Nhiều vi phạm trong hành nghề y học cổ truyền
Hồ sơ phá án - Ngày đăng : 07:12, 05/06/2012
Nhiều cơ sở hành nghề y học cổ truyền chưa được cấp phép nhưng vẫn hoạt động cho thấy đang tồn tại lỗ hổng lớn trong công tác quản lý lĩnh vực này...
Hầu hết các bình dược liệu ở một cửa hàng đều không có nhãn mác
Thuốc cam có ô-xít chì
Theo chân đoàn thanh tra Sở Y tế, chúng tôi có mặt tại nhà bà lang Dự (tên thật là Vũ Thị Tính ở thôn Huề Trì, xã An Phụ, Kinh Môn). Bà lang Dự đã 80 tuổi, bị nặng tai, dù đoàn yêu cầu bà cho kiểm tra nhưng bà lại tưởng chúng tôi là khách hàng từ xa đến mua thuốc cam nên nhanh nhảu hỏi chúng tôi mua nhiều hay ít. Chị Nguyễn Thị Phú, con dâu bà Dự cho biết, bà bị nặng tai vài năm nay nhưng vẫn duy trì việc bào chế và bán thuốc cam hằng ngày. Thuốc cam tại gia đình bà lang Dự có nhiều loại, gồm: thuốc uống, thuốc xát răng, thuốc bôi hậu môn… Thuốc được đựng trong các lọ thủy tinh, lọ nhựa, không nhãn mác. Theo đoàn thanh tra, có 1 lọ chứa bột màu cam gọi là hoàng đơn, bản chất là ô-xít chì độc hại. Bà lang Dự cho biết: “Hoàng đơn pha trộn với một số dược liệu khác làm thành thuốc cam bôi hậu môn trẻ bị đau rát, lở loét; tuyệt đối không sử dụng cho thuốc cam uống, thuốc cam xát miệng”. Tuy nhiên, theo đoàn thanh tra, hoàng đơn nếu bôi vào vùng lở loét của hậu môn trong thời gian dài với số lượng lớn thì trẻ vẫn có thể bị nhiễm độc chì. Thuốc cam của bà lang Dự được con cháu, người quen mua bán ở nhiều nơi trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, trang thiết bị và nơi sản xuất, bào chế thuốc cam của gia đình bà lang Dự khá sơ sài, không bảo đảm điều kiện vệ sinh. Máy xay, pha trộn dược liệu để trong kho tối tăm, bụi bặm. Tại thời điểm kiểm tra, bà lang Dự không xuất trình được các thủ tục cần thiết như chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động, đăng ký kinh doanh.
Cùng thôn Huề Trì, có bà lang Dánh (tên thật là Nguyễn Thị Thuận) cũng bán thuốc cam. Bà Dánh đã 95 tuổi, gia đình có 5 đời làm nghề thuốc cam. Bà Dánh bào chế thuốc cam bằng chày, cối. Số lượng thuốc cam ít, chỉ có vài lọ đã bào chế sẵn. Trong đó, có 1 lọ là hoàng đơn. Giống như bà Dự, bà lang Dánh cũng khẳng định, chỉ cho hoàng đơn vào thuốc cam bôi hậu môn, không sử dụng cho thuốc uống, thuốc xát.
Qua kiểm tra tại 4 huyện gồm: Kinh Môn, Bình Giang, Ninh Giang, Cẩm Giàng thì có 3 huyện có các cơ sở bán thuốc cam nhưng chỉ có cơ sở tại huyện Kinh Môn sử dụng hoàng đơn. Các cơ sở đều là gia truyền, do người cao tuổi đảm nhiệm và không có các thủ tục cần thiết để hoạt động như giấy phép hành nghề, giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền. Hơn thế nữa, nhận thức về thực hiện các quy định của pháp luật trong hành nghề y học cổ truyền còn hạn chế. Đoàn thanh tra cũng lấy mẫu thuốc cam để kiểm nghiệm chất lượng cũng như hàm lượng chì trong thuốc cam.
