55 năm xây dựng và trưởng thành

Thị trường - Ngày đăng : 08:41, 27/06/2012

55 năm qua, dù phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, song lực lượng QLTT tỉnh không ngừng phát triển, lớn mạnh, trưởng thành về mọi mặt...


Nhiều mặt hàng thuốc bảo vệ thực vật rởm đã được Đội Quản lý thị trường số 4 thu giữ


Ngày 3-7-1957, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định thành lập Ban Quản lý thị trường (QLTT) Trung ương và Ban QLTT các tỉnh, thành phố, khu tự trị trong cả nước. Ra đời cùng thời điểm với lực lượng QLTT cả nước, 55 năm qua, lực lượng QLTT Hải Dương có những thay đổi nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong từng thời kỳ. Lúc đầu là mô hình các Trạm kiểm soát liên ngành, Ban Chỉ đạo QLTT và đội kiểm tra liên ngành tại các huyện, thị xã, rồi giải thể các trạm, đội này để thành lập Ban Chỉ đạo QLTT trực thuộc UBND tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn các ngành, các địa phương trong tỉnh tổ chức thực hiện công tác QLTT, chống sản xuất, buôn bán hàng giả, trốn lậu thuế, kinh doanh trái phép. Đến năm 1997, tỉnh Hải Hưng được chia tách thành 2 tỉnh Hải Dương và Hưng Yên, Ban QLTT tỉnh Hải Hưng được tách thành ra 2 đơn vị. Năm 1999, Chi cục QLTT tỉnh Hải Dương chính thức được thành lập trên cơ sở cơ quan thường trực, Văn phòng Ban Chỉ đạo QLTT tỉnh.

Trong suốt chặng đường lịch sử 55 năm, dù phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, song được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo nhiều điều kiện cả về cơ sở vật chất lẫn tinh thần của các bộ, ngành Trung ương, Cục QLTT và đặc biệt là của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Sở Công thương, sự quan tâm phối hợp, tạo điều kiện của các sở, ban, ngành, các địa phương trong tỉnh và lực lượng QLTT các tỉnh bạn, lực lượng QLTT tỉnh Hải Dương đã không ngừng phát triển, lớn mạnh, trưởng thành về mọi mặt, nhất là về xây dựng lực lượng. Toàn chi cục hiện có 94 kiểm soát viên, nhân viên; ngạch kiểm soát viên có 57 người, trong đó 3 kiểm soát viên chính, 49 kiểm soát viên và 5 kiểm soát viên trung cấp với 53 người có trình độ đại học, 4 người có trình độ trung cấp, 6 người có trình độ lý luận chính trị cao cấp, 47 người có trình độ lý luận chính trị trung cấp và tương đương. Thông qua công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, lực lượng QLTT tỉnh Hải Dương đã góp phần quan trọng xử lý các vấn đề nổi cộm trên thị trường; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng và nhà sản xuất, kinh doanh, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh giữa các tổ chức, cá nhân. Từ năm 1997 đến nay, QLTT tỉnh đã tổ chức kiểm tra và xử lý trên 16.200 vụ việc, trong đó có trên 3.500 vụ hàng lậu, trên 4.500 vụ hàng cấm, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, đo lường chất lượng và nhãn hàng hoá, trên 6.200 vụ vi phạm về đăng ký kinh doanh và các hành vi vi phạm khác. Tổng số tiền thu phạt và giá trị hàng tịch thu gần 40 tỷ đồng. Trong quá trình kiểm tra đã phát hiện và xử lý hàng trăm vụ vi phạm lớn có tính điển hình, chuyển truy cứu trách nhiệm hình sự nhiều vụ việc. Với những thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ, những năm qua, lực lượng QLTT tỉnh đã vinh dự được nhận nhiều phần thưởng cao quý như Huân chương Lao động hạng ba do Chủ tịch nước trao tặng; nhiều Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Cờ thi đua của Bộ Thương mại, UBND tỉnh và nhiều bằng khen, giấy khen khác. 


Trong 5 tháng đầu năm nay, Chi cục QLTT tỉnh đã xử lý 715 vụ vi phạm thương mại

Trong điều kiện kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, hàng hóa của nước ngoài có nhiều điều kiện xâm nhập vào nước ta, tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong nước, trong tỉnh... Việc mở cửa thị trường bán lẻ cho các doanh nghiệp nước ngoài và thực hiện thương mại điện tử trên thị trường nội địa có thể dẫn đến việc các doanh nghiệp này có những hành vi vi phạm pháp luật tinh vi để lợi dụng lợi thế cạnh tranh. Bên cạnh đó, Hải Dương là tỉnh nằm trong khu vực trọng điểm phát triển kinh tế phía Bắc, có vị trí địa lý rất thuận tiện cho giao thương hàng hóa, giáp Quảng Ninh, Hải Phòng, giao thông qua tỉnh ta bằng cả đường bộ và đường thủy khá thuận lợi. Những yếu tố trên sẽ có những tác động tới sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân trong tỉnh, làm cho tình hình buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, gian lận thương mại và các hành vi kinh doanh trái phép khác tiếp tục có những diễn biến phức tạp với nhiều phương thức và thủ đoạn tinh vi. Trước tình hình đó, lực lượng QLTT tỉnh xác định 5 nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai. Đó là, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo Chi cục QLTT tỉnh đối với hoạt động kiểm tra, kiểm soát; nâng cao chất lượng, tính kịp thời của công tác dự báo tình hình để có chỉ đạo kịp thời, bám sát diễn biến tình hình thị trường và chỉ đạo của cấp trên. Công tác kiểm tra, kiểm soát tập trung vào 3 nhóm vi phạm chính là nhóm vận chuyển, buôn bán hàng hóa nhập lậu, hàng cấm; nhóm vận chuyển, buôn bán hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ; nhóm gian lận thương mại, vi phạm đăng ký kinh doanh, điều kiện kinh doanh và vệ sinh, an toàn thực phẩm. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật cho người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng. Nâng cao chất lượng công tác phối hợp, đặc biệt là giữa lực lượng QLTT với các lực lượng thực thi thuộc Ban Chỉ đạo 127 tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố. Chú trọng công tác tổ chức, xây dựng lực lượng; tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính, phòng chống tiêu cực, tham nhũng; tăng cường công tác đào tạo và đào tạo lại, tập huấn nghiệp vụ nâng cao nhận thức pháp luật, bản lĩnh nghề nghiệp cho cán bộ, kiểm soát viên, nhân viên QLTT.

Trong thời gian tới, lực lượng QLTT tỉnh Hải Dương tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, sáng tạo, vượt qua thách thức, xây dựng lực lượng chính quy, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần phát triển thị trường lành mạnh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, phục vụ tốt đời sống nhân dân.

NGUYỄN THANH HẢI- Phó Giám đốc Sở Công thương,  Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh