gian ngừng hoạt động và nỗ lực tìm kiếm các đối tác đầu tư vào khu công nghiệp. Ngày 06/4/2012, Công ty đã có văn bản số 03/CV-BOM báo cáo việc khu công nghiệp xin hoạt động trở lại. Theo đó, chủ đầu tư khu công nghiệp Việt Hòa Kenmark đã từng bước khắc phục được khó khăn đưa khu công nghiệp vào hoạt động trở lại.
Hiện nay, UBND tỉnh đang chỉ đạo Ban Quản lý các KCN cùng các ngân hàng (cho chủ đầu tư vay vốn) nghiên cứu xem xét, đề xuất phương án chuyển chủ đầu tư dự án. Đồng thời, Ban Quản lý KCN cùng Sở Kế hoạch và Đầu tư tích cực tham mưu, đề xuất để thu hút các dự án vào KCN này.
| Phạm Quân (giaoluubhd@gmail.com) - Địa chỉ:Dân Chủ- Tứ Kỳ | Tình trạng nợ đọng thuế đang tăng lên. Tỉnh ta đã có biện pháp gì để khắc phục? | Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Hiển: Tình trạng nợ đọng thuế chủ yếu là do suy thoái kinh tế, các đơn vị sản xuất kinh doanh bị đình trệ, hàng hòa tồn kho nhiều, khả năng thanh khoản thấp, nhiều doanh nghiệp khó khăn về mặt tài chính, thiếu vốn hoạt động. Để tháo gỡ, trước hết, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo ngành thuế phân loại, phân tích nguyên nhân nợ đọng, trên cơ sở đó có đánh giá và đề xuất triển khai các biện pháp tháo gỡ phù hợp với từng nhóm đối tượng có nợ đọng thuế. Cụ thể là:
Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân có nợ đọng thuế do nguyên nhân chủ quan chủ động nộp thuế vào ngân sách Nhà nước kịp thời và đầy đủ. Đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp cố tình chây ỳ, nợ đọng thuế theo quy định của pháp luật.
Đối với các tổ chức, cá nhân nợ đọng thuế do nguyên nhân khách quan cần quan tâm tháo gỡ, thực hiện các giải pháp theo chỉ đạo của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người lao động, từ đó thúc đẩy tiêu dùng xã hội, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh như: triển khai kịp thời việc gia hạn nộp thuế, giải ngân gói cứu trợ của Chính phủ cho đúng đối tượng.
Về phía doanh nghiệp, cần chủ động đầu tư chiều sâu, thay đổi mẫu mã sản phẩm phù hợp nhu cầu của người tiêu dùng, tìm kiếm thị trường từ đó đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
| Danh Cương (giaoluubhd@gmail.com) - Địa chỉ:TT Thanh Miện | Nhiều người cho rằng lãi suất cho vay bất động sản tuy đã giảm nhưng vẫn còn cao. Ý kiến của ông về điều này? |
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Hiển: Cho vay phi sản xuất tại Hải Dương ở mức dưới 10%. Trong đó, có cho vay bất động sản. Bất động sản là nhóm đầu tư tín dụng phi sản xuất. Theo chỉ đạo của Thống đốc, đây là nhóm không khuyến khích cả về lãi suất và hạn mức tăng trưởng tín dụng từ đầu năm 2011 đến đầu năm 2012 (cho vay thoả thuận) nên mức lãi suất luôn cao hơn mức lãi suất khu vực được khuyến khích. Tuy nhiên, gần đây, bắt đầu từ 10/04/2012 Thống đốc đã có công văn 2056 chỉ đạo nới lỏng hơn với các đối tượng cho vay bất động sản như: xây dựng, sửa chữa và mua nhà để ở, nhà để kết hợp cho thuê; sửa chữa và mua nhà để bán cho thuê. Xây dựng các công trình dự án phát triển nhà trong khu đô thị; cho vay tiêu dùng như phương tiện đi lại, đồ dùng trang thiết bị gia đình, chi phí học tập, chữa bệnh nước ngoài. Mức lãi suất cho vay theo thoả thuận, không phải khu vực ưu tiên về lãi suất mà nới lỏng về hạn mức tăng trưởng tín dụng cho đối tượng này (suốt năm 2011 và 4 tháng 2012 hạn chế lĩnh vực này).
