Khi doanh nghiệp và ngân hàng chưa chung hướng
Công nghiệp - Ngày đăng : 06:38, 22/06/2012
Nhiều chủ doanh nghiệp cho rằng, việc giảm lãi suất hiện tại chưa chắc đã cứu được các doanh nghiệp, bởi doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận được nguồn vốn.
Suy giảm kinh tế khiến ngành sản xuất vật liệu xây dựng gặp khó
Doanh nghiệp "đói vốn”
Ông Nguyễn Anh Bến, Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển Bến Thành, xã Nam Trung (Nam Sách) cho biết: “Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến nông sản, đáng lẽ công ty của tôi phải được hưởng gói tín dụng ưu đãi theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, khi làm hồ sơ vay vốn, các ngân hàng lại không đáp ứng do giấy đăng ký kinh doanh còn ghi nhiều ngành nghề khác. Phải khó khăn lắm chúng tôi mới vay được vài trăm triệu đồng với lãi suất 17%/năm, giảm 1% so với các gói vay thông thường. Để vay được số tiền này, tôi phải thế chấp toàn bộ nhà ở, xưởng chế biến... Thời gian tới, tôi dự định mở rộng quy mô sản xuất, nhưng chắc chắn sẽ không thể vay thêm bởi không đáp ứng được yêu cầu của các ngân hàng”.
Mặc dù hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nhưng Doanh nghiệp tư nhân Nam Khương, ở xã Kim Đính (Kim Thành) cũng không thể tiếp cận nguồn vốn ưu đãi theo quy định. Anh Nguyễn Hồng Nam, chủ Doanh nghiệp tư nhân Nam Khương tâm sự: “Hiện tại, tôi chưa biết làm cách nào để có kinh phí duy trì hoạt động của nhà máy nước sạch mà doanh nghiệp vừa mới đầu tư. Để xây dựng nhà máy này, tôi đã phải bỏ ra hàng chục tỷ đồng. Ngoài vốn tự có, tôi mới vay được của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khoảng 3 tỷ đồng. Để mở rộng quy mô sản xuất và trả tiền cho các doanh nghiệp cung cấp thiết bị, tôi đang có nhu cầu vay thêm khoảng 10 tỷ đồng. Tuy nhiên, khi đặt vấn đề vay vốn với các ngân hàng, tôi đều bị từ chối với lý do: không có tài sản bảo đảm và khả năng thu hồi vốn của dự án chậm. Chắc tôi phải huy động vốn ngoài với lãi suất cao để duy trì sản xuất”.
Một chủ doanh nghiệp chuyên gia công hàng may mặc xuất khẩu ở huyện Thanh Miện cũng cho rằng, các doanh nghiệp rất khó đáp ứng yêu cầu của ngân hàng về tài sản bảo đảm hoặc không có nợ xấu, nợ quá hạn. “Khi bắt tay vào xây dựng nhà xưởng, mua máy móc thiết bị... phần lớn nguồn vốn tôi phải vay ngân hàng và thế chấp bằng chính nhà xưởng của công ty. Vừa qua, tôi nhận được đơn hàng khá lớn, nhưng do nợ cũ tôi chưa trả xong nên các ngân hàng không giải quyết cho vay. Tôi buộc phải vay bên ngoài với lãi suất khá cao, chấp nhận hòa vốn để giữ khách”, chủ doanh nghiệp này bộc bạch. Đa số ý kiến của các doanh nghiệp đều cho rằng: việc giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng thời gian qua là dấu hiệu tích cực. Tuy nhiên, điều họ cần thiết nhất lúc này là khả năng tiếp cận nguồn vốn. "Không cần giảm nhiều hay ít, cái chúng tôi cần là có vay được vốn hay không. Nếu giảm nhiều nhưng không vay được thì cũng không có ý nghĩa gì".
Ngân hàng thừa tiền
Từ tháng 3 - 2012, sau một thời gian thắt chặt tín dụng nhằm kiềm chế lạm phát, nhiều lĩnh vực không khuyến khích đã dần được nới lỏng tín dụng, tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng được cải thiện đáng kể. Mặt bằng lãi suất huy động đã giảm qua nhiều đợt và lãi suất cho vay cũng đã giảm từ 2 - 2,5% so với cuối năm trước. Tuy nhiên, tốc độ giảm lãi suất cho vay cũng chưa đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp. Chủ trương bảo toàn nguồn vốn của các ngân hàng đã hạn chế khả năng tiếp cận của các doanh nghiệp.
