Cần có giải pháp để đạt chỉ tiêu GDP năm 2012
Tin tức - Ngày đăng : 14:59, 24/05/2012
Sáng 24-5, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về: Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2011; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2012; Quyết toán ngân sách nhà nước năm 2010; Bổ sung một số dự án mới sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012-2015.
Hầu hết ý kiến đại biểu tại các tổ cho rằng: Báo cáo của Chính phủ đánh giá toàn diện những kết quả bước đầu về kinh tế xã hội và đã thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, khó khăn, yếu kém; những thách trước mắt và lâu dài đối với nền kinh tế, xã hội nước ta.
Đại biểu thảo luận ở tổ sáng 24-5 |
Quyết tâm giữ chỉ tiêu GDP
Báo cáo của Chính phủ nêu rõ đã xuất hiện những dấu hiệu suy giảm tăng trưởng kinh tế.Tốc độ tăng trưởng GDP quý I năm 2012 chỉ đạt 4%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2011 (5,57%) và năm 2010 (5,84%). Trong đó công nghiệp, xây dựng chỉ tăng 2,94%.
Ý kiến các đại biểu đều bày tỏ lo lắng về con số báo cáo này, và cho rằng, trong chưa đầy 3 quý còn lại, nếu không có quyết tâm cao, tập trung cao độ thì khó đạt được mục tiêu GDP đặt ra là 6-6,5%
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, những thách thức, khó khăn đã thấy rõ, nhưng điều quan trọng là Quốc hội hiến kế để quyết tâm giữ nguyên chỉ tiêu tăng trưởng GDP.
Đại biểu Lê Văn Lai (đoàn Quảng Nam) nhấn mạnh, các chỉ tiêu của quý I đều rất đáng báo động. “Đầu tư công giảm thì có thể hiểu vì chúng ta có chủ trương, nhưng đầu tư tư nhân giảm chứng tỏ nhà đầu tư bắt mạch nền kinh tế và không mặn mà”, đại biểu nêu ý kiến.
Do đó, theo đại biểu Lê Văn Lai, để đạt GDP cả năm đúng chỉ tiêu đề ra, những tháng còn lại phải đạt kết quả cao. Đây là bài toán bắt buộc phải nghiên cứu, phải có quyết sách và biện pháp phải căn cơ.
Đại biểu này cũng đặt vấn đề, phải chăng chúng ta đang lặp đi lặp lại kích cầu và thắt chặt. Vì năm 2009, khi nền kinh tế có dấu hiệu suy giảm, Chính phủ đã tung ra gói kích cầu và kết quả năm 2010 lạm phát cao. Sau đó, Chính phủ lại thắt chặt và hiện đang có xu hướng giảm phát, một gói hỗ trợ doanh nghiệp (bản chất cũng là kích cầu) trị giá 29.000 tỷ đồng lại được tung ra.
Ý kiến nhiều đại biểu cũng khẳng định, việc thực hiện chính sách tài khoá thắt chặt, chính sách tiền tệ chặt chẽ đã góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô nhưng cũng để lại hệ quả là làm cho doanh nghiệp gặp khó khăn, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Lãi suất vay còn cao, nhiều doanh nghiệp khó tiếp cận và hấp thụ vốn dẫn đến hàng nghìn doanh nghiệp phá sản.
Phải chú trọng an sinh xã hội
Các ý kiến của đại biểu Quốc hội cũng đồng tình với báo cáo của Chính phủ, khi cho rằngđời sống nhân dân ở nhiều vùng vẫn còn khó khăn, đặc biệt là khu vực vùng sâu, vùng xa.
Đại biểu Nguyễn Phước Thanh (đoàn Quảng Nam) cho biết, theo số liệu khảo sát mới nhất, số huyện nghèo trên thực tế cao hơn con số 63. Cuối năm 2011, một số vùng tỉ lệ hộ nghèo lên đến 80%, nhiều địa phương tỉ lệ nghèo khoảng 50%. Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ cần có sự hỗ trợ những huyện nghèo để nâng cao đời sống người dân.
Đại biểu đề nghị cần đầu tư nhiều hơn nữa cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân, đặc biệt là về hạ tầng cơ sở để tạo điều kiện cho người dân vươn lên tự thoát nghèo bằng sản xuất.
Nhiều ý kiến cũng bày tỏ lo ngại về tình hình an ninh, trật tự xã hội ở nhiều nơi vẫn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp; số vụ khiếu kiện, tố cáo tăng, đặc biệt là về đất đai.
Liên quan vấn đề đất đai, đại biểu Phạm Hồng Hà (đoàn Nam Định) cho rằng, trong đền bù giải tỏa, phải có tính toán phù hợp hơn để đảm bảo lợi ích của người dân. Thực tế nhiều người sau khi bị thu hồi thì không còn đất sản xuất, vậy phải có chính sách hỗ trợ tạo việc làm, ổn định cuộc sống chứ không chỉ đền bù một số tiền nào đó là xong.
“Thực tế có nhiều dự án, việc tính toán đền bù chưa thực sự được chú trọng, thiếu chặt chẽ, cụ thể, dẫn đến khi thực hiện gặp nhiều vướng mắc, dân không ủng hộ”, đại biểu nhấn mạnh thêm.
Trong khi đó, đại biểu Ngô Ngọc Minh (đoàn Quảng Nam) cho rằng, báo cáo cần phải làm rõ hơn tại sao một số chỉ tiêu không đạt được, như chỉ tiêu: Suy dinh dưỡng ở trẻ em, sử dụng nước sạch ở nông thôn…
Đại biểu Ngô Ngọc Minh đặt câu hỏi: “Nguyên nhân không đạt được là do đâu, thiếu tiền, thiếu quyết tâm hay thiếu chỉ đạo? Hay nguyên nhân chủ quan, khách quan nào khiến cho nỗ lực đầu tư, quyết tâm không thành?”.
Quốc hội phải tỏ rõ quyết tâm về chống tham nhũng
Đại biểu Nguyễn Thanh Sơn (đoàn Nam Định) nêu lên một số vấn đề mà cử tri đang rất quan tâm, trong đó có “cuộc chiến đấu chống tham nhũng”. Đại biểu nhấn mạnh, cử tri mong muốn, Quốc hội phải thể hiện được vị trí, vai trò của mình trong cuộc chiến đấu này
“Người dân vẫn băn khoăn về việc phát hiện và xử lý tham nhũng còn ít. Số liệu tổng kết sau 5 năm thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng có thuyết phục được người dân không hay chỉ mới là “lớp váng”. Do đó, Quốc hội phải thảo luận và tỏ rõ thái độ để dân yên tâm”, đại biểu nêu ý kiến.
Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Xuân Phúc (đoàn Quảng Nam), Phó Thủ tướng Chính phủ đặt vấn đề: Vì sao người dân giảm lòng tin đối với một số cán bộ? Việc người này được lòng dân, người kia thì không phần lớn do cách cán bộ tiếp xúc với người dân...
Ngọc Thành- Vũ Hạnh (VOV)