Học ăn, học nói
Bạn đọc viết - Ngày đăng : 15:35, 03/07/2012
Do vậy, "ăn- nói" được xem như một cặp phạm trù về ứng xử.
Một người tinh tế, chỉ qua cách "ăn - nói" của người khác đã có thể đoán biết người ấy có được giáo dục tử tế không, học vấn thế nào, là người thô thiển hay lịch lãm. "Lời nói" là phương tiện chủ yếu được sử dụng trong giao tiếp giữa con người với nhau, nó là một phần quan trọng trong ứng xử. Người ta thường nhận xét người này "khéo nói", người kia "ăn nói vụng về", người khác "ăn nói thô lỗ" là như vậy. Không phải ngẫu nhiên mà các cuộc thi hoa hậu đều kết thúc bằng phần thi ứng xử và người được trao vương miện chưa hẳn là người đẹp nhất mà thường là người ứng xử hay nhất.
Ông bà ta vẫn thường dạy: "Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau". Vì vậy, khi giao tiếp phải lựa chọn cách nói, lời nói ngắn gọn, chính xác, súc tích để làm cho người nghe vừa lòng, tạo ra được sự gần gũi, tin cậy giữa ta và người đó. Không nên nói quá nhiều khi giao tiếp trước đám đông (trừ khi nhiệm vụ bắt buộc), bởi dân gian có câu "im lặng là vàng" hoặc "chỉ mất 2 năm để học nói, nhưng phải mất 60 năm mới học được cách... im lặng!”.
Im lặng là cách để giữ mình, đồng thời cũng là sự khiêm tốn "lắng nghe" người khác. Càng chịu nghe thì càng học được nhiều. Trái lại, khi cần nói thì phải biết cách nói sao cho có sức thuyết phục bởi tính văn hoá và khoa học trong lời nói đó; tránh nói lung tung, nói cho "sướng" miệng, chẳng có nội dung, mục đích gì. Mà muốn nói hay thì phải học cách diễn đạt của nhiều người và tự mình rèn luyện, gọt giũa lời nói sao cho chau chuốt.
Phải biết dừng khi lời nói của mình đã chuyển tải đủ nội dung đến người nghe và chốt lại ở mục đích mình cần trao đổi, truyền đạt. "Học gói, học mở" chính là ở chỗ này. Trong giao tiếp hằng ngày cần sự cởi mở nhưng không quá ồn ào. Biết dùng lời khen, tiết kiệm lời chê với người xung quanh; luôn biết ca ngợi, biểu dương những mặt tốt của người khác. Khi làm phiền ai điều gì thì phải "xin lỗi" và nhờ cậy gì thì ngay tức khắc phải "cảm ơn" dù là điều nhỏ nhặt nhất. Đó chính là cách "ăn nói", ứng xử của người có văn hoá.
Cha ông ta có một câu nói rất hay rằng: "Phúc từ miệng mà vào, họa từ miệng mà ra", là nhằm khẳng định tính quan trọng của lời nói. Do vậy, ai làm chủ được lời nói chính là làm chủ được bản thân để luôn tự tin bước vào cuộc sống.
TRẦN VĂN LỢI(Nam Định)