| Đặng Văn Phương (giaoluubhd@gmail.com) - Địa chỉ:Kim Lương, Kim Thành | Được biết tăng trưởng tín dụng trên địa bàn tỉnh quý 1 ở mức âm. Xin ông cho biết nguyên nhân vì sao? | Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Hiển: Tổng dư nợ quý I: 27.570,1 tỷ. Mức tăng trưởng giảm 1.041 tỷ (-3,64%).
- Nguyên nhân:
+ Phía ngân hàng: Lãi suất cho vay dù đã giảm xuống về mức 15-17% nhưng vẫn cao đối với doanh nghiệp hiện nay, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về điều kiện cho vay.
+ Phía doanh nghiệp:
• Giá nguyên liệu đầu vào quá cao ( xăng, dầu, điện..), dẫn đến giá đầu ra cao, làm việc tiêu thụ sản phẩm đầu ra suy giảm, đóng băng ( hàng tồn kho ứ đọng nhiều).
• Tài chính khó khăn, yếu ( vốn tự có thấp, chủ yếu phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng).
• Quản trị điều hành hạn chế.
• Chịu tác động của khủng hoảng liên tục trong 3 năm, dẫn đến nhiều doanh nghiệp suy yếu toàn diện, phá sản, giải thể, doanh nghiệp xuất khẩu giảm.
Do vậy:
• Nhiều doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, thu hẹp sản xuất, dẫn đến không vay ngân hàng.
• Doanh nghiệp yếu, không đủ các điều kiện để ngân hàng cho vay, giải ngân tiếp.
• Khu vực nông nghiệp nông thôn: Do dịch bệnh dân không dám đầu tư chăn nuôi. Thêm vào đó, giá cả đầu vào cao, sức cầu tiêu dùng giảm, dầu ra khó khăn, giảm nên nhu vầu vay của nông dân giảm, các TCTD không cho vay được. Khu vực nông thôn thường sau tết tháng 2 nông dân bắt đầu tập trung vốn tự có, vay thêm ngân hàng, quỹ TDND để sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt nhưng quý I năm nay khu vực nông thôn dân dư vốn, gửi TCTD và trả nợ ngân hàng ( khu vực này tăng nguồn ~ 20% , cao hơn rất nhiều so với cùng kỳ các năm trước, nhưng dư nợ giảm). Tình trạng này tháng 4 tiếp tục sụt giảm nhẹ.
| Thanh Hòa (nangthanh097@gmail.com) - Địa chỉ:Nam Hưng, Nam Sách | Nợ xấu của các ngân hàng trên địa bàn đã đến mức báo động hay chưa? | Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Hiển: Nợ xấu ngân hàng trên địa bàn Quý 1/2012: chiếm 2.17%/ Tổng dư nợ tăng so với đầu năm 1,07%, đây là mức thấp hơn bình quân chung cả nước (> 3%), chưa phải là báo động vì hiện nay các ngân hàng cơ bản kiểm soát được các khoản nợ xấu và các khoản nợ có tiềm ẩn khó khăn. Hầu hết các khoản vay đều có tài sản đảm bảo. Tuy nhiên, nếu tình hình kinh tế ảm đạm, khó khăn tiếp tục có nhiều doanh nghiệp phá sản, giải thể, nợ thuế, nợ bảo hiểm xã hội thì tiềm ẩn nợ xấu gia tăng đối với ngành ngân hàng là không tránh khỏi. Dự báo nợ xấu địa bàn Hải Dương trong năm 2012 sẽ ở mức =< 3%/Tồng dư nợ. | Thủy Nguyên (giaoluubhd@gmail.com) - Địa chỉ:Thanh Giang, Thanh Miện | Vấn đề mà nhiều doanh nghiệp hiện nay rất quan tâm là việc cơ cấu lại nợ, gia hạn nợ, giảm lãi suất các hợp đồng tín dụng xuống mức hiện hành... Việc này được ngân hàng giải quyết ra sao? | Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Hiển: Các biện pháp điều hành quyết liệt của Thống đốc chỉ đạo các TCTD :
- Trong khoảng thời gian 1 tháng (13/3/2012 - 10/04/2012), Thống đốc đã chỉ đạo hạ 2 lần lãi suất huy động, mỗi lần giảm 1 % các mức lãi suất điều hành của ngân hàng Nhà nước để làm tiền đề tiếp tục kéo lãi suất cho vay xuống mức hợp lý, giúp doanh nghiệp vay vốn sản xuất. Cơ cấu lại nợ cho các doanh nghiệp khó khăn mà không bị hạn chế các điều kiện quan hệ với ngân hàng.
