Tự giác cao, kiểm điểm sâu
Tin tức - Ngày đăng : 15:17, 27/06/2012
Để tiến hành khâu đột phá trong Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay", dư luận cho rằng, mỗi cán bộ, đảng viên phải thực sự cầu thị, tự giác cao, kiểm điểm sâu thì mới hoàn tất được bước tự phê bình và phê bình.
Tự giác cao là một cuộc đấu tranh tư tưởng, vì phải đối mặt với "kẻ thù" đang ở chính trong con người mình. Người ta hay nói chỉ có mình mới hiểu hết mình; tuy nhiên không ít những người do chủ nghĩa cá nhân lấn át, đã làm đầu óc trở nên mụ mẫm, bảo thủ. Nhưng, dù có "bảo thủ" thì cũng khó tránh khỏi lộ diện, vì nhân dân là tai mắt của Đảng . Những cán bộ, đảng viên có chức vụ, trọng trách càng cao, có mối quan hệ càng rộng thì mọi quan điểm, hành vi tốt - xấu của họ dân đều biết. Cho nên, nếu họ không tự giác cao thì cũng sẽ "bị lộ" và như vậy, uy tín càng giảm sút.
Từ tự giác cao mới có thể kiểm điểm sâu. Không chỉ nói lên diễn biến tư tưởng, lập trường, quan điểm về các sự việc, hiện tượng tốt - xấu mà còn phải làm rõ nguyên nhân (nhất là nguyên nhân chủ quan) dẫn đến kết quả hoặc sai lầm khuyết điểm ấy. Có như vậy mới mong được "tâm phục, khẩu phục" và rút ra những bài học, kinh nghiệm hữu ích. Khi đã tự giác cao thì tự mình dám và có thể "phanh phui" những điều trái với bản chất, lương tâm người đảng viên cộng sản.
Tự giác cao, kiểm điểm sâu, tức là đã biến tự phê bình thành sức mạnh, thành động lực. Vì, nếu bản thân không dũng cảm tự phê bình thì rất khó phê bình người khác. Nhưng, nếu đã thành thật nói ra những điều tốt - xấu của mình rồi thì lại trở nên thanh thản, vô tư khi phê bình người khác. Và như vậy là đã hoàn tất cả chuỗi công việc tự phê bình và phê bình theo đúng phương châm "trị bệnh cứu người".
THẾ NGUYỄN(CLB Nhà báo cao tuổi tỉnh)