Vai trò của báo chí về xây dựng Đảng
Tin tức - Ngày đăng : 18:02, 01/07/2012
Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ra Nghị quyết “Một số vần đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, với mục tiêu tạo sự chuyển biến rõ rệt, khắc phục được những hạn chế, yếu kém trong công tác xây dựng Đảng, nhằm xây dựng Đảng ta thật sự là đảng cách mạng chân chính, ngày càng trong sạch, vững mạnh, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin trong Đảng và nhân dân, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi các chủ trương, nghị quyết của Đảng.
Báo chí với những tiếng nói khác nhau đều có thể thường xuyên góp sức vào công việc có ý nghĩa sống còn của Đảng, mặc dù, công tác tuyên truyền về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, một lĩnh vực rất khó, không chỉ ở nội dung mà cả hình thức chuyển tải đến quần chúng. Báo chí bám sát nội dung, chú trọng làm rõ các quan điểm chỉ đạo đã nêu trong Nghị quyết của Trung ương, Chỉ thị và Kế hoạch của Bộ Chính trị, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, góp phần tích cực đưa Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng đi vào cuộc sống. Việc tuyên truyền thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 phải gắn với tuyên truyền thực hiện Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Báo chí kịp thời phát hiện, biểu dương những tập thể, cá nhân thực hiện tốt Nghị quyết, uốn nắn, phê bình những tập thể, cá nhân thực hiện không nghiêm túc, kém hiệu quả, đồng thời chủ động đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái xuyên tạc mục đích, ý nghĩa cũng như những biện pháp thực hiện Nghị quyết.
Phát huy vai trò, tính tiên phong, tính chiến đấu của mình, báo chí đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí và các hiện tượng tiêu cực khác, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Báo chí còn phải làm tốt nhiệm vụ của một trong những lực lượng nòng cốt đấu tranh chống lại âm mưu “diễn biến hòa bình”, phản bác các quan điểm, thông tin sai trái của các thế lực thù địch, chống phá cách mạng nước ta.
Đối với báo chí cách mạng, phê phán chỉ là phương tiện để đạt mục đích. Bản chất của báo chí ta là xây dựng, kêu gọi tự chỉnh đốn lại đội ngũ để tiến tới cái tốt đẹp hơn. Báo chí phải là "những tờ hịch cách mạng" động viên nhân dân góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng, làm cho tổ chức Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, mãi mãi xứng đáng là đại biểu cho trí tuệ, lương tâm, đạo đức và danh dự của đất nước. Báo chí tuyên truyền, cổ động và phát động đông đảo quần chúng góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng một cách sâu rộng và thiết thực nhất. Báo chí sàng lọc chính xác nhất tiếng nói từ các nguồn khác nhau của nhân dân để mang đến cho Đảng những thông tin đáng tin cậy. Thông qua báo chí, Đảng tìm thấy sức mạnh để hành động dũng cảm và hợp lòng người nhất nhằm loại khỏi hàng ngũ của mình những tên cơ hội, những tên tham nhũng, những tên thoái hóa biến chất v.v... làm cho cơ thể Đảng trong sạch và cường tráng hơn. Thông qua báo chí, nhân dân tìm thấy những "thông tin phản hồi" để biết Đảng tiếp nhận những kiến nghị của mình đến đâu và sửa chữa như thế nào? Từ đó, niềm tin của nhân dân sẽ được củng cố và tăng cường.
Báo chí dễ dàng đi sâu vào lòng người, "làm cho con người đoạn tuyệt với những lỗi lầm của mình một cách vui vẻ" (Các-Mác) và tự giác phấn đấu hướng tới cái tốt đẹp, cái chính nghĩa và nhân đạo. Sức mạnh của báo chí là tiếp thêm nội lực cho con người, nhân lên sức mạnh và lòng tin của con người. Vì vậy, Bác Hồ đặc biệt chú ý đến việc nêu gương "người tốt, việc tốt". Nên chăng, báo chí của ta cần viết đậm, sâu và hay hơn về vấn đề đó. Báo chí phải làm cho nhân dân ta hiểu và tin chủ nghĩa Mác - Lê-nin trên cái nền đạo lý truyền thống Việt Nam.
Tự phê bình và phê bình cũng là sở trường của báo chí cách mạng. Báo chí phải "khéo" sử dụng vũ khí tự phê bình và phê bình mà chính Bác Hồ đã thể hiện một cách mẫu mực. Khéo - theo Bác - là đấu tranh có lý, có tình, là phê bình việc chứ không phê bình người, là nêu gương và đòi hỏi sửa chữa khuyết điểm, là sự đòi hỏi cao đối với cấp trên và đối với mọi đảng viên, "đảng viên đi trước, làng nước theo sau", là phải chính xác, thận trọng, có tình đồng chí yêu thương. Báo chí khéo sử dụng tự phê bình và phê bình sẽ làm cho người đọc đón nhận nó như là tiếp thêm chất kích thích để phát triển, chứ không phải coi nó như là một cái gì đó đáng sợ phải đề phòng.
Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, nhiệm vụ then chốt và có ý nghĩa sống còn đối với Đảng và sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta là phải chăm lo công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.
Xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) có quan hệ đến vai trò lãnh đạo trường tồn của Đảng với dân tộc và sự tồn vong của chế độ, trong đó báo chí có một vai trò rất quan trọng. Và vai trò đặc biệt này chỉ trở thành hiện thực đầy đủ khi nhà báo, người làm báo có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng và năng lực nghiệp vụ sắc sảo.
NGUYỄN XUYẾN