“Quên” giấy phép khai thác nguyên liệu

Công nghiệp - Ngày đăng : 08:52, 29/06/2012

Qua kiểm tra cho thấy, nhiều nhà máy gạch tuy-nen lại “quên” xin giấy phép khai thác khoáng sản để phục vụ sản xuất.



Khai thác nguyên liệu sản xuất gạch biến nhiều diện tích bãi sông thành ao


Theo số liệu từ các cơ quan chức năng, tỉnh ta hiện có 36 dự án gạch tuy-nen với công suất thiết kế khoảng 1,1 tỷ viên/năm, trong đó có 21 nhà máy đang hoạt động với tổng công suất khoảng 665 triệu viên/năm. Các nhà máy gạch tuy-nen với công suất lớn, công nghệ sản xuất hiện đại, chất lượng sản phẩm tốt, giảm thiểu ô nhiễm môi trường đã dần thay thế các lò gạch thủ công truyền thống. Tuy nhiên, nhiều nhà máy gạch tuy-nen lại “quên” xin giấy phép khai thác khoáng sản để phục vụ sản xuất.

Ông Phạm Văn Nhởn, Trưởng phòng Quản lý tài nguyên khoáng sản - nước - khí tượng thủy văn (Sở Tài nguyên và Môi trường) cho biết, trong tổng số hơn 20 dự án gạch tuy-nen đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, mới chỉ có 8 dự án được cấp giấy phép khai thác, trong đó có 2 đơn vị giấy phép đã hết hạn. Những đơn vị còn lại mặc dù đã có vùng nguyên liệu, nhưng không làm thủ tục xin giấy phép khai thác theo quy định. Nguyên nhân của tình trạng này là vùng nguyên liệu của các dự án sản xuất gạch tuy-nen bao giờ cũng thể hiện trong giấy phép đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, việc được phê duyệt dự án với việc được phép khai thác nguyên liệu phục vụ sản xuất lại là hai việc hoàn toàn khác nhau. Có giấy chứng nhận đầu tư nhưng các đơn vị vẫn chưa được phép khai thác nguyên liệu nếu như chưa có giấy phép. Giấy phép khai thác khoáng sản phải được cấp phép riêng vì đây là lĩnh vực sản xuất, kinh doanh có điều kiện. Những hành vi như khai thác, mua bán, vận chuyển, tiêu thụ, tàng trữ khoáng sản không phép đều vi phạm các quy định. Theo số liệu của Sở Xây dựng, nguyên liệu đất sét cho sản xuất gạch nung trên địa bàn tỉnh tập trung chủ yếu tại các bãi bồi ven sông Thái Bình, sông Luộc, sông Kinh Thầy... với trữ lượng khoảng 60 triệu m3.

Thực tế, trên 50% số nhà máy gạch tuy-nen trên địa bàn tỉnh không có giấy phép khai thác khoáng sản, chưa kể hầu hết các lò gạch thủ công, lò gạch liên tục kiểu đứng cũng không hề có giấy phép khai thác khoáng sản theo quy định. Ông Nguyễn Mạnh Hà, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Nam Sách cho biết, trên địa bàn huyện hiện có 3 nhà máy gạch tuy - nen đang hoạt động, nhưng chỉ có Nhà máy Gạch Đông Dương (xã Hiệp Cát) là có vùng nguyên liệu 25 ha đã được cấp phép với tổng trữ lượng khoảng 1 triệu m3. Hai nhà máy còn lại là Nhà máy Gạch tuy - nen Nam Sách và Nhà máy Gạch Yến Thanh đều không có giấy phép khai thác khoáng sản theo quy định. Nhà máy Gạch tuy-nen Yến Thanh (xã Thanh Quang) có công suất 40 triệu viên/năm cũng đã xây dựng vùng nguyên liệu khoảng 50 ha tại xã Cộng Hòa (Nam Sách). Tuy nhiên, đến nay, đơn vị này vẫn chưa hoàn thiện hồ sơ xin cấp phép. Vì vậy, vùng nguyên liệu này vẫn được người dân trồng lạc và hoa màu. Mặc dù không có vùng nguyên liệu, nhưng nhà máy vẫn tiến hành sản xuất bằng cách thu gom của người dân địa phương hoặc các tổ chức khác ở thị xã Chí Linh.



