Vừa làm giàu, vừa làm việc thiện
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 11:25, 22/06/2012
Đó là anh Phạm Quang Hưởng (37 tuổi, cán bộ Văn phòng HĐND - UBND xã Quảng Nghiệp, Tứ Kỳ).
Anh Hưởng tận tình hướng dẫn người lao động
Anh Phạm Quang Hưởng (37 tuổi, cán bộ Văn phòng HĐND - UBND xã Quảng Nghiệp, Tứ Kỳ) được nhiều người biết đến vì sự năng động, nhiệt tình, luôn hoàn thành tốt công việc được giao. Anh còn đi đầu trong đầu tư phát triển kinh tế, tạo việc làm cho nhiều lao động, trong đó có cả người khuyết tật.
Sau 4 năm bươn chải làm kinh tế rừng ở tỉnh Bắc Giang, năm 1999, anh Hưởng trở về quê ở thôn Gồm. Anh vừa làm kinh tế, vừa tích cực tham gia công tác Đoàn tại địa phương. Anh tham gia thành lập Câu lạc bộ Gia đình trẻ xã Quảng Nghiệp thu hút 21 thành viên, cùng hỗ trợ nhau về giống, vốn, kinh nghiệm nuôi cá, phát triển nghề mộc, hàn, may... Năm 2010, Đoàn xã Quảng Nghiệp phối hợp với Trung tâm Dạy nghề và Giới thiệu việc làm (Hội Nông dân tỉnh) mở lớp dạy may công nghiệp cho đoàn viên thanh niên, hội viên các đoàn thể trong xã. Sau khóa học, thấy các học viên có nhu cầu tìm việc làm mà các nhà máy thì ở xa, anh đã vay Quỹ tín dụng nhân dân xã Quảng Nghiệp trên 200 triệu đồng, cùng với vốn tự có, đầu tư gần 300 triệu đồng mở xưởng may rộng khoảng 120m2 ngay tại gia đình, mua 41 máy may. Anh liên hệ với Công ty See Vina (100% vốn Hàn Quốc, ở xã Minh Đức, Tứ Kỳ) để nhận gia công găng tay xuất khẩu. Lao động nữ, hoàn cảnh kinh tế khó khăn và những người khuyết tật được ưu tiên tuyển dụng. Hiện nay, xưởng may của gia đình anh tạo việc làm ổn định cho 40 lao động địa phương. Anh bố trí những công việc nhẹ nhàng, đơn giản cho người khuyết tật như kiểm đếm, đóng gói sản phẩm và tận tình hướng dẫn, động viên khi họ gặp khó khăn.
Từ ngày đi vào hoạt động, xưởng may của gia đình anh Hưởng luôn hoạt động ổn định. Các lao động làm việc có mức thu nhập bình quân trên 2 triệu đồng/người/tháng. Anh luôn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và quan tâm chăm lo đời sống của người lao động. Năm 2011, gia đình anh xuất xưởng trên 25 nghìn sản phẩm găng tay, trừ chi phí còn lãi trên 100 triệu đồng.
Anh Hưởng cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục mở rộng xưởng may, tạo thêm việc làm cho lao động địa phương. Anh cũng sẵn sàng phối hợp với các ngành, đoàn thể ở địa phương mở lớp dạy nghề cho đoàn viên, hội viên và nhân dân.
BÌNH MINH