Kinh tế trang trại mới tập trung ở vùng đồi rừng
Bạn đọc viết - Ngày đăng : 15:05, 12/06/2012
Kinh tế trang trại là một trong những hình thức tổ chức sản xuất quan trọng nhất, có khả năng phát triển mạnh mẽ nhất trong quá trình xây dựng nông thôn mới.
Theo kết quả sơ bộ của cuộc tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2011, toàn tỉnh có 282 trang trại theo tiêu chí mới, gồm 259 trang trại chăn nuôi, 12 trang trại tổng hợp, 11 trang trại thủy sản. Bình quân mỗi trang trại có quy mô 1 ha, sử dụng 4 lao động, tỷ suất sản phẩm hàng hóa đạt 98,6%, giá trị sản xuất đạt 3,3 tỷ đồng/năm. Tỉnh ta có một số điển hình về phát triển kinh tế trang trại mang lại lợi nhuận cao, tạo nhiều việc làm cho người lao động, tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn.
Tuy nhiên, hiện nay, kinh tế trang trại đang gặp nhiều khó khăn. Những khó khăn lớn nhất thường xuyên được nhắc tới là thiếu vốn, khó tích tụ ruộng đất, thị trường tiêu thụ bấp bênh. Tuy mỗi trang trại sử dụng bình quân 4 lao động, nhưng chủ yếu là lao động của gia đình, chưa thu hút nhiều lao động ở nơi khác. Sản phẩm của trang trại sản xuất ra chủ yếu tiêu thụ ở dạng thô nên giá trị gia tăng không cao. Không ít trang trại sử dụng công nghệ, kỹ thuật lạc hậu, chưa có chiến lược kinh doanh rõ ràng, sản xuất theo phong trào, bị động trước yêu cầu của thị trường nên kinh doanh thua lỗ, bị phá sản. Sự liên kết giữa các trang trại để sản xuất, kinh doanh còn yếu, đa số vẫn ở tình trạng "mạnh ai nấy làm". Chính sách hỗ trợ của tỉnh về cơ sở hạ tầng cho các trang trại còn chậm, thủ tục để được hỗ trợ rất rườm rà. Tỉnh ta vẫn chưa có quy hoạch phát triển kinh tế trang trại. Theo số liệu thống kê năm 2011, sự phân bố trang trại có sự bất hợp lý. Trong tổng số 282 trang trại thì 2 địa phương có đồi rừng là thị xã Chí Linh và huyện Kinh Môn đã có 219 trang trại. Như vậy, số lượng trang trại ở các huyện còn lại quá ít.
Những khó khăn, hạn chế của trang trại cần được cơ quan quản lý nhà nước quan tâm tháo gỡ. Cần tạo điều kiện thuận lợi cho các trang trại tiếp cận nguồn vốn, quỹ đất để đầu tư sản xuất, kinh doanh; thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ cho trang trại theo phương châm nhanh gọn, thiết thực; lập quy hoạch phát triển trang trại ở quy mô toàn tỉnh. Các trang trại cần tăng cường hợp tác thông qua các hội nghề nghiệp để cùng phát triển. Mỗi chủ trang trại cần năng động, sáng tạo, nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu thị trường, có chiến lược kinh doanh hợp lý để sản xuất, kinh doanh hiệu quả.
MINH ANH(Ninh Giang)