Khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 3 HĐND tỉnh Hải Dương khóa XV
Tin tức - Ngày đăng : 08:25, 05/07/2012
Đúng 8 giờ sáng nay (5-7), Kỳ họp thứ 3 HĐND tỉnh Hải Dương khóa XV đã khai mạc trọng thể tại Hội trường HĐND và UBND tỉnh.
Đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thanh Quyến phát biểu khai mạc kỳ họp
Các đồng chí: Nguyễn Khắc Lảnh, Phó trưởng Ban Công tác đại biểu của Quốc hội; Nguyễn Mạnh Hiển, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND và Ủy ban MTTQ tỉnh; các đồng chí trong Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh khóa XIII; các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; lãnh đạo các huyện, thành phố cùng 60 trong tổng số 64 đại biểu HĐND tỉnh dự kỳ họp.
Các đại biểu dự kỳ họp
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thanh Quyến nhấn mạnh nội dung, chương trình kỳ họp: Tại kỳ họp này, ngoài những vấn đề cấp thiết về kinh tế - xã hội, HĐND tỉnh sẽ xem xét các báo cáo của UBND tỉnh về giữ gìn an ninh trật tự, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân; xem xét các báo cáo của Toà án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh; báo cáo công tác của Thường trực và các Ban HĐND tỉnh; nghe Ủy ban MTTQ tỉnh thông báo kết quả tham gia xây dựng chính quyền; nghe tổng hợp ý kiến kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 3 và kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri; nghe báo cáo kết quả giám sát chuyên đề của các Ban HĐND tỉnh; chất vấn và trả lời chất vấn của lãnh đạo một số sở, ngành về những vấn đề cử tri quan tâm...Tại kỳ họp, HĐND tỉnh sẽ xem xét, quyết định quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến 2030; quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2020; kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011-2015); xem xét điều chỉnh mức thu học phí các trường công lập; chuyển đổi toàn bộ trường mầm non bán công sang mô hình công lập trong năm 2012; điều chỉnh mức thu một phần viện phí các dịch vụ y tế; mở rộng và nâng cấp thị trấn Kinh Môn lên đô thị loại 4 làm tiền đề thành lập thị xã Kinh Môn trước năm 2015...
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thanh Quyến đề nghị các đại biểu phát huy cao tinh thần trách nhiệm trước cử tri, dành nhiều thời gian nghiên cứu các tài liệu và từ kinh nghiệm thực tiễn ở ngành, địa phương, đơn vị mình để tích cực thảo luận, đóng góp những ý kiến thiết thực, đề xuất các giải pháp tối ưu để thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2012.
Thay mặt UBND tỉnh, đồng chí Nguyễn Trọng Thừa, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh trình bày báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm; nhiệm vụ giải pháp 6 tháng cuối năm 2012 của tỉnh.
Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Trọng Thừa trình bày báo cáo tình hình
phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2012
Báo cáo cũng chỉ rõ những nguyên nhân của những hạn chế và xác định các mục tiêu, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2012 của tỉnh. 6 tháng cuối năm, tỉnh ta tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm: chỉ đạo thực hiện tốt Nghị quyết 13/NQ-CP của Chính phủ về việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và hỗ trợ thị trường; chuẩn bị đầy đủ điều kiện và chỉ đạo tốt nhất sản xuất vụ mùa và công tác phòng, chống lụt, bão, tìm kiếm cứu nạn năm 2012; tập trung chỉ đạo quyết liệt các biện pháp về thu, chi ngân sách để cân đối ngân sách một cách tịch cực nhất; nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành của chính quyền các cấp, tạo bước chuyển biến cơ bản trong công tác cải cách hành chính và phòng chống tham nhũng, lãng phí. Tập trung xử lý dứt điểm một số vụ việc phức tạp kéo dài... (Chi tiết báo cáo của UBND tỉnh)
Đồng chí Hoàng Mai Khương báo cáo kết quả thực hiện dự toán thu chi ngân sách 6 tháng đầu năm 2012
Đồng chí Lương Anh Tế phát biểu tại kỳ họp
Đồng chí Nguyễn Văn Quế, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nội vụ đọc Tờ trình của UBND tỉnh về Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Hải Dương giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2030. Mục tiêu tổng quát đến năm 2020, tỉnh ta phát triển nhanh, vững chắc và toàn diện, cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp có nền tảng kinh tế công nghiệp hóa, văn hóa – xã hội văn minh tiến bộ, môi trường bền vững ; quốc phòng, an ninh vững chắc, là trung tâm kinh tế, đô thị lớn và hiện đại ở đồng bằng sông Hồng, hướng đến trở thành tỉnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa vào năm 2030. Quy hoạch lần này điều chỉnh một số chỉ tiêu phát triển chủ yếu. Trong đó phấn đấu tổng sản phẩm trong tỉnh (GDP) tăng 11- 11,5%/năm; tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2020 đạt 75% (quy hoạch cũ là 75- 80%)... Quy hoạch bổ sung 9 chỉ tiêu phát triển giai đoạn 2011- 2020: tỷ lệ lao động thất nghiệp hằng năm; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào học trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng; bình quân giường bệnh/ vạn dân; tỷ lệ làng, khu dân cư văn hóa; tỷ lệ hộ nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh; tỷ lệ xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới và các chỉ tiêu về vệ sinh môi trường.
