Một ngôi đền thờ nhà giáo ở Tứ Kỳ
Di tích - Ngày đăng : 08:03, 01/07/2012
Người thầy giáo ấy là Nguyễn Trung Rường (1810-1891). Học trò và phụ huynh thường tránh tên, trân trọng gọi là thầy Hương.
Đền thờ nhà giáo Nguyễn Trung Rường
Ngày xưa thông thường chỉ có các người thầy đỗ đạt cao, nổi tiếng, dạy được nhiều học trò thành đạt như: Chu Văn An, Lương Đắc Bằng, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Thị Duệ…mới được các học trò nhớ ơn bằng cách lập đền thờ sau khi thầy qua đời. Nhưng ở đây, người thầy được thờ chưa đỗ đạt khoa bảng, cũng không nổi tiếng hay có quyền cao chức trọng gì. Học trò cũng không có ai đỗ đạt cao, hầu hết chỉ học thầy để biết chữ “thánh hiền” và trở thành người biết lễ nghĩa mà thôi. Có lẽ do người thầy ấy đã quá thành công về mặt này chăng nên đã được học trò chẳng những xây đền thờ, mà ngay khi thầy còn sống, đã xây ngôi nhà “tình nghĩa” để thầy và gia đình ở. Năm tháng qua đi, ngôi đền ấy vẫn được cộng đồng dân cư gìn giữ và tôn tạo. Ngôi đền thờ hiếm có ấy tọa lạc ở làng Nhân Lý, xã Tây Kỳ (Tứ Kỳ).
Người thầy giáo ấy là Nguyễn Trung Rường (1810-1891). Học trò và phụ huynh thường tránh tên, trân trọng gọi là thầy Hương. Qua trên nửa thế kỷ dạy học, thầy Hương đã đào tạo được nhiều thế hệ học trò trong thôn, ngoài huyện. Cũng như nhiều đồng nghiệp vào thời ấy, thầy còn chịu khó đọc nhiều sách thuốc, góp phần chữa bệnh cho nhiều bà con trong vùng. Nhờ uy tín lớn, thầy thường được mời đi giảng “thập điều” (mười điều răn dạy xưa của nhà vua) ở hàng tổng và hàng huyện.
Năm Thành Thái nguyên niên (1889) khi thầy Hương tròn 80 tuổi, để chúc thọ thầy, học trò của nhiều thế hệ, người góp công, kẻ góp của làm ngôi nhà gỗ lim 3 gian, đủ hoành phi, câu đối, làm chỗ cho thầy ở và dạy hoc.
Vài năm sau (1891) thầy Hương qua đời. Đợi đúng 10 năm sau, tức Thành Thái thứ 13 (1901), học trò lại họp nhau cùng tôn tạo ngôi nhà thầy ở thành ngôi đền để thờ thầy. Sửa nhà thành đền cũng gần như làm mới vì phải thay đổi rất nhiều kết cấu như: ngưỡng cửa ban đầu ở hàng cột quân phía trước nay lùi lại vào hàng cột cái phía sau để mở rộng không gian hiên trước và thu hẹp nội thất lại, nhằm tăng vẻ uy nghiêm cho nơi thờ phụng. Từ thay đổi ấy, toàn bộ vị trí cột, kèo, xà, trụ... của ngôi nhà cũng phải thay đổi theo. Các bức kèo, cốn... nhô ra phía ngoài hiên được đục đẽo lại rất kỹ càng. Tại gian giữa, treo bức đại tự chữ Hán, đại ý là: “nghề dạy học quy củ, mực thước truyền lại mãi mãi”. Câu chữ ngắn gọn nhưng cô đúc chân lý của một thời, khiến một hương sư bình thường nhưng được học trò bái phục mãi mãi.
Để làm rõ công lao của thầy, ở 2 hàng cột bên treo câu đối chữ Hán, đại ý là: "Lời giảng của thầy thấm nhuần đều cho mọi người như mưa xuân/Mừng nhà mới kết hợp cúng lễ mừng thọ thầy". Câu đối làm từ khi khánh thành ngôi nhà mừng thọ thầy năm 1889.
Tại hàng cột quân treo câu đối của cụ tú Bung ở huyện Gia Lộc tặng, đại ý:
"Uống nước hãy nhớ về nguồn xa đưa lại/Lên nhà như thấy được mạch nước chảy dài".
Để chỉn chu về mặt chữ nghĩa và đầy đủ về mặt công đức người thầy, ngoài hiên còn thêm câu đối chữ nôm của cụ khóa Khôi gửi tặng: "Trăm vẻ mây hồng trên vách gấm/Bốn mùa hương ngát dưới thềm hoa".
Quan hệ thầy trò là chuyện “chữ” và “nghĩa”. Điểm các chữ nghĩa còn lưu ở nhà thờ cũng đủ cô đọng nói lên “Công thầy và tình trò” một thời nhưng tỏa hương mãi mãi.
Gần đây, năm Đinh Hợi (2007), con cháu và các hậu duệ học trò cũ của thầy đã một lần nữa tôn tạo lại ngôi đền hơn trăm năm tuổi ấy. Để tăng vẻ đẹp cảnh quan cho ngôi đền, một bức bình phong đã được xây thêm ở trước sân. Trên sân và quanh nhà trồng thêm nhiều cây bóng mát và cây cảnh có hoa nở và hương thơm quanh năm như ý nguyện thể hiện trong cái tên nhân dân trân trọng mỗi khi nhớ đến thầy Hương.
Trên bình phong khắc câu đối mới làm của nhà giáo Trung Lẫm, vốn là hậu duệ đời thứ năm của thầy Hương, đại ý nói: "Đất trời đầy hương sắc. Quế hòe bóng xum xuê".
Hội Khuyến học và Hội Cựu giáo chức huyện Tứ Kỳ và tỉnh Hải Dương nên đặt đền thờ thầy Hương như một địa chỉ tham quan, thăm viếng để giáo dục về tình thầy trò.
NGUYỄN VĂN KHANG