Chất truyện trong thơ

Dành cho người yêu thơ - Ngày đăng : 10:30, 25/05/2012

Có một lần, ngồi trò chuyện với một nhà văn, tôi dẫn dụ về chất truyện trong thơ. Trong thơ có nhạc, có họa, đã đành, trong thơ còn có truyện, có kể, có tả nữa. Tất nhiên, đưa truyện vào thơ mà không sa vào sự rườm rà, kể lể nhưng vẫn giữ được chất thơ thì phải cao tay lắm. Còn ở những người non tay nghề, trường ca dễ biến thành diễn ca, và thơ có truyện dễ biến thành vè, thành văn vần, thành ra những mớ câu rối rắm, lẫn lộn.
Trước hết, xin dẫn chứng bài thơ “Nhà ga” của cố thi sĩ Nguyễn Bính:

Cất lên theo kiểu nhà sàn
Chung quanh quấn quýt đôi giàn ti gôn
Tường vàng mái đỏ màu son
Nhà ga lại chứa linh hồn nhà ga
Loanh quanh vẫn cụ sếp già
Thủy chung bốn chuyến tàu qua mỗi ngày
Có ông ký trẻ về đây
Vợ con chưa có suốt ngày ngâm thơ
Cụ sếp có cô gái tơ
Xuân xanh đã chín mà chưa lấy chồng
Cụ sếp vẫn sống ung dung
Để lau kính trắng ngồi trông bốn trời
Xin rằng hoa cứ việc rơi
Xin rằng tàu cứ ngược xuôi đúng giờ
Để cho ông ký ngâm thơ
Cụ lau kính trắng, cô mơ chồng hiền
Lạy trời năm tháng bình yên
Cụ sếp vẫn cứ ở nguyên ga này
Tàu qua bốn chuyến mỗi ngày
Sân ga vẫn cứ rụng đầy hoa tươi
Thục nữ chưa kén được người
Ông ký quân tử vẫn ngồi ngâm thơ…

(Ga Kép, năm 1940)

Bài thơ kể về một nhà ga xép buồn ở Bắc Giang thời Pháp thuộc. Mở đầu bài thơ là ba câu tả bình thường: “Cất lên theo kiểu nhà sàn/Chung quanh quấn quýt đôi giàn ti gôn/Tường vàng mái đỏ màu son”, nhưng đến câu thứ tư người đọc bắt đầu thấy được bút pháp thơ tài hoa rất Nguyễn Bính: “Nhà ga lại chứa linh hồn nhà ga”. Tiếp theo tác giả khắc họa về các nhân vật sống ở nhà ga bé nhỏ miền rừng. Một cụ sếp già. Một ông ký trẻ. Một cô gái tơ chưa chồng. Ba nhân vật ấy đáng ra phải gắn bó thành một gia đình nhỏ, nhưng thật lạ, họ sống rất khác biệt, đơn lẻ. Ông ký trẻ không mảy may để ý đến cô gái. Và cô gái, mặc dù xuân xanh đã chín, cô vẫn cứ vẩn vơ mơ mộng về người chồng hiền ở nơi nào xa lắm, xa lắm. Và ông sếp, mặc cho con gái mình chưa chồng nhưng ông vẫn không lo nghĩ, ung dung sống theo cách của mình. Với hình ảnh: “Cụ sếp vẫn sống ung dung/Để lau kính trắng ngồi trông bốn trời”, Nguyễn Bính khắc họa nhân vật thật rõ nét, độc đáo. Nếu viết thành văn, ắt phải tốn rất nhiều trang, nhiều chữ. ở đoạn kết bài thơ, tác giả nhắc về cái điều thường gặp, cái sự trì trệ đến buồn chán ở một nhà ga xép. Một nhà văn bình phẩm rất gọn về bài “Nhà ga”: “Đây là một truyện được viết bằng thơ”. Tôi thấy rất đúng.

Nhà thơ Nguyễn Bính có rất nhiều bài thơ có chất truyện. Bài thơ Phơi áo gồm 4 câu thơ rất gần với ca dao. Nhìn ở góc độ khác, bài thơ có nhân vật, có tố chất của một truyện ngắn cô đọng, súc tích:

Xóm Tây bà lão lưng còng
Có hai cô gái lấy chồng cả hai
Gió thu thở ngắn than dài
Bà mang áo rét phơi ngoài giậu thưa.


Bài thơ rất gợi, kể về một bà lão sống lẻ loi cô độc. Hai cô gái đã đi lấy chồng, bà thì tuổi già, hẳn ngôi nhà kia và cả chiều thu cũng buồn bã, cô độc như bà. Bài thơ có một khoảng không gian rộng cho người đọc tưởng tượng. Câu thơ “Gió thu thở ngắn than dài” chứa chất tâm trạng buồn thương hưu hắt và hình ảnh: “Bà mang áo rét phơi ngoài giậu thưa” cứ khắc mãi vào tâm trí người đọc. Nhân vật bà lão trong bài thơ của Nguyễn Bính có nỗi cô đơn thường thấy ở một kiếp người. Đây phải chăng là một “siêu truyện ngắn”, dẫu không có những xung đột, mâu thuẫn, được viết bằng vỏn vẹn có 28 chữ. Trong bàn cờ 28 quân chữ đó, những người đi bằng trắc, vần điệu hòa nhập với nội dung, hiện thực xen với cảm xúc… tất cả diễn ra một cách tự nhiên, không hề mang dấu vết của sự bài trí khiên cưỡng.

NGUYỄN ĐỨC MẬU