Văn hóa trong giao tiếp
Bạn đọc viết - Ngày đăng : 15:34, 10/07/2012
Điều đáng lưu ý là ngôn ngữ tồn tại ở nhiều dạng khác nhau: ngôn ngữ bên ngoài, bên trong, ngôn ngữ nói, viết, độc thoại, đối thoại. Ở tất cả các dạng ngôn ngữ ấy đều có những chức năng chỉ nghĩa, chỉ ý, thông báo, điều khiển. Gặp nhau người ta thường sử dụng ngôn ngữ nói. Nhưng nói như thế nào cho có văn hóa - sư phạm là vấn đề không đơn giản.
Từ ngàn xưa, ông cha ta đã dạy con cháu: “Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”, “Chim khôn kêu tiếng rảnh rang, người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe”... Điều đó có nghĩa là trong khi giao tiếp với nhau, con người phải biết lựa chọn từ ngữ, hình ảnh, câu cú, âm điệu sao cho vừa thể hiện được đầy đủ nội dung, vừa phù hợp với tâm lý đối tượng. Nói cách khác, sự giao tiếp có văn hóa - sư phạm đòi hỏi mỗi người chúng ta phải quan tâm đến việc chọn lời hay, ý đẹp, giàu hàm lượng thông tin, phong phú về hình thức và đa dạng cách diễn đạt. Kinh nghiệm thực tiễn cho hay, người nào có tư duy trong sáng, mạch lạc thì sự diễn đạt bằng ngôn ngữ càng rõ ràng, khúc triết, dễ hiểu. Bởi vậy, tục ngữ mới có câu: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”.
Tính văn hóa - sư phạm trong giao tiếp nhắc nhở mọi người phải tránh sự giao tiếp mà trong đó ngôn ngữ được sử dụng một cách tùy tiện, một kiểu tư duy lộn xộn, các sự kiện không được gắn bó với nhau, tiện đâu nói đấy. Sự giao tiếp như thế sẽ làm giảm giá trị của nội dung cần nói, làm mất vẻ đẹp duyên dáng của ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ và gây ra ảnh hưởng không tốt đối với chủ thể giao tiếp. Thật đáng tiếc, trong thực tế hiện nay còn không ít hiện tượng thiếu tính văn hóa - sư phạm trong giao tiếp xảy ra ở đường phố, nơi cộng cộng, trong các cửa hàng, siêu thị và ngay cả trong gia đình. Điều đó hoàn toàn không phù hợp với xu thế phát triển của xã hội trong giai đoạn hiện nay, với nếp sống văn hóa, văn minh.
Sự giao tiếp có văn hóa - sư phạm còn đòi hỏi con người phải có những hiểu biết phong tục, tập quán, lễ nghi xảy ra trước hoặc sau khi giao tiếp. Ví dụ, khi muốn vào nhà một ai đó ở thành phố thì phải gõ cửa, ở nông thôn thì phải đánh tiếng hoặc gọi tên từ ngoài cổng. Việc làm đó vừa mang ý nghĩa xin phép chủ nhà, vừa là để cho chủ nhà chuẩn bị một tâm thế tiếp khách cho đúng phong cách địa phương, dân tộc. Hoặc khi mới gặp nhau phải “tay bắt mặt mừng”, nhưng cũng phải nhớ luật lệ: hãy để cho người cao hơn mình về tuổi tác hoặc cấp bậc, địa vị xã hội đưa tay ra trước. Đối với phụ nữ, nam giới cũng phải đợi chờ thủ tục ấy. Lời chào ban đầu hay lời cảm ơn sau khi nói chuyện cùng với những bộ trang phục mặc gọn gàng, sạch sẽ, đi đứng phong nhã, khoan thai đều là những việc làm cần thiết tô thắm thêm vẻ đẹp trong quá trình giao tiếp hằng ngày của con người. Thực hiện có hiệu quả các mối quan hệ này trong giao tiếp chính là chúng ta đã thể hiện ý thức tôn trọng người khác và cũng có nghĩa chúng ta đã biết nâng cao giá trị của mình trong các mối quan hệ.
TS. PHẠM TRUNG THANH(Đại học Thành Đông)