Thảo luận dự thảo Luật Giám định tư pháp

Tin tức - Ngày đăng : 15:15, 29/05/2012

Sáng 29-5, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảoLuật Giám định tư pháp.

Nâng cao giám định tư pháp công lập

Nhiều ý kiến tập trung thảo luận về tổ chức giám định tư pháp công lập, đặc biệt là tổ chức giám định pháp y cấp tỉnh.

Theo báo cáo giải trình, hiện còn hai loại ý kiến khác nhau về mô hình tổ chức giám định pháp y cấp tỉnh. Có ý kiến nhất trí với Tờ trình và dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội, theo đó, tổ chức giám định pháp y gồm: Viện pháp y quốc gia thuộc Bộ tế; Trung tâm giám định pháp y tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (thuộc ngành Y tế); Viện pháp y quân đội Bộ Quốc phòng; Trung tâm giám định pháp y thuộc Viện khoa học hình sự Bộ Công an.

Như vậy, riêng ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (cấp tỉnh) sẽ không còn Giám định viên pháp y tại Phòng kỹ thuật hình sự Công an cấp tỉnh, mà tập trung hoạt động giám định pháp y vào tổ chức giám định pháp y thuộc ngành Y tế để bảo đảm tính khách quan, chuyên nghiệp.

Đại biểu thảo luận tại Hội trường

Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị cho giữ quy định về giám định viên pháp y thuộc Phòng kỹ thuật hình sự Công an cấp tỉnh như quy định hiện hành, vì qua thực tiễn nhiều năm, đội ngũ Giám định viên pháp y thuộc Phòng kỹ thuật hình sự Công an cấp tỉnh chủ yếu thực hiện giám định tử thi và đang phục vụ kịp thời việc xử lý các vụ án xâm phạm tính mạng con người (gây chết người). 

Phát biểu tại hội trường, nhiều ý kiến đều nhất trí đưa các tổ chức giám định pháp y về một mối, tạo điều kiện để Chính phủ đầu tư về cơ sở vật chất, nhân lực, xây dựng hệ thống tổ chức giám định pháp y chính quy, hiện đại, chuyên nghiệp hóa cao. Tuy nhiên, nên giữ giám định viên pháp y của thuộc Phòng kỹ thuật hình sự Công an cấp tỉnh, vì giám định pháp y không đơn thuần là nghiệp vụ y tế, mà còn góp phần vào bảo đảm an ninh, trật tự.

Đại biểu Huỳnh Thế Kỳ (đoàn Ninh Thuận) cho rằng, trong bao năm qua, đội ngũ giám định viên pháp y thuộc công an cấp tỉnh đã đóng góp quan trọng trong điều tra xử lý các vụ việc, đảm bảo độ chính xác, khách quan và nhanh chóng.

Hơn nữa, giám định pháp y của công an không những xác định nguyên nhân gây chết mà còn góp phần xác định cách thức gây án, hung khí… tạo thuận lợi trong quá trình phá án.

Đại biểu Thích Thanh Quyết (đoàn Quảng Ninh) nhấn mạnh, công an đóng vai trò chủ đạo trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, nếu bỏ giám định pháp y thuộc công an cấp tỉnh sẽ ảnh hưởng đến quá trình điều tra, phá án.

Ngoài ra, hiện tại lực lượng giám định viên thuộc Phòng kỹ thuật hình sự Công an cấp tỉnh đang hoàn thành tốt nhiệm vụ nên cần giữ giám định pháp y thuộc công an.

Cùng chung ý kiến, đại biểu Trần Văn Tấn (đoàn Tiền Giang) nhấn mạnh, bộ phận giám định thuộc công an cấp tỉnh không những đang đáp ứng tốt các yêu cầu về nghiệp vụ mà còn phù hợp với điều kiện hoạt động ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo…

Hơn nữa, theo một số ý kiến, nhiều người không mặn mà với công việc giám định pháp y, nên những người được đào tạo thuộc lực lượng công an với tính kỷ luật đảm nhiệm tốt công việc này.

Cũng có ý kiến nên quy về một mối như thuộc ngành y tế nhưng không nhất thiết “khai tử” bộ phận giám định pháp y thuộc công an cấp tỉnh. Điều này thuận lợi cho việc tập trung đầu tư mà vẫn phát huy được ưu điểm của các bên.

Xã hội hóa giám định tư pháp: Cần có lộ trình

Về phạm vi hoạt động của các tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập, nhiều ý kiến tán thành với quy định của dự thảo Luật.

Theo đó, về tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập do giám định viên tư pháp thành lập trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, xây dựng, cổ vật, di vật, bản quyền tác giả.

Về điều kiện thành lập Văn phòng giám định tư pháp, dự thảo luận quy định:Giám định viên tư pháp có ít nhất 5 năm là giám định viên tư pháp trong lĩnh vực đề nghị thành lập; Có Đề án hoạt động theo quy định. Cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan quân đội, sĩ quan công an nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng không được thành lập Văn phòng giám định tư pháp.

Có ý kiến đề nghị mở rộng phạm vi các tổ chức GĐTP ngoài công lập bao gồm cả 3 lĩnh vực cơ bản là pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự và các lĩnh vực khác như: giám định chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm; tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị chưa nên quy định nội dung này vào dự thảo Luật. Tuy nhiên, thảo luận tại hội trường, các ý kiến cho rằng không thể xã hội hóa 3 lĩnh vực cơ bản là pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự.

Đại biểu Thích Thanh Quyết (đoàn Quảng Ninh) cho rằng, xã hội hóa giám định tư pháp là chủ trương đúng đắn, cần có bước đi thận trọng, quy định rõ xã hội hóa ở lĩnh vực nào, xã hội hóa đến đâu.

Cùng ý kiến, đại biểu Trần Văn Tấn (đoàn Tiền Giang) đề nghị, nên giới hạn xã hội hóa giám định tư pháp, sau đó trên cơ sở tổng kết kinh nghiệp để có hướng thực hiện tốt hơn.

Ngọc Thành- Vũ Hạnh(VOV)