Xây dựng nông thôn mới trên vùng quê Hợp Tiến

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 07:30, 10/06/2012

Cách đây vừa tròn 72 năm, tại xã Hợp Tiến (Nam Sách), Liên tỉnh B đã thành lập Tỉnh ủy lâm thời Hải Dương.



Đường giao thông nội đồng thôn Cao Đôi, xã Hợp Tiến vừa được thi công xong
 theo đúng tiêu chuẩn của đường NTM


Trên vùng quê giàu truyền thống cách mạng hôm nay, Đảng bộ và nhân dân xã Hợp Tiến đang tập trung thực hiện “cuộc cách mạng mới” là xây dựng xã đạt các tiêu chí nông thôn mới (NTM) vào năm 2015.

Về xã Hợp Tiến, chúng tôi cảm nhận được sự đổi thay nhanh chóng và mạnh mẽ của vùng quê cách mạng: những ngôi nhà 2 tầng mọc lên san sát, đường giao thông nội đồng đang từng bước được bê - tông hóa. Đưa chúng tôi đi thăm tuyến đường giao thông nội  đồng vừa được thi công xong, đồng chí Trần Minh Khôi, Bí thư Chi bộ thôn Cao Đôi hồ hởi cho biết: Sau hơn 4 tháng triển khai, tháng 4 vừa rồi, thôn đã hoàn thành 770 m đường nội đồng bê - tông. Vụ gặt này, bà con nông dân sẽ phấn khởi lắm".

Để xây dựng đường giao thông nội đồng theo tiêu chuẩn NTM, từ đầu năm 2012, thực hiện nghị quyết của Đảng bộ xã, Chi bộ thôn Cao Đôi đã đăng ký là thôn đầu tiên làm đường giao thông nội đồng của xã. Chi bộ đã tổ chức nhiều cuộc họp bàn với dân, lắng nghe ý kiến đóng góp của nhân dân, từ đó tạo sự đồng thuận cao trong việc làm đường giao thông. Cái khó chính là nguồn vốn, bởi thôn Cao Đôi chỉ có 750 nhân khẩu. Theo tiêu chuẩn trong bộ tiêu chí NTM, đường nội đồng phải có mặt đường rộng 5m, trong đó mặt đường bê - tông rộng 3 m trở lên. Theo dự toán sơ bộ, tổng số tiền để làm đường lên tới 1,5 tỷ đồng, với mức đóng góp 30%, mỗi người dân trong thôn sẽ phải đóng 450 triệu đồng, trong khi Cao Đôi lại là thôn khó khăn của xã. Tuy nhiên, trong cái khó, Chi bộ thôn Cao Đôi đã có cách làm sáng tạo. Thôn kêu gọi những người làm ăn xa quê đóng góp được gần 40 triệu đồng. Nhân dân thống nhất góp vốn làm đường trong 3 vụ lúa. Để có mặt bằng thi công, chi bộ giao nhiệm vụ cho từng đảng viên phụ trách các hộ cùng với các ngành, đoàn thể tập trung tuyên truyền vận động nhân dân “hiến đất làm đường”. Theo khảo sát, có 36 hộ dân bị ảnh hưởng đến diện tích ruộng canh tác. Sau một thời gian kiên trì vận động, toàn bộ 36 hộ dân đã tự nguyện hiến 791 m2, hộ hiến nhiều nhất 107m2. Sau đó,  thôn làm thử một đoạn dài 10 m để rút kinh nghiệm, sau đó mới thi công toàn tuyến nên bảo đảm chất lượng công trình. Ông Mạc Văn Thôn, 70 tuổi, gia đình thân nhân liệt sĩ, chủ hộ đã hiến 107 m2 ruộng để thôn làm đường vui mừng: “Chúng tôi thấy cách làm của thôn như vậy rất hợp lòng dân nên tin tưởng”.

Trao đổi với chúng tôi về lộ trình xây dựng NTM ở Hợp Tiến, đồng chí Lê Văn Ba, Bí thư Đảng ủy xã, Trưởng ban chỉ đạo xây dựng NTM xã Hợp tiến cho biết: “Phát huy truyền thống của xã anh hùng, vùng quê giàu truyền thống cách mạng, sau khi được chọn là xã làm điểm của huyện về xây dựng NTM, xã đã tập trung rà soát 19 tiêu chí để xem tiêu chí nào đã làm được, tiêu chí nào chưa làm được. Từ đó, xã xây dựng đề án, lập quy hoạch, tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân “đồng sức, chung lòng” xây dựng NTM. Qua rà soát, đến cuối năm 2011, xã đã thực hiện được 9 trong tổng số 19 tiêu chí. Còn 10 tiêu chí, xã chia làm 2 giai đoạn để tập trung thực hiện. Trong đó, giai đoạn 2011 - 2013, xã tập trung thực hiện 5 tiêu chí là: giao thông, thủy lợi, giáo dục, văn hóa, cơ sở vật chất văn hóa. Giai đoạn 2013 - 2015 sẽ thực hiện 5 tiêu chí còn lại là: nhà ở dân cư, hộ nghèo, thu nhập, cơ cấu lao động, môi trường. Sau khi đề án xây dựng NTM được huyện phê duyệt, xã đã xây dựng kế hoạch, bàn bạc dân chủ, công khai trong đảng, các tầng lớp nhân dân và nhận được sự đồng thuận rất cao của nhân dân.

Ý Đảng hợp lòng dân nên chỉ trong một thời gian ngắn, Hợp Tiến đã vận động nhân dân hiến 10.238 m2 đất nông nghiệp ổn định, luân chuyển từ đất ổn định sang đất công điền 3.562 m2. Trong đó, 254 m2 đất để mở rộng, nâng cấp nghĩa trang liệt sĩ; 13.800m2 đất làm đường giao thông. Xã phấn đấu trong năm 2012 hoàn thành khoảng 7 km đường giao thông phục vụ sản xuất nông nghiệp, vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, ngân sách địa phương, vốn doanh nghiệp và nhân dân đóng góp. Xã phối hợp với Hội Nông dân tỉnh và Trung tâm Hướng nghiệp dạy nghề huyện mở 3 lớp dạy nghề may mặc, nuôi trồng thủy sản, trồng rau xuất khẩu cho 99 người. Từ đầu năm 2012, xã đã nghiệm thu 2 công trình: nghĩa trang liệt sĩ đầu tư gần 6,5 tỷ đồng và rải đá cấp phối tuyến đường WB3 dài trên 1,3 km, kinh phí 1,2 tỷ đồng.

Có thể khẳng định, với lộ trình và những cách làm sáng tạo, hiệu quả, Đảng bộ và nhân dân xã Hợp Tiến đã và đang từng bước xây dựng vùng quê giàu truyền thống cách mạng đạt các tiêu chí NTM. Qua đó, xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

VŨ ÚY