Sau hơn nửa tháng tăng lương, giá cả ổn định

Thị trường - Ngày đăng : 13:53, 20/05/2012

Nếu những lần tăng lương trước đều làm cho giá các mặt hàng tăng, thì lần này, trái với lo lắng của nhiều người, đã qua hơn nửa tháng, giá các mặt hàng vẫn ổn định.



Sau hơn nửa tháng tăng lương, giá thực phẩm cơ bản ổn định


Dạo qua một số chợ trên địa bàn TP Hải Dương như chợ Kho Đỏ, đông Ngô Quyền, Phú Yên… so với trước khi tăng lương, một số mặt hàng giữ nguyên giá, một số mặt hàng biến động chút ít. Chị Nguyễn Thị Hằng ở phố Bình Lộc (phường Tân Bình, TP Hải Dương) cho biết: “Khi biết sắp được tăng lương tôi không hề vui mà còn cảm thấy lo lắng, bởi những lần trước, lương mới chuẩn bị tăng thì giá cả các loại hàng hóa đã đua nhau tăng vùn vụt. Nhưng sau nửa tháng tăng lương, tôi thấy giá các mặt hàng hóa vẫn bình thường”. Chị Đặng Thị Hoài, bán rau ở cổng chợ Phú Yên cho biết: “Cách đây hơn 1 tháng, tôi chỉ có vài loại rau để bán như xu hào, cải bắp. Các loại rau này cuối mùa ăn không ngon nên khó bán; các loại rau mồng tơi, đay, muống… mới vào mùa nên khá đắt (rau muống có lúc lên đến 10 nghìn đồng/mớ; rau đay, mồng tơi 5.000 - 6.000 đồng/mớ). Giờ đã vào chính hè, thời tiết thuận lợi cho các loại rau, hoa quả phát triển, góp phần làm cho giá giảm. Hiện tại, bí đao có giá 8.000 đồng/kg, mướp đắng 10 nghìn đồng/kg, các loại rau xanh từ 2.000 - 4.000 đồng/mớ, đều thấp hơn so với cách đây 1 tháng”. Do thời tiết nóng bức nên các loại thịt khó bán, người dân chuyển sang sử dụng các thực phẩm thanh nhiệt, dễ ăn. Bà Nguyễn Thị Hưởng bán thịt lợn ở phố Bình Lộc cho biết: “Giá các loại thịt vẫn thế, thịt ba chỉ có giá 95-100 nghìn đồng/kg, mông sấn có giá 110 nghìn đồng/kg… Tuy nhiên, mức độ tiêu thụ hàng hóa khá chậm. Không chỉ quầy bán thịt của tôi mà một số quầy bán thịt xung quanh cũng trong tình trạng tương tự”. Trong khi đó, các loại cua, cáy, tôm bán khá chạy, giá biến động theo ngày. Theo các tiểu thương, những ngày nắng nóng nhu cầu của người dân tăng thì các mặt hàng này tăng đến vài chục nghìn đồng/kg.

Ngoài các mặt hàng được bày bán ở chợ, giá các mặt hàng trong hệ thống các siêu thị trên địa bàn tỉnh Hải Dương cũng không tăng. Bà Vũ Thị Thu Hương, Giám đốc Siêu thị Big C Hải Dương cho biết: “Đến nay, tất cả các mặt hàng của siêu thị đều giữ nguyên, chưa có mặt hàng nào tăng giá. Từ đầu tháng 5 đến nay, đơn vị thực hiện 2 chương trình khuyến mãi đối với đồ dùng cho thiếu nhi và các loại đồ điện tử. Mỗi lần đều giảm giá từ 5-50%. Với những chương trình khuyến mãi như vậy, Big C đã tham gia bình ổn giá trên thị trường”.

Bên cạnh các mặt hàng thực phẩm, giá các mặt hàng vật liệu xây dựng, phân bón, gas, xăng dầu cũng giảm. Chị Nguyễn Thị Xuân, chủ cửa hàng gas Trường Xuân trên đường Nguyễn Chí Thanh (TP Hải Dương) cho biết: “So với cách đây 2 tháng, giá các loại gas trung bình đều giảm từ 50- 80 nghìn đồng/ bình 12 kg. Hiện tại Shell gas có giá 400 nghìn đồng/bình, giảm 80 nghìn đồng so với tháng 3, Đại Hải gas giảm 55 nghìn đồng/bình... Giá gas giảm làm cho lượng khách quay lại cửa hàng đông hơn. Từ đầu tháng 4 đến nay, lượng khách hàng đã tăng thêm 5%”.  Do tình hình kinh tế khó khăn, nhu cầu xây dựng giảm nên giá các loại vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh vẫn ổn định.

Các mặt hàng tiêu dùng khác như giày dép, hàng may mặc trên thị trường khá đa dạng, phân chia làm nhiều khoảng phù hợp với lựa chọn của người tiêu dùng. Hiện nay, ngoài những thương hiệu nổi tiếng và giá cao của nước ngoài thì người tiêu dùng có thể lựa chọn nhiều mẫu mã quần áo do các hãng trong nước sản xuất. Các cửa hàng quần áo ở TP Hải Dương cũng thường xuyên khuyến mãi, tặng quà để kích cầu người tiêu dùng. Chị  Thái Hà, nhân viên bán hàng của hiệu quần áo Yến Anh trên đường Tuy An cho biết: “Tùy theo từng loại mẫu mã, kiểu dáng, chất liệu mà quần áo có giá khác nhau. Tuy nhiên, so với thời điểm năm ngoái, các loại quần áo của cửa hàng không tăng giá”. Giá cả ổn định khiến việc tăng lương có ý nghĩa hơn. Chị Nguyễn Thị Hạnh công tác tại Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: "Mặc dù lương 2 vợ chồng em tăng không được nhiều nhưng cũng giảm bớt khó khăn cho gia đình".

Bà Nguyễn Thị Huyền, Phòng Thông tin thị trường (Trung tâm Xúc tiến thương mại - Sở Công thương) cho biết: So với thời điểm trước khi tăng lương, giá các mặt hàng tiêu dùng vẫn ổn định và có đến gần chục mặt hàng giảm giá. Một số mặt hàng tăng là do yếu tố mùa vụ, thời tiết chứ không phải do ảnh hưởng của tăng lương. Thí dụ như cứ vào mùa hè, các mặt hàng giải nhiệt như đồ uống, đỗ đen, đỗ xanh, các loại thực phẩm như cua, rau đay, mồng tơi, tăng giảm theo ngày, những ngày thời tiết nắng, nóng thì tăng mạnh. Bên cạnh một số mặt hàng tăng giá thì một số mặt hàng lại giảm giá như lúa, gạo giảm nhẹ (từ 500 - 1.000 đồng/kg), các loại đồ biển như cua, ghẹ giảm từ 100 - 120 nghìn đồng/kg, ngao giảm 5.000 đồng/kg. Tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm được khống chế nhanh, tỉnh đã có chính sách hỗ trợ nên chăn nuôi đang hồi phục, tạo sự đa dạng, phong phú trên thị trường hàng hóa, góp phần làm cho giá các mặt hàng ổn định. Giá xăng, gas trên thị trường giảm cũng là yếu tố tích cực góp phần làm cho giá các loại hàng hóa ổn định. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, hàng tồn kho còn nhiều, nguồn cung các mặt hàng cũng đa dạng; thêm vào đó, thời gian qua, giá cả đã tăng mạnh, sức mua của người dân có hạn nên trong thời gian tới khó có thể tăng tiếp được nữa.

THANH HÀ