Đền Phú Mỹ Xuân Hoa
Di tích - Ngày đăng : 17:13, 30/05/2012
Đền Phú Mỹ Xuân Hoa thuộc thôn Phú Nội, xã Bình Dân (Kim Thành) thờ "Lễ Bộ Tả thị lang" Đặng Sỹ Nghị, người có công lớn thời vưa Đinh Bộ Lĩnh.
Đền Phú Mỹ Xuân Hoa thuộc thôn Phú Nội, xã Bình Dân (Kim Thành)
thờ "Lễ Bộ Tả thị lang" Đặng Sỹ Nghị
Đền Phú Mỹ Xuân Hoa toạ lạc trên một khu đất cao ráo, thoáng rộng tại vị trí giữa thôn Phú Nội. Mặt tiền của đền quay hướng Bắc, nhìn ra sông Buộm, phía Đông giáp đường thôn, phía Nam và phía Bắc giáp khu dân cư.
Căn cứ vào Thần tích do Hàn Lâm viện Đông Các Đại học sĩ (thần) Nguyễn Bính phụng soạn vào tháng 2 mùa xuân, năm Hồng Phúc nguyên niên (1572) và hệ thống bia ký, sắc phong, câu đối, đại tự, tài liệu lưu trữ tại Viện Thông tin khoa học xã hội và lưu truyền trong nhân dân thì: Đền Phú Mỹ Xuân Hoa tôn thờ tướng quân triều Đinh Đặng Sỹ Nghị và phối thờ hai vị tướng của ông là Đặng Sỹ Phan, Đặng Sỹ Lẫm. Thân thế và sự nghiệp của Đặng Sỹ Nghị có thể tóm tắt như sau:
Truyền rằng: cuối thời nhà Ngô, Dương Tam Kha lên cướp ngôi vua, hào trưởng các nơi nổi lên. Ngô Xương Văn khôi phục đất nước, nền chính trị tạm thời chưa thể thống nhất thì Xương Văn đã chết. Lúc này, trộm cướp trong thiên hạ nổi lên, loạn 12 xứ quân, Nam Bắc phân tranh cát cứ khắp nơi. Bấy giờ, Đinh Bộ Lĩnh dấy binh thiết lập tướng sỹ kết thành đội ngũ, cùng chiếu thư tới các Đạo, Châu, Quận… Nơi nào có người văn võ toàn tài chiêu mộ về triều lãnh binh dẹp loạn.
Đặng Sỹ Nghị là người văn võ tinh thông, nghe tin chiếu truyền, lập tức chiêu mộ binh sỹ. Lấy gia thần, sỹ tử được hơn 6 vạn người dẫn đến ứng tuyển. Đinh Bộ Lĩnh thấy Đặng công văn võ toàn tài, trí dũng hơn người lập tức phong làm " Đặng Sỹ thống lãnh đại tướng quân". Sai dẫn quân tiên phong, tuần phòng theo hướng Đông Nam. Một ngày, quân tiến đến trang Phú Nội, quận Trà Hương, phủ Kiến Thuỵ, trấn Hải Dương thì gặp giặc. Công lập tức truyền lệnh cho sĩ tốt cùng nhân dân xây dựng đồn trại để đối phó. Lúc này, nhân dân trang Phú Nội đều hoảng sợ, bèn hành lễ xin làm gia thần tôi con. Sau khi dẹp loạn 12 xứ quân, thiên hạ thanh bình. Đinh Bộ Lĩnh lập tức lên ngôi Hoàng Đế, lấy tên hiệu là: "Vạn Thắng Vương", đóng đô ở Trường An, quốc hiệu là: "Đại Cồ Việt", kỷ nguyên "Thái Bình". Vương đại xá thiên hạ, gia phong các tướng sỹ theo từng thứ bậc. Phong cho Đặng Sỹ Nghị làm "Lễ Bộ Tả thị lang", ban cho xe loan trở về gia quán bái tạ tổ tiên, mở tiệc chúc mừng. Được 2 năm, vua cử ông về làm Tổng trấn Nghệ An. Thời gian sau tướng quân tự nhiên hoá vào ngày mùng 2 tháng 10 (âm lịch). Vua Đinh Tiên Hoàng ghi nhận công lao to lớn của bậc bề tôi có công với nước, bằng lòng cho mang thi hài về bản quán an táng, sắc phong Phúc thần. Vua chiếu cho thiên hạ, những nơi nào Đặng công thiết lập đồn luỹ, đón mỹ tự về lập đền miếu phụng thờ.
