Những người bán báo dạo

Lao động - Việc làm - Ngày đăng : 09:19, 17/06/2012

Những người làm nghề bán báo dạo hiện nay không nhiều, nhưng họ đã góp phần mang đến cho bạn đọc nhiều thông tin hấp dẫn từ các tờ báo in.



Người bán báo dạo ở TP Hải Dương mỗi ngày phải đạp xe hàng chục cây số


6 giờ 30, chuông điện thoại reo, đầu mối phát hành thông báo: “Hôm nay báo về theo xe Hải Âu nhé. 7 giờ đón ở 559”. Anh An Văn Thông vội chuẩn bị đồ nghề: kiểm tra 2 lốp xe đạp, dây chằng và loa. Đúng hẹn, chiếc xe Hải Âu từ Hà Nội về Hải Phòng dừng bánh, anh Thông nhận báo, không quên thanh toán cước vận chuyển 20 nghìn đồng cho phụ xe. Công đoạn tiếp theo là tìm chỗ để phân loại báo. Nào là Bóng đá, An ninh thủ đô, An ninh thế giới, Công an nhân dân, rồi Đời sống và Pháp luật, Đàn ông, Đang yêu… mỗi loại được xếp vào một cuộn. Chỗ này cho vào giỏ xe, chỗ kia để trong túi. 7 giờ 30, hành trình bán báo bắt đầu. Xe báo của anh Thông xuất phát từ đường Điện Biên Phủ, rồi đến các phố Bà Triệu, Ngô Quyền, Nguyễn Lương Bằng và những con phố ở phía tây thành phố… Đầu giờ chiều, anh Thông mở rộng địa bàn sang thị trấn Lai Cách (Cẩm Giàng) rồi trở về khu vực bến xe phía tây. Ngày bán báo của anh  kết thúc vào  khoảng ba rưỡi chiều. Hôm nào báo hết sớm, anh Thông tranh thủ chuyển sang nghề “ép dẻo” giấy tờ hoặc đánh giày.

Một chiều tháng 6, tôi gặp anh Thông khi anh đang tránh nắng tại vườn cây bên Quảng trường 30-10. Tranh thủ lúc nghỉ, anh Thông mở tờ Bóng đá ra đọc bình luận về trận đấu Euro tối qua. Anh Thông cho biết hôm nay là một ngày vui, gần 80 tờ báo tôi lấy buổi sáng đã hết rồi. Còn vài tờ tuần báo này, mai hoặc ngày kia bán cũng được. Câu chuyện về nghề bán báo giữa chúng tôi mỗi lúc một rôm rả. Nhà anh Thông cấy hơn 7 sào lúa. Nhưng chỉ trông vào cây lúa thì không đủ sống, nên tranh thủ lúc nông nhàn hai vợ chồng anh lên TP Hải Dương, thuê nhà trọ ở phường Cẩm Thượng buôn bán kiếm thêm. Chồng bán báo còn vợ bán đồ nhựa. Anh đã theo nghề này 6 năm. Hai, ba năm trước, mỗi ngày anh có thể bán được 150 - 200 tờ báo, nhưng hiện nay, mỗi ngày chỉ bán được 80-100 tờ. Trừ chi phí, mỗi ngày anh thu nhập từ 80-100 nghìn đồng. “Mọi khi, những kỳ World Cup hay Euro như thế này, mỗi ngày tôi có thể bán được 100 tờ Bóng đá, nhưng nay chỉ bán được 40-50 tờ. Vì vậy, số người làm nghề bán báo như tôi cũng giảm. Trước đây ở thành phố này, tôi biết ít nhất 8-10 người làm nghề như mình. Nhưng nay chỉ còn 2 - 3 người thì phải. Báo mạng phát triển mạnh quá, nên báo in khó bán lắm!”, anh Thông giải thích. Anh Thông cũng cho biết, làm nghề bán báo, cũng có vui, có buồn. Vui là khi bán được hàng, có tiền mang về nuôi con. Vui vì có thể mang thông tin về những sự kiện “nóng” đến với bạn đọc, vì mình có cơ hội được đọc báo, mở mang kiến thức, biết chuyện khắp đó đây. Nhưng nghề này vất vả lắm. Đã đặt báo rồi thì dù nắng hay mưa cũng phải đi. Nhiều hôm mưa to, lấy được tờ báo ra cho khách thì những tờ còn lại bị ướt. Lại có hôm ế, báo không bán được phải chuyển sang bán giấy vụn. Nhưng buồn hơn cả là có những khách hàng mua báo mà không trả tiền. Anh Thông kể: "Khách hàng của tôi có đến gần một nửa là khách quen. Nhiều người lúc đầu mua báo rất sòng phẳng. Khi đã quen rồi  họ lấy mỗi ngày vài tờ báo và hẹn thanh toán vào cuối tháng. Nhưng vì nhiều lý do khác nhau, khách chuyển cửa hàng đi chỗ khác mà chưa kịp thanh toán tiền báo, tôi chẳng biết đi đâu để đòi. Mới đây thôi, một ông chủ ở phố Nguyễn Lương Bằng, nợ tôi hơn 700 nghìn tiền báo đã chuyển đi đâu không rõ".

Bán báo dạo đối với nam giới đã rất vất vả, với phụ nữ lại càng khó khăn. Chị Nguyễn Thị Xuân ở Gia Lộc theo nghề này được 3 năm cho biết: "Mỗi ngày tôi phải đạp xe gần 30 cây số mới có thể bán được hơn 100 tờ báo. Có  khi khách thấy mình là nữ, gọi vào chỉ để trêu vài câu mà không mua báo. Có hôm bán được vài tờ báo, lại bị thu mất loa". "Chị biết sử dụng loa để rao báo là sai quy định, sao vẫn dùng?" - tôi hỏi. "Biết là vậy nhưng không rao, làm sao người ta biết mình đi qua mà gọi" - chị Xuân phân trần. Vất vả vậy nhưng chị Xuân nói mình vẫn thích bán báo. Dù sao nghề này cũng hấp dẫn vì được tiếp cận với nhiều thông tin từ những tờ báo mà mình bán hằng ngày.

Không rong ruổi khắp phố như anh Thông, chị Xuân, anh Phạm Văn Quang quê ở Thái Bình lại chọn điểm bán hàng của mình là Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Mặt hàng chính của anh là sách, nhưng cũng không thể thiếu một vài tờ báo. Anh Quang cho biết: Tâm lý chung của những người đi bệnh viện là hay sốt ruột vì phải chờ đợi. Người đợi đến lượt khám, người chờ ra viện, lại có người đợi để đến giờ vào thăm bệnh nhân. Những lúc ấy, họ muốn có một cuốn sách, tạp chí hoặc tờ báo đọc cho thời gian trôi mau. Vì vậy, dù có tới vài người kinh doanh sách, báo trong bệnh viện, anh vẫn không sợ mất khách. Sáng sáng anh ra sạp báo gần Bưu điện tỉnh chọn vài tờ “đắt khách” như: Công an nhân dân, An ninh thế giới, Hạnh phúc gia đình... để bán. Từ khi khai mạc EURO, anh Quang lấy thêm 10-20 tờ Bóng đá. Thật may, báo bán cũng chạy vì nhiều người nằm viện hoặc trông người nhà ở viện không được xem các trận cầu nảy lửa trên truyền hình. 

Những người làm nghề bán báo dạo như anh Thông, chị Xuân hay anh Quang ở TP Hải Dương hiện nay không nhiều, nhưng họ đã góp phần mang đến cho bạn đọc nhiều thông tin hấp dẫn từ các tờ báo in.

NGUYÊN ANH