Hồi sinh một làng nghề
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 13:23, 26/05/2012
Nghề chạm khắc đá cổ ở làng Dương Nham, xã Phạm Mệnh (Kinh Môn) ra đời cách đây hơn 6 thế kỷ. Trải qua thời gian, nghề đá xưa vẫn được lưu truyền, gìn giữ...
Tạo tác hoa sen đá
Làng chạm khắc đá nằm ngay dưới chân dãy núi Dương Nham, trung tâm của xã Phạm Mệnh. Cứ ngỡ vào làng phải nghe tiếng búa, tiếng đục, nhưng Dương Nham lại vô cùng yên ắng. Ông Nguyễn Văn Nhênh, 67 tuổi, một thợ đá đã trọn cuộc đời gắn bó với nghề cho biết: “ Tôi được ông và bố truyền nghề từ nhỏ. Nắm 15 tuổi, tôi đã làm thành thạo cối đá, trục đá. Đến năm 25 tuổi thì theo các tốp thợ đi xây dựng cầu đá, làm nền, chân cột ở các chùa chiền khắp trong, ngoài tỉnh”. Cũng theo ông Nhênh, thời đó, cả làng Dương Nham có mấy trăm hộ thì nhà nào cũng làm nghề đá. Ở nhà không có việc thì đi tứ xứ làm thuê. Sản phẩm đá của người Dương Nham vì thế có mặt ở khắp nơi. Nhưng không ai biết rõ nghề đá ở đây có từ bao giờ.
Xưa kia, ở Kính Chủ người ta thường sản xuất một số hàng thông dụng bán tại địa phương cho những người buôn theo đường thuỷ như cối đá, trục lúa, đá phiến, đá tảng… hoặc nhận các công trình xây dựng, chạm khắc đá ở các nơi. Từ sau Cách mạng Tháng Tám 1945 đến năm 1954, nghề chạm khắc đá Kính Chủ bị đình đốn vì chiến tranh. Hoà bình lập lại, nghề được khôi phục, nhưng quy mô nhỏ bé, phát triển chậm, mặt hàng đơn điệu và chất lượng kém.
Bản thân ông Nhênh đã nghỉ làm đá hơn 10 năm nay. Lý do vì nghề đá nặng nhọc, độc hại, ông lại có tuổi muốn theo cũng không được. Lý do nữa là trước kia thợ đá chỉ làm thủ công bằng tay với búa, đục, sản phẩm là các vật dụng thô sơ, còn ngày nay, lớp trẻ chuyển sang làm bằng máy móc, các sản phẩm cũng tinh xảo nên lớp thợ trước không còn đáp ứng được.
Bước vào cơ chế thị trường
Ông Nguyễn Hoàng Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Phạm Mệnh cho biết: Đến nay, một số người tâm huyết vẫn giữ nghề. Tháng 10-2008, Dương Nham đã được công nhận làng nghề chạm khắc đá. Hiện trong làng có hai cơ sở làm nghề, thời gian cao điểm quy tụ khoảng 40 người.
Theo lời giới thiệu, chúng tôi tìm đến cơ sở chạm khắc đá của ông Vũ Văn Nghĩa. Ông Nghĩa là người tâm huyết và có công phục hưng nghề đá cổ. Cơ sở của ông Nghĩa nằm ngay ven đường. Trong sân la liệt những khối đá xanh, đá trắng. Các sản phẩm đã hoàn tất hoặc tạo tác dở dang nằm ngổn ngang. Tại khu vực chế tác, hơn chục thợ đang miệt mài làm việc. Tôi bị hút ngay bởi những sản phẩm: nghê, sư tử, bàn thờ, lư hương, bia... với hoa văn tinh xảo. Ông Nghĩa kể: “Từ năm lớp 4, tôi đã học chạm khắc đá. Lúc đó, gia đình tôi chủ yếu làm cối giã gạo, cối xay bột. Học hết lớp 7, tôi nghỉ học, theo các cụ lên Bắc Ninh làm cầu đá, làm chùa, vào các vùng dân tộc làm các loại cối giã gạo, cối xay bột… Lúc đó, làng có khoảng 80 hộ làm nghề. Về sau, do máy móc phát triển, các sản phẩm đá thô sơ của Dương Nham không còn chỗ đứng. Đến năm 1988, nghề đá Dương Nham gần như đã mai một”.
