Làm và ăn
Bạn đọc viết - Ngày đăng : 18:42, 07/07/2012
Ai cũng có nghĩa vụ phải cống hiến cho xã hội, cho đất nước, và ai cũng có quyền được hưởng những thành quả lao động của mình.
Nghĩa vụ thì có nhiều. Quyền lợi cũng có nhiều. Nhưng nghĩa vụ và quyền lợi của một con người vẫn có thể được tóm gọn trong hai chữ làm và ăn.
Làm là lao động. Người nông dân thì cuốc cày, cấy gieo, tát nước, làm cỏ bón phân, gặt hái… Người công nhân thì đục đẽo, xây trát, gò, hàn, tiện, nguội… Và, còn bao nhiêu người khác làm kinh doanh, làm khoa học, làm sách, làm sử, làm thơ, làm văn, làm báo, làm quân sự, làm chính trị, làm văn hoá, ngoại giao, làm nghệ thuật, làm lãnh đạo… và nhiều ngành nghề khác.
Sống ở trên đời này, ai cũng phải làm một việc nhất định. Có thể có những người phải làm nhiều việc, phải kiêm nhiệm nhiều việc, phải làm thêm những "việc tay trái" nữa. Nhưng dù thế nào thì ai cũng phải kiếm cho mình một việc chính, một việc làm thường xuyên và ổn định nhất - để bảo đảm cuộc sống cho mình và gia đình mình. Bởi không có việc làm thì con người có thể sẽ phải chết đói. Người nào không có việc làm người đó sẽ trở thành một kẻ không ra gì, một kẻ vô tích sự. Không có việc làm là một bất hạnh lớn đối với con người.
Vâng! Không có việc làm thì sẽ không có một cái gì cả. Không có việc làm thì sẽ không có lúa, ngô, khoai, sắn, không có gạch, ngói, sắt, thép, xi- măng, không có than, điện, không có nhà, không có cầu cống, không có đường sá, không có thơ ca, nhạc, họa, không có sách, không có tri thức, không có cả lịch sử nữa…
Vì thế, tiêu chí đầu tiên và cơ bản để đánh giá một con người chính là việc người đó đã làm và làm như thế nào cho xã hội, cho quê hương, đất nước.
Và đổi lại, con người ta cần được (và phải được) hưởng những thành quả lao động của mình. Người thợ cày một nắng hai sương cần được hưởng trọn niềm vui của mùa màng trĩu hạt. Người công nhân đầu tắt mặt tối cần được hưởng trọn niềm vui của những mẻ thép, mẻ than, mẻ quặng mới ra lò, hưởng trọn niềm vui về sự to đẹp, hoành tráng của những công trình, những cây cầu, những con đường, những sân bay, bến cảng mà mình vừa xây dựng lên. Người làm khoa học, làm kinh doanh, làm sách, làm sử, làm nhạc, làm thơ, làm báo, làm văn hoá, chính trị, quân sự, ngoại giao… cần phải được hưởng trọn niềm vui về những tác phẩm và những chiến công hiển hách của mình…
Hưởng cũng có thể bằng nhiều hình thức. Nhưng nói một cách nôm na, giản dị nhất - cái mà người lao động được hưởng - chính là quyền được ăn. Làm thì phải được ăn. Đó là điều tất yếu, là điều chính đáng.
Ngay từ thời xa xưa, cha ông ta đã có câu "Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ". Chế độ xã hội chủ nghĩa phân phối trên nguyên tắc "làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít, không làm không hưởng". Nguyên tắc phân phối của chế độ ta ưu tiên người lao động giỏi. Ai làm việc nhiều, làm việc có kỷ luật, có kỹ thuật cao, năng suất cao, hiệu quả tốt sẽ được hưởng nhiều. Ai làm việc ít, năng suất thấp, chất lượng thấp sẽ được hưởng ít. Người nào lao động với thái độ kém, làm sai nguyên tắc, vô kỷ luật sẽ bị phạt tuỳ theo lỗi nặng nhẹ của mình. Người nào làm ăn giả dối, buôn gian bán lận, dùng những thủ đoạn trốn lậu thuế, trốn tránh nghĩa vụ đối với Nhà nước, sẽ bị phạt tiền hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Người nào tìm mọi cách ăn chặn tài sản của người khác, người nào có hành vi tham ô, ăn cắp công quỹ Nhà nước sẽ bị pháp luật xử lý thích đáng.
Rõ ràng ăn không phải chỉ là ăn cơm, ăn bánh, ăn cỗ… Ăn còn là ăn nhiều thứ khác. Đó là ăn tiền, ăn của đút, ăn chặn, ăn hiếp, ăn cắp, ăn cướp. Ăn không chỉ là ăn lương thực thực phẩm. Ăn còn là ăn tre, nứa, gỗ, sắt, thép, xi-măng, ăn cả… tượng đồng, ăn cả… đất (bằng những thủ đoạn dối trá, phi pháp). Những miếng ăn ấy là những miếng ăn nhục nhã. Trong suốt sáu mươi, bảy mươi, tám mươi, chín mươi mùa xuân của đời người, có thể có những ngày ta kiếm được miếng ăn thơm ngon no đủ, có thể có những ngày ta chỉ kiếm được bát cháo loãng cầm hơi, nhưng lúc nào và ở đâu ta cũng phải làm ăn chân chính. Những kẻ kiếm miếng ăn bằng những miếng đắng, miếng cay, miếng nhục trước sau gì cũng phải "ăn quả đắng".
PHẠM MINH GIANG(Thái Bình)