Nhà máy Gạch tuy-nen Yến Thanh không có vùng nguyên liệu, nhưng vẫn sản xuất
bằng cách thu gom đất của người dân và các tổ chức trên địa bàn


Huyện Tứ Kỳ cũng có 3 nhà máy gạch tuy-nen với tổng công suất khoảng 60 triệu viên/năm. Trong số đó, Nhà máy Gạch Đồng Tâm và Nhà máy Gạch Quý Cao đã có vùng nguyên liệu và được cấp phép khai thác. Tuy nhiên, giấy phép khai thác khoáng sản của Nhà máy Gạch Đồng Tâm đã hết hạn từ năm 2010 (nhà máy cũng chưa xin gia hạn). Nhà máy Gạch Hoàng Long không có vùng nguyên liệu, không có giấy phép khai thác khoáng sản. Vì vậy, để duy trì sản xuất, nhà máy phải thu gom nguyên liệu của các hộ dân ở các địa phương lân cận.

Tại các địa phương khác như: TP Hải Dương, thị xã Chí Linh và các huyện Kinh Môn, Kim Thành, Cẩm Giàng... tình trạng các nhà máy gạch tuy-nen hoạt động khi chưa có giấy phép khai thác khoáng sản cũng diễn ra phổ biến. Hầu hết các nhà máy gạch đều hoạt động theo kiểu “ăn đong” khi đi thu gom nguyên liệu của người dân ở các địa phương có phong trào chuyển đổi cây trồng mạnh. Nhiều nhà máy sẵn sàng hỗ trợ các hộ có đất chuyển đổi nhân công cùng máy móc theo phương thức “đổi ao lấy đất”. Thậm chí, nhiều lò gạch thủ công hoặc nhà máy gạch tuy-nen có vùng nguyên liệu lớn, nhưng không sử dụng hết cũng sẵn sàng bán lại cho các nhà máy gạch tuy-nen có nhu cầu. Có nhiều hộ dân lấy lý do  hạ thấp độ cao đất canh tác hoặc xây dựng, sửa chữa nhà cửa để lấy đất bán cho các nhà máy. Khai thác bừa bãi khiến nhiều diện tích đất bãi ven sông bị tàn phá. Nhiều diện tích đất nông nghiệp bị biến mất dưới danh nghĩa chuyển đổi. Việc phục hồi, cải tạo môi trường sau khai thác không được chú ý. Vì vậy, hàng chục ha bãi sông bị biến thành thùng, vũng ăn sâu vào tận chân đê, ảnh hưởng đến sự an toàn đê điều và các công trình trên đê trong mùa mưa bão.

Để xảy ra tình trạng này, trước hết trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý nhà nước. Việc kiểm tra giấy phép khai thác khoáng sản của các nhà máy gạch tuy-nen chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục. Các cơ quan chức năng ở địa phương vẫn thờ ơ với vấn đề này khi cho rằng đây là trách nhiệm của tỉnh, của cơ quan cấp phép.

Thời gian tới, cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra các nhà máy gạch tuy-nen trên địa bàn, yêu cầu các đơn vị hoàn thiện thủ tục cấp phép theo quy định; phối hợp với các địa phương và lực lượng chức năng ngăn chặn dứt điểm tình trạng khai thác, mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép tài nguyên. Đồng thời, cần tiến hành rà soát lại toàn bộ hợp đồng thuê đất ven sông, nếu phát hiện trường hợp nào sử dụng sai mục đích phải xử lý nghiêm khắc, thậm chí có thể chấm dứt hợp đồng...  

VỊ THỦY