- Quy định trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VNĐ đối với 4 nhóm đối tượng tại thông tư 14 ban hành ngày 04/05/2012 ở mức chênh lệch dầu vào, đầu ra là 3%/ năm (4 nhóm đó là: cho vay nông nghiệp nông thôn theo Nghị định 41, sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ, công nghiệp hỗ trợ).
- Nới lỏng tín dụng phi sản xuất trong đó có đối tượng bất động sản và tiêu dùng phục vụ đời sống.
| Nguyễn Thành Phong (giaoluubhd@gmail.com) - Địa chỉ:An Lưu, Kinh Môn | Xin ông cho biết việc sử dụng xi - măng Phúc Sơn để đầu tư xây dựng các công trình giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh đã được triển khai ra sao? | Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Hiển: UBND tỉnh đã làm việc với Công ty Xi măng Phúc Sơn về phương án dùng xi măng Phúc Sơn để hỗ trợ xây dựng đường giao thông nông thôn; trong đó giao cho Sở Tài chính chủ trì, cùng Sở Giao thông vận tải, các cơ quan có liên quan làm việc với Công ty Xi măng Phúc Sơn đề xuất phương án cụ thể, nhưng phải đảm bảo nguyên tắc: Giá bán cho công trình thấp hơn giá bán tại các đại lý, mua xi-măng trả chậm 6 tháng. Hiện UBND tỉnh đã có quy định, sở tài chính, giao thông đã có hướng dẫn và các huyện hiện đang đăng ký để triển khai thực hiện.
| Nguyễn Chúc (giaoluubhd@gmail.com) - Địa chỉ:Chí Linh | Quy hoạch ngành sản xuất đang đặt ra nhiều vấn đề đối với Hải Dương hiện nay. Tình trạng cung vượt cầu đang xảy ra đối với các doanh nghiệp thép, xi-măng trên địa bàn. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá thế nào về vấn đề này? | Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Hiển: UBND tỉnh Hải Dương đã chỉ đạo thực hiện đúng theo quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng của Chính phủ. Cụ thể:
- Hiện nay quy hoạch sản xuất xi măng lò quay trên địa bàn tỉnh Hải Dương đang sản xuất ( không còn quy hoạch thêm) gồm:
1. Công ty xi măng Hoàng Thạch 03 dây chuyền công suất 3,5 triệu tấn/năm
2. Công ty xi măng Phúc Sơn 02 dây chuyền công suất 3,6 triệu tấn/năm
3. Công ty CP sản xuất VLXD Thành Công III 01 dây chuyền công suất 0,35 triệu tấn/năm
4. Công ty TNHH Phú Tân 01 dây chuyền công suất 0,35 triệu tấn/năm
- Đối với các cơ sở xi măng lò đứng: Căn cứ vào quy hoạch chung của Chính phủ và tình hình thực tại ở địa phương, UBND tỉnh đã có quyết định số 1431/QĐ-UBND ngày 25/5/2011 của UBND tỉnh Hải Dương “v.v phê duyệt quy hoạch phát triển VLXD tỉnh Hải Dương đến năm 2015, định hướng đến năm 2020”; Trong đó sản xuất xi măng lò đứng tiếp tục duy trì sản xuất sản lượng khoảng 0,8 triệu tấn/năm.
- Đến năm 2015 chuyển xi măng lò đứng sang công nghệ xi măng lò quay hoặc trạm nghiền xi măng (không còn quy hoạch phát triển thêm).
