Hy vọng của những bà mẹ có HIV

Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 07:00, 24/06/2012

Nếu biết cách dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con sớm sẽ bớt đi những đứa trẻ bị nhiễm HIV, bớt đi nỗi đau của những gia đình có người nhiễm HIV...



Tư vấn kiến thức phòng và điều trị bệnh cho bà mẹ mang thai có HIV/AIDS
tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh


Thực trạng lây truyền HIV từ mẹ sang con


Theo thống kê của các cơ quan chức năng, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm phụ nữ mang thai của cả nước là 0,25%; tỷ lệ lây truyền từ mẹ sang con trung bình từ 30-40%. Nếu những phụ nữ mang thai nhiễm HIV được chăm sóc và điều trị dự phòng kịp thời thì tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con giảm xuống dưới 5%. Bởi vậy, việc ngăn ngừa và hạn chế lây truyền HIV /AIDS từ mẹ sang con mang ý nghĩa sâu sắc về mặt xã hội và nhân đạo. 

Thạc sĩ Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh cho biết: Hoạt động dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con toàn diện được triển khai tại Hải Dương từ năm 2008. Hoạt động hướng vào nhóm đối tượng tác động chính là phụ nữ từ 15-49 tuổi, phụ nữ mang thai, phụ nữ mang thai có HIV, trẻ sinh ra từ người mẹ có HIV và  người thân của họ… Công tác dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con tập trung vào một số hoạt động truyền thông, cung cấp dịch vụ các dịch vụ chăm sóc và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con toàn diện bao gồm tư vấn, xét nghiệm HIV tự nguyện cho phụ nữ mang thai đặc biệt tập trung vào phụ nữ có nguy cơ lây nhiễm HIV; chăm sóc và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cho bà mẹ mang thai nhiễm HIV và con; cung cấp sữa cho trẻ sinh ra từ các bà mẹ nhiễm HIV ít nhất đến 6 tháng tuổi… Mỗi năm trên địa bàn tỉnh có  khoảng 15- 20 phụ nữ mang thai  nhiễm HIV được tư vấn và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Từ đầu năm  đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 4 nghìn phụ nữ mang thai được tư vấn và  xét nghiệm HIV, trong đó 1.600 người xét nghiệm trong thời kỳ mang thai, 2.352 người xét nghiệm trong lúc chuyển dạ. Qua xét nghiệm đã phát hiện 8 người có kết quả dương tính với HIV, trong đó 5 người phát hiện lúc chuyển dạ. Chương trình đa cung cấp sữa miễn phí cho 6 trẻ mới sinh có mẹ nhiễm HIV, 7 trẻ được điều trị dự phòng lây truyền mẹ con…

 Niềm tin và hy vọng


Bệnh nhân Nguyễn Thị T.  ở xã Cộng Lạc (Tứ Kỳ) có con đang được điều trị dự phòng lây truyền từ mẹ sang con và cung cấp sữa ăn thay thế cho biết, khi chuyển dạ sinh đứa con đầu lòng chị mới biết mình bị lây nhiễm HIV. Bằng nghị lực của bản thân, sự động viên, hỗ trợ tư vấn, chăm sóc kịp thời của các cán bộ y tế và người nhà nên chị đã lấy lại được tinh thần để yên tâm chăm sóc và thực hiện các biện pháp dự phòng cho con mặc dù niềm hy vọng rất mong manh cho những bà mẹ phát hiện và điều trị dự phòng muộn như chị.

Theo các nhà chuyên môn, nếu biết cách dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con sớm sẽ bớt đi những đứa trẻ bị nhiễm HIV, bớt đi nỗi đau của những gia đình có người nhiễm HIV. Trong tất cả các giai đoạn mang thai, nếu người mẹ biết rõ tình trạng nhiễm HIV của mình sẽ có thể được tư vấn, hỗ trợ, chăm sóc và điều trị kịp thời để giảm đáng kể nguy cơ  lây truyền HIV sang con. Nếu người mẹ không biết rõ về tình trạng nhiễm HIV của mình khi mang thai sẽ có thể làm tăng nguy cơ lây truyền HIV.

