Ông Tháp nhiệt tình xây dựng làng văn hóa

Việc tử tế - Ngày đăng : 07:50, 19/05/2012

Với những tâm huyết, đóng góp thiết thực của mình, ông Tháp trở thành một tấm gương sáng trong xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.



Ông Tháp chăm sóc cây xanh ở sân vận động thôn


Về thôn Bích Thủy, xã Văn Đức (Chí Linh), hỏi ông Lương Văn Tháp, mọi người bảo: Ông Tháp xây làng văn hóa chứ gì? Cứ đi thẳng đến đình làng là gặp. Quả vậy, tới đình làng, chúng tôi gặp ông Tháp đang rào mấy luống chè vừa trồng trong sân đình. Ông bảo trồng chè để các cụ và bà con mỗi lần họp có chè uống.

Ông Tháp vốn là kỹ sư nông nghiệp. Năm 1963, tốt nghiệp Trường Trung cấp Nông lâm Trung ương, ông về nhận công tác tại Ty Nông nghiệp tỉnh. Sau gần 30 năm công tác trong ngành nông nghiệp, năm 1992 về nghỉ hưu, ông cùng vợ con đóng gạch xây nhà, tích cực tham gia làm kinh tế. Khi nhà cửa ổn thỏa, ông lại xoay ra việc làng, vận động mọi người xây dựng làng văn hóa.

Qua đài, báo được nghe về chủ trương, xây dựng đời sống văn hoá, năm 1996, ông Tháp đã cùng với ông Đặng Văn Nghiệp, một cán bộ hưu trí đề xuất với chi bộ phấn đấu xây dựng làng Bích Thủy trở thành làng văn hóa. Khi đưa ra họp dân, ông Tháp được cử làm Trưởng ban vận động (BVĐ). Ông cho biết: “Thời gian đầu, để đưa các hoạt động của thôn đi vào nền nếp còn bộn bề khó khăn. Nhiều người tỏ ra nghi ngờ, thậm chí phản đối. Suy nghĩ trước tiên phải xây dựng được quy ước để nhân dân tuân thủ thực hiện, tôi cùng các thành viên BVĐ lập hương ước làng với 6 chương 23 điều”. Hương ước được thông qua, nhân dân đồng thuận thực hiện. Xác định đình làng là trung tâm sinh hoạt văn hoá của cộng đồng, nơi giáo dục truyền thống cho các thành viên trong làng, năm 1997, BVĐ đưa ra chủ trương khôi phục lại. Tuy nhiên, đất đình cổ đã được chia hết cho các hộ dân, việc lấy lại không đơn giản. Bằng sự kiên trì, ông Tháp và BVĐ tới từng gia đình tuyên truyền, vận động các hộ dân hiến 2.400m2 xây dựng ngôi đình, cũng là nhà văn hóa của thôn. Khi hoàn thành, ông tự nguyện đảm nhận công việc trông coi quản lý.

Một tiêu chí quan trọng để đạt làng văn hóa phải có sân vận động, ông Tháp lại đến từng nhà tuyên truyền bà con dành 3 mẫu ruộng trồng rau màu ở khu cổng làng làm sân vận động. Cùng với đó, ông Tháp tuyên truyền, vận động bà con làm tốt công tác khuyến học, khuyến tài. Hằng năm, nhân dịp Tết Trung thu, tại đình làng tổ chức trao thưởng cho các cháu đỗ đại học, đạt học sinh giỏi trong làng. Năm 1998, ông cùng BVĐ xây dựng tổ truyền thanh, đúng 5 giờ sáng phát các bản tin phục vụ bà con. Ngoài ra, ông còn đứng ra vận động bà con bảo đảm an ninh trong thôn Bích Thủy không để xảy ra tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật. Với cố gắng đó, năm 1998, thôn Bích Thủy, một trong những thôn đầu tiên của tỉnh vinh dự được đón nhận danh hiệu làng văn hóa.

Từ khi đón làng văn hóa đến nay, ông Tháp tiếp tục tham gia vận động nhân dân trồng cây tạo môi trường cảnh quan xanh, sạch, đẹp. Để xây dựng cuộc sống văn hóa, văn minh, ông Tháp cùng Chi hội Người cao tuổi thôn vận động bà con góp tiền lắp đèn cao áp. Ông còn ứng tiền lương mua một số vật liệu như: ngói, xi -măng... để giúp các hộ khó khăn xây công trình vệ sinh. Năm 2002 và 2003, thôn tổ chức xây dựng đình ngoài, ông Tháp vận động bạn bè ủng hộ 20 triệu đồng. Năm 2003 và 2004, cụ Nguyễn Thị Đàn, 80 tuổi, mẹ liệt sĩ và ông Trần Văn Khánh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được Ủy ban MTTQ xã Văn Đức ủng hộ xây 2 nhà tình nghĩa, ông Tháp và  ông Nghiệp lại đứng ra vận động bà con trong làng giúp công, giúp của; bản thân 2 ông ứng tiền trước mua vật liệu. Từ những việc làm cụ thể của ông Tháp, diện mạo của làng văn hóa Bích Thủy ngày càng khang trang. Năm 2003, Bích Thủy được UBND tỉnh trao Bằng khen duy trì, giữ vững danh hiệu 5 năm. Đến nay, Bích Thủy đã có 14 năm liên tục giữ vững danh hiệu này.

Ông Nguyễn Văn Dĩ, 83 tuổi, một thành viên BVĐ xây dựng làng văn hóa Bích Thủy cho biết: Mười mấy năm nay, ông cùng bốn người cao tuổi đảm nhận việc trông nom khu trung tâm văn hóa của thôn mà không hề nhận bất cứ sự trợ cấp nào. Không chỉ hiến công, ông Tháp còn dành dụm lương hưu của mình mua tặng làng 50 m phông xanh làm sân khấu, bức vẽ tranh cổ động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" ở trung tâm văn hóa làng; mua cờ Tổ quốc treo dọc đường làng dịp Tết...

Với những tâm huyết, đóng góp thiết thực của mình, ông Tháp trở thành một tấm gương sáng trong xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Năm 2011, ông Lương Văn Tháp đã vinh dự được suy tôn là tấm gương điển hình trong 4 năm thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” của tỉnh.

NGỌC HÙNG