Sản phẩm xi măng có vai trò quan trọng nên đã được quy hoạch riêng trong các sản phẩm VLXD và nó có tính chất cho vùng, toàn quốc mà không chỉ riêng cho địa phương nào. Việc xác định yếu tố cung cầu ở đây cần được xem xét ở phạm vi rộng hơn và các yếu tố khác đầy đủ hơn. Đối với các cơ sở sản xuất xi măng trên địa bàn tỉnh thực hiện đúng quy hoạch và đúng công suất, tình hình sản suất và tiêu thụ khả quan.
Trong tình hình thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 24/02/2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội. Việc đầu tư xây dựng có giảm đáng kể đã ảnh hưởng đến việc tiêu thụ xi măng, đây là một sự thật trong khi triển khai chính sách mà UBND tỉnh đã và đang tiếp tục chỉ đạo các chương trình phát triển kinh tế xã hội theo tinh thần Nghị quyết đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XV có xây dựng công trình như: Chương trình xây dựng nông thôn mới, đề án phát triển giao thông nông thôn đến năm 2015…; Các doanh nghiệp sản xuất xi măng phải bằng chính năng lực của mình tiếp thị tiêu thụ sản phẩm, giá cả phù hợp, chất lượng ổn định… để ổn định phát triển sản xuất và tiêu thụ của doanh nghiệp mình.
| Vũ Văn Phương (giaoluubhd@gmail.com) - Địa chỉ: | Trong khi một số khu đô thị của TP Hải Dương còn để đất trống thì tỉnh lại tiếp tục quy hoạch một loạt khu đô thị mới. Xin hỏi đồng chí Chủ tịch liệu có xảy ra tình trạng cung vượt cầu như thép và xi-măng hiện nay không? | Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Hiển: Về cơ bản các dự án quy hoạch phát triển các khu đô thị, khu dân cư trên địa bàn tỉnh là phù hợp với Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Hải Dương đã được phê duyệt, phù hợp với quy hoạch và định hướng phát triển dân cư đô thị của các địa phương trong tỉnh và thành phố Hải Dương; Các dự án đã và đang triển khai xây dựng cũng đã nằm trong quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất được duyệt đến năm 2010 của tỉnh.
Việc triển khai lập quy hoạch, phủ kín quy hoạch phát triển đô thị trên địa bàn là cần thiết để sớm có định hướng cho phát triển, đồng thời phục vụ cho công tác quản lý và làm cơ sở để từng bước thực hiện. Trong thời gian tới cần có kế hoạch và lộ trình từng bước triển khai thực hiện các quy hoạch đảm bảo phù hợp với nhu cầu về nhà ở cho nhân dân ở từng địa phương, từng giai đoạn để tiết kiệm đất đai, vốn đầu tư.
Hiện nay các đề xuất quy hoạch dự án phát triển đô thị chủ yếu tập trung ở khu vực phía Nam của thành phố, đây là khu vực phát triển mới của thành phố Hải Dương. Trong định hướng quy hoạch thì khu vực này sẽ tập trung các công trình văn hoá thể thao, giáo dục, y tế của tỉnh, các trung tâm thương mại và dịch vụ lớn, đồng thời việc hình thành các khu đô thị mới có cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại sẽ tạo sức hấp dẫn cho những người có thu nhập cao không những ở trong tỉnh mà còn ở ngoài tỉnh đến làm ăn và sinh sống.
Việc định hướng lập quy hoạch và triển khai từng bước thực hiện đầu tư xây dựng các dự án khu đô thị và khu dân cư trên là rất cần thiết, góp phần phát triển, mở rộng và nâng cấp đô thị trong thời gian tới, đáp ứng nhu cầu về nhà ở, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Tuy nhiên, để hướng tới mục tiêu phát triển đô thị bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao, tránh tình trạng cung vượt cầu, UBND tỉnh đã và đang chỉ đạo thực hiện: - Các dự án phát triển khu đô thị, khu dân cư phải đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị và nông thôn, đáp ứng nhu cầu về nhà ở và hạ tầng cơ sở, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trên địa bàn tỉnh Hải Dương. - Có kế hoạch và lộ trình từng bước, phân chia giai đoạn thực hiện bảo đảm phù hợp yêu cầu phát triển đô thị trong từng giai đoạn (2015, 2020, sau 2020), đảm bảo tiết kiệm quỹ đất, vốn đầu tư, tránh tình trạng cung vượt cầu.
