Tạo việc làm cho phụ nữ nông thôn

Lao động - Việc làm - Ngày đăng : 07:13, 21/05/2012

Việc được học nghề và tạo việc làm ngay tại địa phương giúp chị em có thể tranh thủ mọi lúc, mọi nơi để làm, tăng thêm thu nhập, nâng cao đời sống...


Tổ sản xuất của chị Ngô Thị Nghìn ở xã Hồng Phong (Ninh Giang) giải quyết việc làm
cho hơn 100 phụ nữ với mức thu nhập từ 1-1,5 triệu đồng/người/tháng


Tổ sản xuất của gia đình chị Ngô Thị Nghìn ở thôn Bồ Dương, xã Hồng Phong (Ninh Giang) có khá đông chị em đang tỷ mẩn làm những sản phẩm thủ công mỹ nghệ, chủ yếu là bưu thiếp, hoa, cò bằng giấy xuất khẩu sang các nước Tây Âu và Nhật Bản. Trước kia, chị Nghìn nhận khâu bóng cho một người trong xã, nhưng mức thu nhập chỉ được 10 nghìn/ngày mà công việc khá vất vả. Năm 2008, Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) 8-3 thuộc Hội Phụ nữ tỉnh phối hợp với Xí nghiệp Thủ công mỹ nghệ xuất khẩu Vân Anh (TP Hải Dương) và Hội Phụ nữ xã Hồng Phong tổ chức lớp dạy nghề thủ công mỹ nghệ tại xã. Được sự vận động của trung tâm và sự hỗ trợ của xí nghiệp, chị đã mạnh dạn mở tổ sản xuất gia công ngay tại gia đình. Những ngày đầu mở xưởng cũng gặp nhiều khó khăn, vì công việc đòi hỏi sự tỷ mẩn, hơn nữa yêu cầu về chất lượng sản phẩm lại cao, tiền công thấp nên rất khó vận động chị em tham gia. Có lúc gia đình chị Nghìn phải tự bỏ tiền để hỗ trợ tiền công cho chị em. Hằng tháng, chị thường xuyên lên xí nghiệp để lấy nguyên vật liệu, học thêm các mẫu mã mới và nhận tiền công cho công nhân trong tổ. Tổ sản xuất của chị Nghìn được chia thành  5 nhóm nhỏ, mỗi nhóm phụ trách một sản phẩm hoặc một công đoạn khác nhau. Điều thuận lợi đối với các chị em ở vùng nông thôn là có thể nhận nguyên vật liệu về làm tại nhà, nên có thể chủ động được công việc và chăm sóc gia đình, trông nom nhà cửa. Hiện tại, tổ sản xuất của chị Nghìn có hơn 100 công nhân, mức thu nhập bình quân 1-1,5 triệu đồng/người/ tháng. Hằng năm, tổ sản xuất của chị đều mở thêm các lớp dạy nghề để nhận thêm chị em vào làm việc. Chị Phạm Thị Luyến, 51 tuổi, ở thôn Bồ Dương, đã làm công việc này được 3 năm cho biết: “Công việc ở tổ sản xuất rất phù hợp với tuổi tác, điều kiện gia đình và sức khỏe của tôi. Nghề lại dễ học, làm nhiều thành quen tay, thêm thu nhập cũng giúp cuộc sống thoải mái hơn”.

Sau hiệu quả của xưởng chị Nghìn, Trung tâm DVVL 8-3 tiếp tục phối hợp với Xí nghiệp Thủ công mỹ nghệ xuất khẩu Vân Anh mở tổ sản xuất tại thôn Đông Cao, xã Đông Xuyên (Ninh Giang) do anh Đỗ Văn Duy làm chủ. Lúc đầu hàng còn bị nhiều lỗi, một số chị em không có đủ kiên trì theo nghề đã bỏ giữa chừng. Hơn nữa, người đứng ra mở xưởng lại không quản lý được nên tổ sản xuất gặp nhiều khó khăn. Tổ sản xuất được thành lập từ năm 2010, đến nay có gần 70 nhân công. Tuy nhiên, diện tích nhà xưởng mới chỉ có hơn 40m2, nên chỉ khâu hoàn thành sản phẩm chị em mới làm tại xưởng, còn các công đoạn khác các chị nhận nguyên liệu về nhà làm. Chính vì thế, việc kiểm soát chất lượng sản phẩm không được chặt chẽ do vậy nhiều sản phẩm bị lỗi, năng suất làm việc không cao. Anh Duy cho biết: “Để nâng cao chất lượng công việc, hình thành tính chuyên nghiệp cho chị em phải xây dựng được nhà xưởng đủ rộng, nhưng vốn để đầu tư xây dựng rất khó khăn”.

Theo Trung tâm DVVL 8-3, hầu hết các huyện đã hình thành được tổ sản xuất tại các xã, thu hút từ 30 đến hơn 100 chị em tham gia. Điển hình như ở các huyện Ninh Giang, Thanh Hà, Bình Giang đã xây dựng và duy trì tốt các tổ sản xuất, gia công hàng tại địa phương. Xã Hồng Phong đang mở lớp dạy may công nghiệp với gần 70 học viên. Lớp học được tổ chức ngay tại xưởng may của một doanh nghiệp may tại Hải Phòng mở tại địa phương. Sau khi tốt nghiệp, các chị em có tay nghề khá sẽ được nhận vào làm việc ngay tại xưởng may. Bà Phạm Thị Mỵ, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hồng Phong cho biết: Đối với chị em ở vùng nông thôn, việc được học nghề và tạo việc làm ngay tại địa phương sẽ rất thuận lợi, nhất là sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, chị em có thể tranh thủ mọi lúc, mọi nơi để làm. 

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai mô hình cũng gặp phải nhiều khó khăn, như phải tìm được doanh nghiệp phù hợp, người có đủ năng lực để đứng ra thành lập, duy trì tổ sản xuất; người lao động nông thôn do trình độ thấp, đa phần lao động chưa qua đào tạo nghề, chưa quen tác phong làm việc công nghiệp, thiếu kiên trì trong học nghề nên ảnh hưởng nhiều tới chất lượng sản phẩm...

Để giải quyết vấn đề trên, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp, Trung tâm DVVL tỉnh và tổ sản xuất. Doanh nghiệp và Trung tâm DVVL tỉnh sẽ có trách nhiệm dạy nghề, tạo việc làm và bao tiêu sản phẩm; tổ sản xuất tuân thủ nghiêm các quy định về chất lượng sản phẩm. Đơn vị dạy nghề phải nâng cao chất lượng đào tạo, kết hợp đào tạo nghề với tạo việc làm, bổ sung kiến thức về khởi sự doanh nghiệp cho chủ tổ sản xuất.  Bản thân người lao động phải tự nâng cao trách nhiệm trong học nghề và công việc, phải kiên trì theo đuổi nghề, phải tạo tính chuyên nghiệp trong từng khâu sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Doanh nghiệp cũng cần nâng cao mức thù lao cho người lao động. Ông Phạm Văn Thủy, Giám đốc Trung tâm DVVL 8-3 cho biết: “Dạy nghề cho lao động nữ ở vùng nông thôn đã khó, giúp họ sống được bằng nghề lại càng khó hơn. Hình thành mô hình phối hợp giữa đơn vị dạy nghề với doanh nghiệp và tổ sản xuất sẽ giúp giải quyết cơ bản vấn đề này”.

PV