Nhất phong; “ Đặng Sỹ Nghị công linh ứng Đại Vương”. Tặng phong: “ Đương cảnh Thành hoàng hộ quốc Cư sỹ thông minh, bác đạt, phù vận, an dân, phổ hoá, hoằng phô, Trung đẳng Thần”.
Sắc chỉ ban cho trang Phú Nội đón mỹ tự về lập đền miếu phụng thờ.
Trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, đền là nơi tập luyện quân sự của du kích xã Bình Dân. Đồng thời đền còn là nơi tổ chức các lớp bình dân học vụ.
Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 đền Phú Mỹ Xuân Hoa có các ngày lễ tiết: Ngày sinh thần mùng 7 tháng Giêng (chính lệ lễ dùng thịt lợn đen, xôi, rượu, xướng ca, tế lễ). Ngày chạp Thần mùng 2 tháng 10 (chính lệ lễ dùng tuỳ nghi, xướng ca, tế lễ). Ngày khánh hạ (chúc mừng) 15 tháng 11 (ngày Đặng Sỹ Nghị về trang Phú Nội mở tiệc) chính lệ lễ dùng thịt lợn đen, xôi, rượu, xướng ca, tế lễ. Hàng năm, tại di tích, nhân dân địa phương thường tổ chức lễ hội mùa xuân (lễ đại kỳ phúc) từ ngày 14 đến ngày 16 tháng Giêng âm lịch, đây là lễ hội lớn nhất trong năm. Ngày 13 là ngày mở cửa đình, các bô lão và trai tráng trong làng dọn dẹp, chồng kiệu, bao sái đồ thờ, dọn dẹp đường làng ngõ xóm để phục vụ lễ hội. Sáng ngày 14, cả làng đều tập trung tại đền rước ngai, tượng, ra đình để làm lễ. Trước đó, tại đền có tế xin được mở lễ hội, các thành viên của làng đều có trách nhiệm trong việc tổ chức lễ. Trong các ngày lễ hội, lần lượt các giáp vào tế. Trước đây đền có ruộng công cho các giáp cấy để lấy hoa lợi làm lễ đám trong năm. Tại đây, có tục tế "Tam sinh". Ngày 15 là ngày chính hội, nhân dân trong làng ra đền chuẩn bị rước giao hiếu lên chùa Bùi làm lễ, sau đó rước về đền Phú Mỹ Xuân Hoa tế 3 tuần rượu và chính thức mở lễ hội, tổ chức các trò chơi dân gian. Ngày 16 là ngày tế dã đám, kết thúc lễ hội.
Trong những ngày lễ hội có nhiều trò chơi dân gian được tổ chức như: Vật, cờ người, bịt mắt bắt dê, đi cầu thùm, tối có hát chèo. Hoạt động lễ hội là sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân địa phương.
Đền Phú Mỹ Xuân Hoa không chỉ có giá trị bởi quy mô đồng bộ của nó mà tại đây di tích còn lưu giữ nhiều cổ vật, di vật, hiện vật có giá trị gồm tượng 3 vị Thành hoàng, cuốn thư, câu đối, đại tự, bia thần tích, sắc phong ..nhiều cổ vật chất liệu gốm, kim loại, giấy, đá có giá trị.
