Trung Quốc theo đuổi chính sách hiếu chiến với nhiều nước

Bình luận - Ngày đăng : 14:22, 12/07/2012

Sau Philippines và Việt Nam, Trung Quốc lại tìm cớ gây hấn với Nhật Bản ở quần đảo Senkaku, buộc Tokyo phải triệu đại sứ Trung Quốc để phản đối.

Tàu tuần tra Nhật Bản (phải) chạy gần một tàu ngư chính của Trung Quốc ở gần quần đảo Senkaku ngày 11-7

Sau Philippines ở bãi cạn Scarborough và Việt Nam trên biển Đông, Trung Quốc lại vừa tìm cớ gây hấn với Nhật Bản ở quần đảo Senkaku.

Ngày 11-7, Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan cho biết Trung Quốc và ASEAN đã nhất trí sẽ thảo luận về Bộ quy tắc ứng xử của các bên trên biển Đông (COC) tại Phnom Penh, Campuchia vào tháng 9-2012.

“Trong một hoặc hai ngày tới hai bên sẽ phải quyết định chương trình của cuộc gặp này. COC được kỳ vọng sẽ có tính ràng buộc, sẽ có tác dụng kiềm chế tất cả các bên liên quan, do trong nội hàm của nó có rất nhiều biện pháp, rất nhiều nguyên tắc quốc tế cùng nhiều thực tiễn phổ biến và bao quát trong hàng hải và vận tải quốc tế, thông tin hải quân” - AFP dẫn lời ông Surin cho biết.

Thế nhưng, Tổng thư ký Pitsuwan thừa nhận Trung Quốc và ASEAN còn bất đồng về cả nội dung lẫn cách thực thi COC.

Cho đến nay, Trung Quốc vẫn theo đuổi một chính sách hiếu chiến với nhiều nước, tạo nên không khí căng thẳng bị dư luận trong khu vực và quốc tế lên án mạnh mẽ. Khó có thể tin rằng Trung Quốc thật tâm muốn đàm phán để tìm kiếm hòa bình và ổn định mà lại tiếp tục nói một đàng hiểu một nẻo, nói một đàng làm một nẻo như những diễn biến gần đây và mới đây cho thấy.

Nhật phản đối Trung Quốc đưa tàu đến gần Senkaku

Ngày 11-7, Nhật Bản đã triệu đại sứ Trung Quốc để phản đối việc Bắc Kinh xua ba tàu ngư chính vào khu vực lân cận quần đảo Senkaku của Nhật.

Báo Yomiuri Shimbun tố cáo ba tàu ngư chính 204, 202 và 35001 đã đến khu vực lân cận đảo Senkaku khoảng 4g sáng. Ba tàu chỉ rời khỏi khu vực này lúc 8g30 ngày 11-7 (giờ VN) sau khi lực lượng tuần duyên Nhật phát lệnh cảnh báo.

Chánh văn phòng nội các Nhật Osamu Fujimura khẳng định việc các tàu ngư chính Trung Quốc lảng vảng quanh khu vực quần đảo Senkaku là vi phạm chủ quyền của Nhật Bản, bởi “Senkaku là lãnh thổ vốn có của Nhật xét về phương diện lịch sử và pháp lý”.

Căng thẳng giữa Bắc Kinh và Tokyo đã tăng cao sau khi Thủ tướng Nhật Yoshihiko Noda tuyên bố chính quyền đang xem xét việc mua lại các đảo Senkaku của dòng họ Kurihara.

Trong khi đó, tại Phnom Penh ngày 11-7, khi thảo luận với các ngoại trưởng ASEAN về những căng thẳng gần đây ở biển Đông, Bộ trưởng ngoại giao Nhật Bản Koichiro Gemba đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc bảo vệ tự do, an toàn hàng hải trên biển Đông.

Ông khẳng định sự ổn định của tuyến hàng hải này có ý nghĩa thiết thực đối với sự phát triển kinh tế của mỗi nước trong khu vực. AFP dẫn lời ông Gemba nhấn mạnh tất cả các bên ở biển Đông cần phải tôn trọng luật pháp quốc tế, chấm dứt mọi hành động đơn phương và giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại hòa bình.

Ngày 11-7, trong cuộc gặp song phương với các bộ trưởng ngoại giao ASEAN, bộ trưởng ngoại giao New Zealand và Úc cũng nhấn mạnh cần phải tạo ra một môi trường hòa bình và ổn định ở châu Á - Thái Bình Dương để thúc đẩy hợp tác và phát triển.

