Mịt mù khói rơm, rạ
Môi trường - Ngày đăng : 07:06, 15/06/2012
Tình trạng đốt rơm, rạ ven đường giao thông diễn ra phổ biến.
Ảnh chụp tại thôn Phú Thọ, xã Thạch Khôi (TP Hải Dương)
Khoảng 5 giờ chiều ngày 13-6, tại cánh đồng thôn Tranh Đấu, xã Gia Xuyên (Gia Lộc), chúng tôi thấy những đám khói bốc lên mù mịt, do các đống rạ chất gần nhau nên luồng khói dày đặc tỏa ra khắp đường, tràn vào các thôn xóm. Không khí cả một vùng trời bỗng chốc trở nên oi bức, ô nhiễm trong thời gian dài. Người đi đường bịt kín mặt, ai không có khẩu trang thì lấy tay che mặt cho đỡ khói. Càng về chiều tối, người dân càng đốt nhiều rơm, rạ do ban ngày bận rộn việc đồng áng. Bà Hồ Thị Tám vừa ôm từng bó rạ để đốt vừa cho biết: “Do chưa được hướng dẫn về cách xử lý rơm, rạ sau mùa thu hoạch, hơn nữa nhà lại không có chỗ để đốt nên tôi phơi và đốt luôn tại ruộng cho tiện”. Đến xã Liên Hồng, một đống rạ lớn được đốt ở vệ đường nhưng không có người trông coi đám cháy. Cách ngọn lửa không xa là đường điện chằng chịt đi vào xã, nhưng người qua lại không ai để ý. Chúng tôi hỏi một số người dân xung quanh đó mới hay, người ta đốt rồi bỏ đấy chứ cũng không biết đống rạ đó là của ai và do ai đốt.
Qua khảo sát tại một số tuyến đường trên địa bàn huyện Gia Lộc như đường trục chính liên xã, đường 62 m kéo dài, tỉnh lộ 191, quốc lộ 37, 39B đoạn qua địa bàn các xã Quang Minh, Đồng Quang, Đức Xương, Toàn Thắng và ở địa bàn xã Phương Hưng, thị trấn Gia Lộc, chúng tôi đều bắt gặp cảnh cứ đến mỗi buổi chiều là nhà nhà đi đốt rơm, cách vài mét lại có một đống rơm đang cháy, cả làng ngập trong một màn khói bụi, ngột ngạt. Không chỉ gây mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường, việc đốt rơm ngay dưới đường điện có thể gây sự cố cháy nổ bất cứ lúc nào.
Không chỉ ở Gia Lộc, trên con đường đi vào thôn Phú Thọ, xã Thạch Khôi (TP Hải Dương), khói từ những đống rơm, rạ đang được đốt dở dang cũng bốc lên mù mịt. Khi chúng tôi hỏi có biết việc đốt rơm rạ sẽ gây ô nhiễm môi trường không thì bà Nguyễn Thị Thơi dừng lại giãi bày: “Các cô thông cảm, bây giờ nhà không có đất để phơi, tiện có đường tôi phơi luôn, đốt rồi mang tro bón ruộng trồng màu. Biết là ô nhiễm bầu không khí nhưng tôi cũng chỉ đốt vài ngày mùa, chứ cũng không có đâu mà đốt nhiều. Ở đây, ai cũng làm như vậy cả. Đầu tháng tư, chúng tôi có được đi học lớp hướng dẫn xử lý rơm, rạ nhưng chưa có chế phẩm sinh học nên không thể ứng dụng vào thực tế”.
Dọc con đường nhỏ đi vào thôn, các đám cháy từ dưới ruộng hất lên, bạt gió bay đi khắp nơi khiến cho nhiều người ở các khu vực lân cận ngộp thở. Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Kiểm, Phó Chủ tịch xã Thạch Khôi cho biết: “Xã còn nhiều hộ chưa đăng ký tham gia mô hình xử lý rơm, rạ bằng chế phẩm sinh học nên tình trạng đốt rơm, rạ diễn ra khá phổ biến. Năm 2011, xã đã xử lý được 270 tấn rơm, rạ. Vụ chiêm xuân năm nay, xã phấn đấu xử lý được 120 tấn. Nhưng tình trạng đốt rơm, rạ như hiện nay rất khó để đạt được chỉ tiêu đề ra. Mặc dù chúng tôi đã vận động, tuyên truyền về mô hình để bà con làm theo nhưng một phần chưa được hỗ trợ chế phẩm sinh học kịp thời, một phần thiếu nguồn lực để thực hiện mô hình nên chưa hiệu quả”.
