Sự nhường nhịn - một nét đẹp văn hóa ứng xử
Bạn đọc viết - Ngày đăng : 18:08, 30/06/2012
Tuy nhiên, ngày càng có nhiều người quên đi lối xử sự mang đậm nét nhân văn ấy. Điều này bắt nguồn từ sự ích kỷ, chỉ biết mình mà không nghĩ đến người khác.
Không ít lần đi xe buýt vào những lúc đông khách, tôi chứng kiến cảnh những người cao tuổi, phụ nữ mang bầu, trẻ em, người khuyết tật bước lên xe nhưng có rất nhiều người, nhất là các bạn trẻ vẫn tỉnh bơ ngồi nhắn tin điện thoại hoặc nói chuyện rôm rả mà không chịu đứng lên nhường ghế theo bảng nội quy được dán trên thành xe. Đến khi nhân viên xe buýt nhắc nhở, một số bạn mới miễn cưỡng nhường ghế, có người còn tỏ thái độ khó chịu.
Có lần đi rút tiền ở cây ATM, nhiều người đang đứng xếp hàng đợi tới lượt, bỗng xuất hiện một cặp nam nữ lao xe đến. Không nói không rằng, cậu thanh niên chen ngang vào rút tiền, trong khi cô gái đứng ngoài luôn miệng giục "nhanh lên anh, muộn rồi”.
Hay khi siêu thị mở các đợt khuyến mãi, giảm giá, vẫn có không ít người lao xe từ phía sau ào tới để nhận phiếu cho nhanh, bất chấp việc có thể va quệt, thậm chí gây tai nạn cho người khác.
Rồi trong môi trường học đường thỉnh thoảng vẫn xuất hiện tình trạng lớn bắt nạt bé, tranh giành từng món đồ chơi, từng điểm số… trong khi những người có trách nhiệm lại không có ý kiến gì.
Lâu nay, cả xã hội ta đang làm tốt việc “nhường cơm sẻ áo”, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn, khuyết tật, triệu tấm lòng hướng về đồng bào vùng bị lụt, bão, những người gặp bất hạnh trong cuộc sống. Vậy tại sao ta không học cách nhường lẫn nhau ngay từ những việc nhỏ nhất? Do đó, mọi người nên nhìn lại chính mình để tự rèn luyện, cần nghiêm túc giáo dục con trẻ cách nhường nhịn ngay từ nhỏ để xã hội bớt đi sự lạnh lùng, vô cảm đáng sợ. Đồng thời, người lớn phải làm gương về sự nhường nhịn để trẻ nhỏ noi theo.
NGUYỄN VĂN THANH(Cẩm Giàng)