Theo ông Phạm Mạnh Thắng, Giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB) chi nhánh Hải Dương, từ đầu năm đến nay, nguồn vốn huy động của VCB Hải Dương đạt khoảng 3.200 tỷ đồng, nhưng dư nợ cho vay chỉ đạt khoảng 2.800 tỷ đồng, giảm gần 1.000 tỷ đồng so với cuối năm 2011. Hiện tại, VCB Hải Dương vẫn còn tồn khoảng 2.000 tỷ đồng. Mặc dù VCB Hải Dương áp dụng nhiều chính sách hỗ trợ như giảm lãi suất cho vay, giảm chi phí, giảm thủ tục nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, nhưng số lượng doanh nghiệp đến vay vốn vẫn rất hạn chế. Theo ông Thắng, nguyên nhân cơ bản là các doanh nghiệp không đáp ứng được yêu cầu về tài sản bảo đảm, còn nợ xấu, nợ quá hạn hoặc phương án sản xuất, kinh doanh không khả thi. Ông Thắng cũng cho rằng: Phương án mua nợ của các doanh nghiệp khó thực hiện do tính rủi ro cao. Phương án giãn nợ cũng đã được tính đến, tuy nhiên, VCB Hải Dương mới chỉ giãn nợ cho 1 doanh nghiệp duy nhất là Công ty CP Lilama 69 - 3.
Việc giới hạn đối tượng hưởng mức lãi suất ưu đãi cũng khiến các doanh nghiệp khác khó tiếp cận nguồn vốn, nhất là nguồn vốn giá rẻ. Thực tế, số lượng doanh nghiệp thuộc các đối tượng ưu tiên không nhiều so với tổng số doanh nghiệp. Nguồn vốn của các ngân hàng dành cho các đối tượng này cũng không lớn, vì vậy, tác động của chính sách tín dụng đối với xã hội không được như mong đợi. Khi các doanh nghiệp vẫn phải vay với lãi suất khá cao trong hoàn cảnh sản xuất đình trệ, thì việc các doanh nghiệp không tìm đến ngân hàng nữa là điều dễ hiểu. Và, nếu doanh nghiệp không tìm đến ngân hàng, các ngân hàng sẽ đứng trước nguy cơ thua lỗ.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tỉnh, 5 tháng đầu năm 2012, tổng vốn huy động tại chỗ của các tổ chức tín dụng đạt 26.772 tỷ đồng, tăng 9,2% so với cuối năm 2011. Nhưng tổng dư nợ của các TCTD chỉ đạt 27.545 tỷ đồng, giảm tới 3,7% so với năm 2011. Ngân hàng thừa vốn nhưng không thể cho vay được là một tín hiệu xấu của nền kinh tế. Theo đánh giá của Chi nhánh NHNN Hải Dương, mặc dù lãi suất cho vay giảm liên tục, công tác tiếp thị, quảng bá được tăng cường, nhưng tăng trưởng tín dụng ở mức âm. Thực tế, nợ xấu cao (khoảng 10% tổng dư nợ) đã làm giá vốn đầu vào của các ngân hàng cao lên. Thống đốc NHNN chỉ đạo nới lỏng chính sách tín dụng, chính sách lãi suất, nhưng không nới lỏng điều kiện vay vốn. Các doanh nghiệp có lượng hàng tồn kho lớn, sức cầu sụt giảm, năng lực quản trị yếu, vốn tự có thấp (15 - 20%), nền tài chính yếu kém, thiếu minh bạch, nợ thuế, nợ bảo hiểm... là những nguyên nhân khiến họ khó tiếp cận nguồn vốn của các ngân hàng. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp sử dụng vốn vay không đúng mục đích, đưa vào kinh doanh bất động sản... nên ngân hàng dừng cho vay. Do tác động của khủng hoảng kinh tế, nhiều doanh nghiệp suy yếu toàn diện khiến khả năng hấp thụ vốn kém.
Ông Đoàn Văn Nghệ, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hải Dương cho rằng: Khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay là vốn và thị trường tiêu thụ. Nếu như các ngân hàng không nới lỏng các điều kiện cho vay, các doanh nghiệp rất khó tiếp cận được vốn. Và khi đó, các chính sách tín dụng sẽ không phát huy hiệu quả, không thể cứu được các doanh nghiệp.
Nghịch lý doanh nghiệp "đói vốn", ngân hàng thừa tiền vẫn diễn ra bởi khó khăn kéo dài khiến nhiều doanh nghiệp như những con tàu ọp ẹp không còn đáp ứng được các điều kiện ngân hàng đưa ra.
VỊ THỦY