Bệnh nhân Phạm Thị H. ở phường Trần Phú (TP Hải Dương) phát hiện có HIV cách đây gần 7 năm, trong đó có 4 năm điều trị ARV (thuốc kháng vi-rút). Chị cho biết: "Được các bác sĩ, cán bộ làm công tác phòng, chống HIV/AIDS  của tỉnh tư vấn nên tôi cảm thấy mình như đươc tiếp thêm sức mạnh niềm tin vào cuộc sống. Tôi đã quyết định có con và được hướng dẫn cách dự phòng lây truyền mẹ con trong thời kỳ mang thai. Sau sinh con trai, tôi được cấp sữa ăn thay thế trong 6 tháng đầu… Đến nay, cháu đã được 1 tuổi và có xét nghiệm HIV âm tính".

Bệnh nhân Phạm Thị Th. ở phường Bình Hàn (TP Hải Dương) đang được điều trị dự phòng trong thời kỳ mang thai bằng phác đồ AZT từ tuần thai thứ 14 cho biết: "Tôi phát hiện mình nhiễm HIV cách đây 7 năm. Qua tìm hiểu các kiến thức phòng tránh lây nhiễm HIV tôi biết tỷ lệ lây truyền mẹ con đã giảm chỉ còn 2-5%  và có một số cặp vợ chồng trong tỉnh có HIV đã sinh con an toàn. Do đó, vợ chồng tôi quyết định sinh con để động viên tinh thần lẫn nhau. Tôi đã đến Trung tâm Phòng, chống HIV /AIDS tỉnh và được các cán bộ y tế của trung tâm tư vấn và hướng dẫn cách điều trị dự phòng rất kỹ lưỡng...".

Bác sĩ Vũ Tiến Vượng phụ trách chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con của Trung tâm Phòng, chống HIV tỉnh cho biết: Hiện nay, vẫn còn không ít phụ nữ mang thai nhiễm HIV nhưng lại không biết mình đã nhiễm bệnh, nên đã không tiếp cận được các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu thông tin, thiếu kiến thức, cộng với sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS khiến những người có nguy cơ cao không muốn làm xét nghiệm, họ muốn giữ kín. Các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con chưa được cung cấp một cách rộng rãi. Việc tuyên truyền mới chỉ nhằm vào các đợt chiến dịch và tập trung chủ yếu ở thành phố, thị trấn nên đa số  những phụ nữ nhiễm HIV chỉ được phát hiện khi đã ở cuối thời kỳ mang thai và chuyển dạ. Vì vậy, rất khó khăn trong việc tư vấn, chăm sóc, theo dõi và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con một cách hiệu quả…

Qua xét nghiệm cho thấy, trẻ có thể bị lây truyền HIV vào các giai đoạn: trong thời gian mang thai, khi chuyển dạ, sinh con, trong giai đoạn nuôi con bằng sữa mẹ. Nguy cơ cao nhất là vào giai đoạn chuyển dạ, đẻ và cho con bú. Vì vậy, việc phát hiện sản phụ nhiễm HIV sớm là vô cùng cần thiết để phòng ngừa nguy cơ lây truyền. Nếu phát hiện nhiễm HIV, chị em sẽ được tư vấn về sức khỏe trước khi mang thai, được khám sức khỏe định kỳ cho cả mẹ và thai nhi trong suốt thời kỳ mang thai và được cấp thuốc điều trị dự phòng lây truyền từ mẹ sang con và sữa cho bé ít nhất đến 6 tháng tuổi... Từ đó sẽ đem lại quyền được làm mẹ cho nhiều phụ nữ nhiễm HIV, những em bé sinh ra khỏe mạnh bình thường.

PHƯƠNG ANH