Đồng chí Nguyễn Văn Quế, Giám đốc Sở Nội vụ đọc Tờ trình về Quy hoạch tổng thể phát triển
kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030; Tờ trình Quy hoạch sử dụng đất
giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2030
HĐND tỉnh nghe báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế ngân sách về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, thu chi ngân sách, xây dựng cơ bản 6 tháng đầu năm, phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm; báo cáo thẩm tra về đồ án quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến 2030; báo cáo thẩm tra về đồ án quy hoạch và sử dụng đất giai đoạn 2011-2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011-2015).
Đồng chí Nguyễn Văn Quế, Giám đốc Sở Nội vụ trình bày Tờ trình kế hoạch chuyển đổi các trường mầm non bán công sang công lập trong năm 2012 và Tờ trình công nhận thị trấn Kinh Môn mở rộng (thị trấn Kinh Môn, thị trấn Minh Tân, thị trấn Phú Thứ), huyện Kinh Môn đạt tiêu chuẩn đô thị loại 4.
Buổi chiều, HĐND tỉnh nghe đồng chí Hoàng Mai Khương, Chánh Văn phòng UBND tỉnh báo cáo kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri sau Kỳ họp thứ 2 và trước Kỳ họp thứ 3 HĐND tỉnh. Tiếp đó, kỳ họp nghe các tờ trình về phương án điều chỉnh mức thu học phí các trường công lập; tờ trình phương án giá dịch vụ khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế công lập.
Theo tờ trình, mức thu học phí bậc THCS tăng từ 22 nghìn đồng lên 35 nghìn đồng (khu vực miền núi); từ 27 nghìn đồng lên 50 nghìn đồng (khu vực đồng bằng) và 34 nghìn đồng lên 65 nghìn đồng (khu vực TP Hải Dương). Bậc học THPT tăng từ 55 nghìn đồng lên 60 nghìn đồng (khu vực đồng bằng), 65 nghìn đồng lên 80 nghìn đồng (TP Hải Dương); bổ túc THPT và hướng nghiệp tăng ít nhất từ 3.000 đồng đến 25 nghìn đồng/học sinh/tháng. Riêng học phí THPT khu vực miền núi giảm 10 nghìn đồng/học sinh/tháng.
Về phương án giá dịch vụ khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế công lập, UBND tỉnh đề xuất phương án tăng giá gần 1.000 dịch vụ y tế, với mức thu bình quân bằng 71,5% khung giá tối đa tại Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT - BYT - BTC ( thấp hơn mức đề xuất của các tỉnh Bắc Ninh, Ninh Bình, Quảng Ninh, Hòa Bình, Thái Bình).
Cũng trong chiều 5-7, các đại biểu đã tiến hành thảo luận tại tổ về các báo cáo, tờ trình của UBND tỉnh. Qua thảo luận, một số đại biểu cho rằng việc điều chỉnh mức thu học phí các trường công lập; tăng giá dịch vụ y tế trong thời điểm kinh tế khó khăn như hiện nay sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của nhân dân, nhất là đối tượng không hưởng lương. Vì vậy, tăng giá, tăng phí phải đi liền với việc nâng cao chất lượng, bảo đảm an sinh xã hội. Nhiều đại biểu cho rằng công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo còn hạn chế là do chưa có sự thống nhất giữa các cấp, các ngành. Tiến độ xây dựng nông thôn mới chậm là do các địa phương gặp khó khăn về kinh phí. Khi đánh giá nguyên nhân dẫn đến hạn chế trong giải phóng mặt bằng, ngoài trách nhiệm của các cấp chính quyền, các ngành liên quan, cần đề cập đến cả ý thức trách nhiệm của công dân...
Ngày 6-7, kỳ họp tiếp tục ngày làm việc thứ hai và bế mạc.
SỸ THẮNG - THANH MAI - THÀNH CHUNG