Say nghề, nhìn nghề của cha ông thất truyền, ông Nghĩa không khỏi xót xa. Năm 1990, lúc đó mới 29 tuổi, ông đã đứng ra quy tụ 7 thợ, thành lập cơ sở chạm khắc đá đầu tiên trong làng. Thay vì các sản phẩm đá truyền thống, cơ sở tập trung vào làm các sản phẩm đá mà thị trường đang có nhu cầu như: bàn, lăng, mộ, sư tử, nghê, lư hương…và ngay lập tức được thị trường chấp nhận. Từ đó, ông Nghĩa vừa mở rộng quy mô sản xuất vừa đào tạo thợ. Sau khi đào tạo nghề, ông Nghĩa đã giúp một số thợ tách ra thành lập các cơ sở sản xuất. Năm 2009, ông Nghĩa đã thành lập Công ty TNHH một thành viên Vũ Nghĩa. Công ty của ông có 12 thợ làm việc thường xuyên, lúc cao điểm lên tới 30 thợ.
Sản phẩm của người thợ đá Dương Nham
Sản phẩm đá Dương Nham có chỗ đứng, nghề đá lại hồi sinh. Đá ốp trang trí của người thợ Dương Nham rất được ưa chuộng trong lĩnh vực xây dựng. Các sản phẩm đá mỹ nghệ, bàn đá nhiều lúc không đủ để bán. Việc tu bổ các công trình văn hóa cũng có sự góp mặt của thợ đá Dương Nham. Ông Nghĩa cùng đội thợ của mình từng tham gia tu bổ các công trình văn hóa ở Vĩnh Phúc, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh. Trong tỉnh, công ty của ông Nghĩa từng tham gia tạo tác rồng thời Lý, nghê đá ở Bảo tàng tỉnh; lư hương, bàn lễ, bậc lên xuống ở chùa Côn Sơn; trung từ, giếng Mắt Rồng, lư hương, sân đền Kiếp Bạc… Gần đây nhất, công ty tạo tác và lắp đặt một khánh đá nặng 5 tấn cho Nhạc viện Hà Nội. Chiếc khánh đá này được làm theo mẫu chiếc khánh của Nguyễn Trãi vẽ dâng vua năm Thiệu Bình thứ ba (1436) và phải mất 2 năm ròng rã mới xong. Đặc biệt, công ty đã xuất một lô chó đá sang Thụy Điển.
“Cực nhọc, vất vả”, đó là những từ người ta dùng để chỉ nghề chạm khắc đá. Nhưng với lòng đam mê, yêu nghề, sự sáng tạo, những người thợ đá Dương Nham đã làm sống dậy một nghề cổ truyền nổi tiếng.
Theo sách “Nghề cổ truyền Hải Hưng”, từ thời Lê sơ (thế kỷ 15), nghề đá ở Kính Chủ đã phát triển, đạt được thành tựu lớn trên hai mặt: xây dựng và điêu khắc. Năm Thiệu Bình thứ ba (1436), quan Hành khiển Nguyễn Trãi dâng biểu vẽ khánh đá. Vua khen, sai thợ lấy đá ở núi Kính Chủ để làm. Cuối thế kỷ 15, vua Lê Thánh Tông (1460-1497) có lần về thăm Kính Chủ, đề thơ, cho thợ đá khắc trên đỉnh động. Đầu thế kỷ 16, nhiều tấm bia lớn, chạm khắc công phu trên vách động do thợ đá bản xã viết và khắc, chứng tỏ nghề đá ở đây đã đạt đến trình độ cao. Năm 1720, thợ đá Kính Chủ tham gia dựng lăng Bổi Lạng, một người giàu có nổi tiếng đất Hạ Hồng xưa (nay là xã Bình Lãng, Tứ Kỳ). Đầu thế kỷ 20, thợ đá Dương Nham tham gia xây dựng nhiều công trình lớn, sản xuất nhiều đá phiến xây dựng cầu cống, lát đường... Di vật điêu khắc đá ở vùng đồng bằng tả ngạn sông Hồng và đông bắc phần lớn là thành quả lao động của thợ đá Kính Chủ. |
NGỌC HÙNG