Căn cứ vào hệ thống bia ký, sắc phong, câu đối, đại tự, thì: Đền Phú Mỹ Xuân Hoa được khởi dựng vào triều Đinh (Thế kỷ X) đã nhiều lần trùng tu, tôn tạo vào thời Trần; hậu Lê và thời Nguyễn.
Trải qua năm tháng và chiến tranh, qua tu sửa, tôn tạo nhiều lần. Kiến trúc hiện còn của đền theo kiểu chữ Đinh (J) gồm 3 gian tiền tế và 2 gian hậu cung, sân đền có 5 tháp gạch có niên đại thời Nguyễn (Thế kỷ XIX), đây là công trình kiến trúc độc đáo của tỉnh Hải Dương. Tháp lớn ở giữa cao 5 tầng, tầng 1 có 4 cửa cuốn vòm, trên vòm cửa chính đắp nổi 4 chữ: “Phú Mỹ Xuân Hoa”. Bốn cạnh tháp chính có 4 tháp nhỏ cao 3 tầng hình thức giống như tháp chính, tất cả các góc tháp đắp nổi phù điêu như: “Vân tản, triện lá dắt”.
Sát với 5 tháp gạch là đến toà nhà tiền tế 3 gian xây "Bít đốc, quai chảo", kích thước dài 8,15m, rộng 4m. Kết cấu chính gồm 4 vì kèo, 2 vì giữa có kiến trúc kiểu "giá chiêng”, lòng mái mở theo thức "thượng tam hạ tứ". Hai vì bên chỉ còn cột quân, vì chính gác tường, chất liệu gỗ lim, nội thất có nhiều bức chạm khắc "Tứ linh", " Tứ quý hoá long", " Nghê hý cầu", mang tính nghệ thuật cao. Tiêu biểu ở hai bên xà nách, của 2 vì chính có 2 bức cốn chạm kênh bong đề tài "Tứ linh". Mặt trái các bức cốn được chạm " Tứ quý hoá long”. Đặc biệt là hệ thống bẩy hiên chạm nổi "độc long", " tứ quý hoá long" rất sinh động. Tuy phong cách nghệ thuật, cách chạm khắc gỗ thuộc thời Nguyễn, song trong từng mảng chạm đều ẩn chứa những nét tài hoa của các nghệ nhân dân gian xứng đáng được trân trọng. Bờ nóc trang trí đôi rồng kìm ngậm bờ nóc, hồi quai chảo đắp nổi mặt hổ phù, mái lợp ngói mũi truyền thống.
Toà hậu cung dài 4,65m, rộng 4,15m nối liền với toà tiền tế là hai máng xối và gian cổ dải, kiến trúc của toà nhà này có cùng phong cách với toà tiền tế. Phần nề ngoã cũng được xây dựng khá tốt, mái lợp ngói mũi cổ, tường xây bằng gạch chỉ, nền lát gạch, hồi hậu cung kiểu quai chảo, giữa đắp nổi mặt hổ phù.
Đền Phú Mỹ Xuân Hoa được nhân dân địa phương xây dựng từ khá sớm, đã được trùng tu vào thời Trần, thời Hậu Lê và nhiều lần vào thời Nguyễn. Trong kháng chiến chống Pháp, một số công trình trong di tích đã bị phá huỷ. Sau hoà bình, đền chỉ còn 3 gian tiền tế và 2 gian hậu cung. Những năm gần đây, bằng công sức và tiền của, chính quyền và nhân dân địa phương đã tu sửa nhiều hạng mục công trình, từng bước hoàn thiện, trả lại dáng vẻ ban đầu của khu di tích. Hiện tại di tích còn tồn tại 1 số hạng mục công trình cổ, nhất là hệ thống tháp gạch. Đó là những tiêu bản quý giúp ta hiểu thêm kiến trúc cổ Việt Nam.
(Nguồn: Hải Dương di tích và danh thắng)