Giữ gìn đạo hiếu
Bạn đọc viết - Ngày đăng : 18:50, 11/07/2012
Trong kho tàng văn hóa dân gian của người Việt Nam ta có nhiều câu ca dao, tục ngữ nói về phận làm con, như: "Công cha như núi Thái Sơn/Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra/Một lòng thờ mẹ kính cha/Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con"...
Đời nào cũng có gương hiếu thảo. Trong xã hội ta hiện nay cũng vậy, có rất nhiều tấm gương sáng về lòng hiếu thảo đối với cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Không ít người con đã chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ rất chu đáo.
Nhưng trong thời gian gần đây, xã hội đã bắt đầu xuất hiện không ít những tên nghịch tử, đại bất hiếu, không những chúng không chăm lo, nuôi dưỡng cha mẹ mà còn táng tận lương tâm, ra tay sát hại những đấng sinh thành không thương tiếc chỉ vì cha mẹ khuyên ngăn chúng nên tu tỉnh làm ăn, đừng chơi bời lêu lổng hay chỉ vì xin tiền chơi game mà cha mẹ không cho. Những hành động ấy khiến cho cả xã hội phải bàng hoàng. Cái ác đã diễn ra, chúng đã bị pháp luật trừng trị thích đáng, nhưng nỗi đau sẽ còn mãi.
Người xưa có câu “Nhân bất học, bất tri lý”, vậy nguyên nhân trực tiếp của hiện tượng này chính là từ sự giáo dục không chu đáo từ phía gia đình và các cơ sở giáo dục. Ngoài ra, “Nhàn cư vi bất thiện”, một số thanh niên chỉ quen hưởng của thụ, lười biếng, lại bị ảnh hưởng lối sống không lành mạnh, kết bè kết phái, suốt ngày rượu chè, thuốc lá, bạo lực nên đã bất chấp thủ đoạn, thậm chí sẵn sàng gây ra tội ác để kiếm tiền, đáp ứng nhu cầu bản thân…
Thiết nghĩ, để giữ gìn truyền thống đạo hiếu nghìn năm của dân tộc ta, ngoài việc nước ta đã có hệ thống pháp luật thì xã hội chúng ta phải tạo được việc làm có nguồn thu nhập ổn định cho thanh niên đến tuổi lao động, hạn chế tình trạng cùng quẫn. Đồng thời, phải tăng cường giáo dục cho học sinh từ tiểu học, trung học đến đại học. Các tổ chức chính trị - xã hội như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Mặt trận Tổ quốc, công đoàn... phải vào cuộc, quan tâm giáo dục thế hệ trẻ. Tăng cường kết hợp 3 môi trường: gia đình - nhà trường - xã hội thì mới mong giải quyết tận gốc hiện tượng xã hội này.
NHẤT HUỲNH(Vĩnh Long)