Khoảng 50% lượng rơm, rạ hiện vẫn được nông dân xử lý bằng cách đốt
Ở Cẩm Giàng, tình trạng trên cũng khá phổ biến. Nhiều hộ dân sống dọc theo đường liên xã Cẩm Phúc - Lương Điền đoạn qua các thôn Đông Giao, Bái Dương, Bối Tượng, Vũ Xá thường tập kết, rồi tuốt lúa, phơi rơm, rạ ngay lòng đường. Rơm, rạ sau khi đã khô được chất lại thành từng đống lớn rồi đốt luôn ngay ven đường khiến khói bụi bốc lên mù mịt. Đã có những vụ va quệt, tai nạn xảy ra do người đi đường bị khói bụi rơm, rạ bay vào mắt.
Tình trạng đốt rơm, rạ ở các vùng ven không chỉ làm ô nhiễm trực tiếp đến không khí ở ngay địa phương đó mà còn ảnh hưởng đến nhiều khu vực ở nội thành TP Hải Dương. Sáng 13-6, nhiều người dân cảm thấy mệt mỏi khi phải hít thở với bầu không khí dày đặc khói từ chiều tối hôm trước. Bà Nguyễn Thị Hoa ở phố Đức Minh, phường Thanh Bình thắc mắc: “Không hiểu sao hôm qua trời nóng bất thường, khó chịu, chỉ thấy mùi cháy ở đâu đó bay đến, ngột ngạt không ngủ được”.
Theo Sở Khoa học và Công nghệ, kế hoạch xử lý rơm, rạ dư thừa sau thu hoạch thành phân bón hữu cơ bằng chế phẩm sinh học phục vụ nông nghiệp, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường nông thôn được thực hiện trên địa bàn tỉnh từ năm 2011 đến năm 2015. Ông Vũ Văn Tân, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng kỹ thuật khoa học (Sở Khoa học và Công nghệ) cho biết: Năm nay, toàn tỉnh có 187 xã ở 12 huyện đăng ký xử lý rơm, rạ bằng chế phẩm sinh học với khối lượng khoảng 126 nghìn tấn. Riêng vụ chiêm xuân, phấn đấu xử lý được 50% khối lượng rơm, rạ. Theo đó, các xã đăng ký tham gia mô hình vào vụ chiêm xuân này sẽ được hỗ trợ 100% chế phẩm sinh học để xử lý, còn vụ mùa chỉ được hỗ trợ 50%.
Trong ít năm trở lại đây, đời sống nhân dân ở nông thôn được cải thiện, nhu cầu sử dụng rơm, rạ vào mục đích làm chất đốt, chăn nuôi trâu, bò không còn thì hiện tượng đốt rơm, rạ đã trở thành “cơm bữa” mỗi khi mùa gặt về. Thực trạng đốt rơm, rạ như hiện nay là do bà con còn thờ ơ với mô hình, thêm vào đó chính quyền xã chưa thực sự vào cuộc để hướng dẫn nông dân xử lý rơm, rạ nên rất khó bảo đảm khối lượng đề ra. Ông Tân cho biết thêm, đây là đề tài thực hiện trong 5 năm nên chưa thể xử lý triệt để ngay trong thời gian ngắn. Sở Khoa học và Công nghệ cùng các cơ quan liên quan sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác hướng dẫn, tuyên truyền, vận động bà con từng bước thực hiện, bảo đảm hiệu quả, hạn chế tối thiểu việc đốt rơm, rạ gây ô nhiễm môi trường.
Việc đốt rơm, rạ tràn lan, bừa bãi ở nông thôn hiện nay đang ảnh hưởng tới đời sống người dân. Đốt rơm, rạ trên đường bê-tông, đường nhựa làm hỏng đường đi, phá hại công trình do chính tay người nông dân xây dựng lên, đồng thời gây khó khăn cho người tham gia giao thông. Trước thực trạng trên, đề nghị các cấp, các ngành liên quan khẩn trương vận động, hướng dẫn người dân xử lý rơm, rạ thành phân bón hữu cơ bằng chế phẩm sinh học, phục vụ có hiệu quả trong nông nghiệp, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
MINH NGUYÊN - CTV
Ngày 12-6, Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh đã ban hành công văn số 72/BATGT-VP về việc phơi rơm, rạ, thóc, tuốt lúa trên đường gây mất ATGT.
|