Philippines cần đưa tàu trở lại Scarborough

Cùng ngày, Tổ chức Heritage Foundation đã lên tiếng hối thúc Chính phủ Philippines đưa tàu trở lại bãi cạn Scarborough nhằm tránh để khu vực này rơi vào tay Trung Quốc.

Báo Philippines Star dẫn lời chuyên gia Walter Lohman, giám đốc Trung tâm nghiên cứu châu Á của Heritage Foundation, nhấn mạnh việc chiếm hữu khu vực này trên thực tế có thể trở thành “chuyện đã rồi” và lâu ngày là chuyện “cứt trâu hóa bùn”. Ngoài ra, sự thiếu vắng các con tàu của chính phủ có thể bị Bắc Kinh đánh đồng với việc Manila từ bỏ tuyên bố chủ quyền và giao vào tay Bắc Kinh. Theo ông Lohman, đối đầu tại bãi cạn Scarborough chưa chấm dứt mà Manila để Bắc Kinh một mình làm yêu làm sách trên biển Đông là một thất bại cho Philippines và cả Mỹ.

Giữa tháng trước, Tổng thống Philippines Benigno Aquino đã rút tàu khỏi bãi cạn Scarborough vì tin vào lời hứa của Trung Quốc là Bắc Kinh cũng sẽ hành động tương tự. Nhưng Bắc Kinh đã nuốt lời bất chấp Manila tuần trước đã nhắc lại yêu cầu này.

Đề cập đến hội nghị ngoại trưởng ASEAN ở Campuchia, ông Lohman cho rằng đây là cơ hội quan trọng để Mỹ khẳng định quyết tâm của Washington với Trung Quốc và ASEAN là sẽ không có chuyện đàm phán về vấn đề biển Đông chỉ là chuyện của một bên mạnh ép một bên yếu.

Đây cũng là dịp để bà Clinton khẳng định hiệp ước phòng thủ chung với Philippines. Ngoại trưởng Mỹ không thể giả vờ như không có gì trong lúc Bắc Kinh đang quân sự hóa tranh chấp bằng cách triển khai “hệ thống tuần tra sẵn sàng chiến đấu” trên biển Đông. Theo ông, Washington cũng nên hỗ trợ trong trường hợp Manila cần sự trợ giúp trực tiếp và ngay lập tức.

MỸ LOAN - PHƯƠNG ĐÔNG - TRẦN PHƯƠNG(TT)

Nhật Bản hỗ trợ ASEAN về vấn đề biển Đông

Nhật Bản phản đối tàu ngư chính Trung Quốc xâm nhập vùng biển lân cận quần đảo Senkaku

Trên báo Wall Street Journal, tiến sĩ Ian Storey thuộc Học viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore), nhận định Nhật đang tăng cường quan hệ quốc phòng với các nước ASEAN để hỗ trợ khu vực bảo vệ tự do hàng hải trên biển Đông.

Theo tiến sĩ Storey, Chính phủ Nhật lo ngại xung đột trên biển Đông sẽ ảnh hưởng đến an ninh kinh tế Nhật, do phần lớn hàng hóa xuất nhập khẩu của Nhật đều đi qua vùng biển này. Nếu Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng ép các nước láng giềng Đông Nam Á chấp nhận “chủ quyền lịch sử” của Bắc Kinh trên biển Đông, các bộ luật quốc tế như Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS) sẽ bị hủy hoại.

Khi đó, Trung Quốc có thể sử dụng trò tương tự để đòi chủ quyền đối với quần đảo Senkaku của Nhật trên biển Hoa Đông. Chính sách hiếu chiến của Trung Quốc có thể dẫn tới một cuộc đối đầu quân sự Trung - Nhật. Do đó, Tokyo đang tận dụng các diễn đàn với ASEAN để kêu gọi duy trì hòa bình và ổn định trên biển. Quan trọng hơn, Nhật đang tăng cường sự hợp tác giữa lực lượng tuần duyên nước này với các đối tác Đông Nam Á.

Nhật cũng đã đề nghị mở rộng Diễn đàn hàng hải ASEAN tới các nước như Úc, Ấn Độ, Mỹ... và xem diễn đàn này là nơi tăng cường các khuôn khổ pháp lý quốc tế và tìm cơ chế giải quyết tranh chấp trên biển Đông. Tokyo cũng đang tăng cường hợp tác song phương với các nước Đông Nam Á, như cam kết cung cấp tàu tuần tra hàng hải cho Philippines, tăng cường triển khai tàu hải quân đến thăm Philippines.

Tokyo cũng muốn cải thiện quan hệ quốc phòng với Việt Nam và đang thảo luận tăng cường quan hệ với Singapore, Malaysia và Indonesia.

SƠN HÀ