Dược liệu không rõ nguồn gốc, chất lượng
Một trong những bất cập từ lâu của việc hành nghề y học cổ truyền, đó là chủ cửa hàng không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc các loại dược liệu. Tại khu vực chợ thị trấn Kinh Môn, quầy thuốc của bà Nguyễn Thị Khoe hay hiệu thuốc bắc treo biển “Hoàn” đều lắc đầu khi đoàn thanh tra Sở Y tế hỏi đến giấy tờ chứng minh nguồn gốc dược liệu hay giấy tờ đủ điều kiện hoạt động. Chất lượng của các loại dược liệu cũng không bảo đảm. Các bao dược liệu như nhân trần, kim tiền thảo… đặt ngay dưới lòng đất ẩm ướt, không che đậy. Các vị thuốc đương quy, huyền sâm… trong các bát nhựa không đậy nắp đã mốc meo. Nhiều quầy thuốc bán thuốc tây lẫn với thuốc đông y, trái với quy định.
Kiểm tra dược liệu bán tại chợ thị trấn Kinh Môn
Qua trao đổi với đoàn thanh tra, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là chủ cửa hàng thu mua một số dược liệu từ nhân dân. Ngoài ra, khoảng 90% số dược liệu có xuất xứ từ Trung Quốc, đi theo đường tiểu ngạch, không kiểm soát được chất lượng. Hầu hết các loại dược liệu tại các quầy thuốc không bảo đảm về chỉ tiêu độ ẩm do không bảo quản tốt. Ngoài ra, có loại dược liệu bị chiết một phần chất hoặc những dược liệu hình thức giống nhau nên bị tráo đổi như thổ phục linh và củ cậm can… dẫn đến hiệu quả điều trị không cao.
Một trong những vi phạm thường gặp khác là chủ phòng chẩn trị y học cổ truyền thiếu thủ tục hành nghề và giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền. Tại cơ sở chẩn trị của lương y Vũ Đình Khôi ở phố Vinh Quang, thị trấn Kinh Môn, chủ cơ sở không xuất trình được các thủ tục hành chính, không có giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền. Việc chẩn trị, bốc thuốc không kê đơn rõ ràng, các hộp thuốc không ghi nhãn mác...
Tại khu vực phố chợ Văn Thai, xã Cẩm Văn (Cẩm Giàng), tình trạng hành nghề y học cổ truyền cũng diễn ra tương tự như ở Kinh Môn. Chủ phòng chẩn trị y học cổ truyền Nguyễn Văn Hải xuất trình giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề đã hết hạn từ năm 2004; có sổ sách nhưng không ghi đầy đủ. Tại phòng chẩn trị của ông Phạm Minh Tú có đầy đủ các thủ tục hành chính nhưng kho thuốc lại không bảo đảm, dược liệu được đặt trên nền đất, liên nhục đóng gói sẵn nhưng có mọt bên trong.
Hiện nay, trong tổng số 867 lương y hoạt động khám, chữa bệnh tại 246 phòng chẩn trị thì chỉ có 320 người có giấy phép hành nghề. Nguyên nhân của tình trạng trên là do nhận thức về các quy định hành nghề của các chủ cơ sở còn hạn chế. Bên cạnh đó, công tác quản lý hành nghề y, dược tư nhân còn nhiều khó khăn. Luật Khám bệnh, chữa bệnh ban hành ngày 23-11- 2009 nhưng đến ngày 1-1-2011 mới có hiệu lực thi hành và đến tháng 11-2011 mới có thông tư hướng dẫn cấp phép hoạt động cho các cơ sở hành nghề y, dược tư nhân. Do vậy, nhiều cơ sở hành nghề y học cổ truyền chưa được cấp phép trong khoảng 3 năm gần đây. Ngoài ra, lực lượng quản lý, theo dõi hoạt động này còn mỏng. Các Phòng Y tế cấp huyện đều thiếu cán bộ, một số nơi chỉ có 2 người nên việc quản lý, hướng dẫn người hành nghề y, dược tư nhân còn nhiều yếu kém.
Tỉnh ta vốn có truyền thống lâu đời về khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền. Để hoạt động này đi vào nền nếp, ngành y tế cần đẩy mạnh tuyên truyền giúp người hành nghề y học cổ truyền hiểu đúng và làm theo quy định của pháp luật. Tỉnh cũng cần quan tâm, bổ sung nhân lực cho Phòng Y tế các huyện, thị xã, thành phố để quản lý hoạt động trên.
VŨ HẠNH