Để giữ vững danh hiệu làng văn hóa

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 07:00, 07/07/2012

Với những làng, KDC bị nhắc nhở nên công khai những hạn chế tại các nơi công cộng để nhân dân biết, khắc phục.



Làng văn hóa Mai Xá, xã Hiệp Lực (Ninh Giang) bị nhắc nhở vì công tác vệ sinh chưa tốt


Huyện Tứ Kỳ có 113 làng, khu dân cư (KDC). Kể từ khi phong trào  xây dựng làng, KDC văn hóa được triển khai đến nay đã có 76 làng, KDC được công nhận, chiếm 67%. Năm 2011, huyện Tứ Kỳ ra quyết định công nhận danh hiệu cho 5 làng. Cũng năm 2011, qua kiểm tra việc phát huy, duy trì danh hiệu, huyện Tứ Kỳ đã ra quyết định nhắc nhở 19 làng, KDC. Làng văn hóa Nhân Lý (Tây Kỳ) bị nhắc nhở vì để xảy ra tình trạng sinh con thứ 3. Làng văn hóa Đồng Kênh (Văn Tố) bị nhắc nhở vì các năm 2007, 2010 và 2011 thường xuyên xảy ra các vụ trộm cắp, không đạt danh hiệu làng an toàn. Làng văn hóa Vũ Xá (xã Quang Khải) bị nhắc nhở vì để xảy ra tình trạng sinh con thứ 3, công tác tôn giáo chưa được quản lý chặt chẽ, tỷ lệ đường gạch vỡ, đường đá chiếm 40%. Riêng làng văn hóa Xuân Nẻo (Hưng Đạo) được công nhận danh hiệu đã hơn 10 năm, nhưng chưa xây được nhà văn hóa. Năm 2008, làng có 3 trường hợp trộm cắp; năm 2009 có 2 vụ trộm cắp, 1 vụ đánh bạc; năm 2010 có 3 trường hợp trộm cắp, 1 vụ đánh nhau. Từ các năm 2005-2011 đều có trường hợp sinh con thứ 3, trong đó năm 2011 có 4 trường hợp sinh con thứ 3. Cũng năm 2011, Xuân Nẻo xảy ra việc cháu Nguyễn Phạm Như Quỳnh và Nguyễn Phạm Hoàng Khánh bị bố đẻ bạo hành dã man. Từng nhắc nhở nhiều lần không chuyển biến, năm 2011, Xuân Nẻo đã bị UBND tỉnh ra quyết định xóa danh hiệu.

Tình trạng không bảo đảm vệ sinh môi trường cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến chất lượng các làng, KDC văn hóa kém bền vững. Năm 2011, làng văn hóa Mai Xá (xã Hiệp Lực, Ninh Giang) bị ra quyết định nhắc nhở vì công tác vệ sinh tại đường làng, ngõ xóm chưa tốt, nếp ăn ở của một số gia đình chưa gọn gàng, ngăn nắp, hố xí không bảo đảm vệ sinh. Ngoài ra trong thôn còn xảy ra tình trạng sinh con thứ 3 và có người vi phạm pháp luật, nghiện hút. Ông Nguyễn Thành Vạn, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Ninh Giang cho biết: “Ninh Giang có 105 làng, KDC, trong đó có 82 làng, KDC đã được công nhận danh hiệu văn hóa. Trong năm 2011, huyện đã ra quyết định nhắc nhở 15 làng, trong đó 11 làng có liên quan đến công tác bảo đảm vệ sinh môi trường”.

Không chỉ riêng Tứ Kỳ, Ninh Giang, tình trạng các làng, KDC văn hóa kém bền vững cũng đang xảy ra ở hầu hết các huyện, thành phố, thị xã. Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), đến nay, toàn tỉnh đã có 26 làng, KDC bị xóa danh hiệu và thu hồi bằng. Hằng năm, mỗi huyện có từ một đến hàng chục làng, KDC bị nhắc nhở vì còn để nảy sinh một số tồn tại. Ông Phạm Tuấn Phong, Phó Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và Gia đình (Sở VHTTDL) cho biết: “Hiện đang xảy ra thực trạng chất lượng các làng, KDC văn hóa thiếu bền vững. Có nhiều nguyên nhân song chủ yếu là do tình trạng sinh con thứ 3; vệ sinh môi trường không bảo đảm; vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội. Trong đó, hai nguyên nhân sinh con thứ 3, vệ sinh môi trường nảy sinh từ nội tại các làng, KDC văn hóa. Nguyên nhân vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội có thêm yếu tố khách quan. Ngoài các tệ nạn xã hội du nhập vào làng quê còn do người có hộ khẩu địa phương trong độ tuổi lao động đi làm ăn xa vi phạm pháp luật hoặc sa ngã vào các tệ nạn xã hội”.


Bảo đảm vệ sinh môitrường là một trong những yếu tố giữ vững danh hiệu làng, khu dân cư văn hóa

Để nâng cao chất lượng các làng, KDC văn hóa cần giải quyết tận gốc các nguyên nhân. Đảng ủy, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh việc tuyên tuyền, vận động quần chúng nhân dân để người dân nhận rõ sự thiết thực của phong trào và tự nguyện tham gia. Ngành công an phối hợp tốt với chính quyền địa phương triển khai, nhân rộng đề án “Làng an toàn, KDC an toàn, cơ quan, doanh nghiệp an toàn về an ninh trật tự ”. Ngành tư pháp  cần tổ chức rà soát, chỉnh lý, bổ sung quy ước các làng, KDC, đặc biệt là các làng, KDC văn hoá để tham mưu cho UBND tỉnh ra các tiêu chí, quy định sao cho phù hợp với luật pháp, vì đây là văn bản quan trọng cụ thể hoá các quy phạm pháp luật, là “kim chỉ nam” để từ đó cộng đồng dân cư điều chỉnh hành vi của mình. Các ngành, đoàn thể nâng cao chất lượng hoạt động các phong trào. Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi với uy tín trong cộng đồng cần vào cuộc, tỏ rõ vai trò nòng cốt trong vận động các tầng lớp nhân dân, con cháu trong gia đình tuân thủ các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước. Các địa phương cần quy hoạch bãi đổ rác tập trung, mỗi thôn, KDC cần thành lập tổ thu gom rác. Người dân cần nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường, bắt đầu từ việc thực hiện ăn ở nền nếp, ngăn nắp, bảo đảm ba công trình vệ sinh trong gia đình, có ý thức bảo vệ môi trường sống xung quanh. Để giải quyết tình trạng sinh con thứ ba, Hội Phụ nữ và Đoàn Thanh niên phải chủ công vào cuộc tuyên truyền, định hướng cho hội viên, đoàn viên thanh niên nhận thức đầy đủ. Đặc biệt phải coi việc duy trì, phát huy danh hiệu là việc làm thường xuyên. Không nên chỉ cố gắng, phấn đấu khi xây dựng danh hiệu mà coi nhẹ việc gìn giữ, phát huy sau khi đã đạt được danh hiệu. Thường xuyên đưa quy ước, hương ước đến với người dân thông qua việc tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh, in gửi đến các gia đình. Với những làng, KDC bị nhắc nhở nên công khai những hạn chế tại các nơi công cộng để nhân dân biết, khắc phục.


NGỌC HÙNG