- Việc quy hoạch để định hướng lâu dài và thực hiện theo lộ trình. UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các ngành xem xét kỹ từng dự án khi triển khai thực hiện, xem xét đến nhu cầu thực tế của xã hội, năng lực của nhà đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; xây dựng khu đô thị phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm khu đô thị mới phải hiện đại hơn khu đô thị cũ.
| Nguyễn Chiến (phamvananh228@yahoo.com.vn) - Địa chỉ:Kiến Quốc-Ninh Giang | Thưa đồng chí Chủ tịch, nếu đồng chí là chủ 1 doanh nghiệp đang gặp khó khăn ở thời điểm này thì đồng chí đề nghị đồng bộ gói giải pháp cụ thể nào để cứu doanh nghiệp? | Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Hiển: Việt Nam gia nhập tổ chức thương mại Quốc tế (WTO) đã trên 5 năm, đến nay mọi cam kết về hạn chế kinh doanh đã hết, do vậy kinh tế trong nước chịu tác động của kinh tế thế giới,...
Để giải quyết khó khăn của doanh nghiệp, tạo cho doanh nghiệp phát triển ổn định sau này, ngoài sự hỗ trợ của nhà nước, nội bộ doanh nghiệp cần tổ chức lại, cụ thể:
Tổ chức lại nội bộ doanh nghiệp (tái cấu trúc lại doanh nghiệp): như sắp xếp, tinh giảm bộ máy hành chính cho phù hợp, đề giảm bớt cho phí gián tiếp; xem xét lại định mức kinh tế kỹ thuật tiêu hao vật tư, nhiên liệu; cơ cấu lại sản phẩm của doanh nghiệp cho phù hợp nhu cầu thị trường; tổ chức lại mạng lưới tiêu thụ sản phẩn, giảm bớt khâu trung gian,...
+ Kiến nghị các giải pháp - Thực hiện tốt các giải pháp về tín dụng ngân hàng; giải pháp hỗ trợ về thuế, phí; các giải pháp về cải cách hành chính Chính phủ, tỉnh đã chỉ đạo hoặc đăng đề xuất.
- Đề nghị Chính phủ trình Quốc hội xem xét, giảm thuế xuất thuế thu nhập doanh nghiệp từ 25% hiện nay xuống còn khoảng 20% và miễn, giảm một số loại thuế khác, như thuế nhập khẩu,...; thực hiện nghiêm các quy định về phí theo đúng quy định của pháp luật, hạn chế ban hành các loại phí mới làm tăng các chi phí cho doanh nghiệp, gây mất ổn định, làm giảm lòng tin của các nhà đầu tư,....
- Đề nghị Chính phủ trình Quốc hội xem xét, sửa đổi các Luật liên quan đến hoạt động đầu tư - kinh doanh của doanh nghiệp như: Luật Đầu tư, Luật đất đai,... và các Nghị định của chính phủ hướng dẫn thực hiện các luật, trong đó quy định rõ các quyền của nhà đầu tư, nhất là trong việc chuyển nhượng dự án; chia tách dự án; góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất; góp vốn bằng giá trị tài sản trên đất thuê,... trình tự, thủ tục thực hiện các quyền đó...
Xin cảm ơn bạn đọc Báo Hải Dương đã gửi câu hỏi tham gia và theo dõi cuộc giao lưu trực tuyến này. Lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành của tỉnh Hải Dương cam kết thực hiện đầy đủ các chính sách của Nhà nước để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp và mong muốn các doanh nghiệp tiếp tục phản ánh những khó khăn, vướng mắc để lãnh đạo tỉnh nắm bắt được và có giải pháp kịp thời nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển.
Xin chúc các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng chung của tỉnh! |
|