Sản phẩm ứ đọng, doanh nghiệp khó khăn
Công nghiệp - Ngày đăng : 07:00, 07/06/2012
Theo khảo sát sơ bộ của hội, có hơn 50% số doanh nghiệp gặp khó khăn, hàng hóa ứ đọng, tiêu thụ giảm.
Sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của Xí nghiệp NPK Hải Dương gặp khó khăn
Năm 2011, doanh thu của Công ty CP Dược và Vật tư y tế Hải Dương giảm hơn 100 tỷ đồng so với năm 2010. Trong 5 tháng đầu năm nay, doanh thu tiếp tục giảm khoảng 20% so với cùng kỳ năm trước. Sản phẩm của công ty cung cấp cho một số đối tác không thu được tiền về do đối tác cũng gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm.
Ông Lương Ngọc Thỏa, Phó Giám đốc Xí nghiệp NPK Hải Dương (Công ty CP Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao) cho biết: Từ cuối năm 2011 đến nay, tình hình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của xí nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Tình trạng hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng bán với giá thấp đã ảnh hưởng không nhỏ tới đơn vị. Thời điểm này năm trước, lượng hàng hóa tồn kho của xí nghiệp trung bình chỉ từ 500 - 600 tấn, nhưng hiện nay lên tới hơn 1.000 tấn. Tại các đại lý, sức tiêu thụ cũng rất chậm nên việc giải phóng hàng tồn càng khó khăn hơn.
Thị trường bất động sản đóng băng, chính sách thắt chặt đầu tư công đã khiến cho nhiều doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng bị ảnh hưởng nặng nề. Trao đổi với chúng tôi, ông Mai Văn Hà, Giám đốc Công ty CP Thép Hòa Phát (Kinh Môn) cho biết: Từ nửa cuối năm 2011 đến nay, tình hình tiêu thụ thép của công ty rất khó khăn. Trước đây, doanh nghiệp sản xuất hàng ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Thời kỳ nào khó khăn lắm thì lượng tồn kho cũng chỉ từ 3.000 - 5.000 tấn. Tuy nhiên, hiện nay, lượng hàng tồn luôn ở mức 8 - 10 nghìn tấn. Do đó, công ty chỉ vận hành khoảng 70 - 80% công suất thiết kế.
Lượng hàng tồn kho của Công ty CP Thép Hòa Phát luôn ở mức 8- 10 nghìn tấn
Theo Cục Thống kê tỉnh, trong tháng 5 - 2012 sản lượng nhiều mặt hàng công nghiệp đạt thấp. Một số sản phẩm giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước như: đá dăm các loại giảm 49,1%; quần áo bảo hộ lao động 41,6%; giầy thể thao 38,6%; than cốc 20%; gốm sứ gia dụng 37,5%; gạch lát ceramic 22,5%; thép thanh, thép góc 11,6%; ô-tô các loại giảm 18,9%...
Trước khó khăn do tiêu thụ chậm, nhiều doanh nghiệp đã phải điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh, giảm công suất, hoạt động cầm chừng để giữ chân người lao động. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là những giải pháp tình thế. Ông Đoàn Văn Nghệ, Chủ tịch Hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh kiến nghị: “Để doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong thời điểm hiện nay thì các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 13 của Chính phủ phải nhanh chóng được đi vào cuộc sống. Trước mắt là tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước; mở rộng mạng lưới bán lẻ hàng nội địa tại các địa phương để giảm lượng hàng tồn kho. Cùng với việc hạ dần lãi suất tín dụng, cần có chính sách hỗ trợ lãi suất và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn, đặc biệt các doanh nghiệp nhỏ và vừa”.
HÀ VY