Kỹ thuật sản xuất cây giống cà chua, ớt
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 17:45, 13/07/2012
Mỗi m2 bón lót 2 kg phân chuồng hoai mục + 50g supe lân + 30g KCL + 20g urê (nếu có phân chuồng ủ cùng lân thì càng tốt)...
Cà chua giống trồng trong bầu
Gieo trên luống hoặc vườn ươm:
Cần 8-10m2 đất vườn ươm để trồng cho 1 sào cà, ớt Bắc Bộ. Chọn đất tốt (đất cát pha hoặc thịt nhẹ), cao ráo, dễ thoát nước, hoặc làm giàn cách mặt đất 0,5 - 1m, lót phên tre và lá chuối rồi đổ lên trên một lớp đất, phân, tro dày 5 - 10 cm rồi gieo hạt lên trên. Cách này sẽ tránh được côn trùng hoặc gia súc gây hại.
Mỗi m2 bón lót 2 kg phân chuồng hoai mục + 50g supe lân + 30g KCL + 20g urê (nếu có phân chuồng ủ cùng lân thì càng tốt). Phun hoặc tưới trên mặt đất bằng một trong các loại thuốc: Boocdo, Benzimidine 50SC, TREPPACH BUL 607SL… theo nồng độ và liều lượng khuyến cáo trên bao bì. Rải thuốc bột Basudin 10H hoặc Regent 3G sau khi gieo hạt để tránh sâu gây hại cây non. Gieo vãi đều (mỗi lần gieo chỉ nhúm 15-20 hạt). Gieo xong, phủ một lớp đất bột lên trên dày từ 0,5-1cm. Sau đó dùng rơm rạ (không bị nhiễm khô vằn) chặt ngắn 3 - 4 cm phủ một lớp lên mặt luống để giữ ẩm, giữ nhiệt, đất không bị dí sau tưới (có thể dùng trấu thay rơm rạ nhưng không được dùng trấu mới vì có cạnh sắc sẽ cứa vào cây non làm cho nấm bệnh dễ dàng xâm nhập).
Sau khi gieo nên tưới đẫm mặt luống (mỗi ngày tưới một lần, trời hanh khô thì 2 lần một ngày). Tưới cho đến khi cây mọc khỏi mặt đất (7-10 ngày) thì ngừng tưới 2-3 ngày để rèn luyện bộ rễ. Khi cây có 1-2 lá thật cần kiểm tra mật độ, tỉa bỏ những cây mọc quá dày, cây bị sâu bệnh hại, còi cọc để mật độ sao cho cây cách cây 5-7 cm, không nên để quá dày cây sẽ bị vống.
Biện pháp này đơn giản, dễ làm, ít tốn công làm cây non, dễ chăm sóc nhưng cây non mọc không đồng đều, dễ bị đứt rễ nhiều khi nhổ, cây phục hồi chậm sau trồng và tốn nhiều công chăm sóc sau trồng. Để khắc phục bớt những nhược điểm này thì cần có một số biện pháp tác động đó là:
- Hạn chế tưới nước cho cây non trước khi ra đồng vài ngày để giúp cây non cứng cáp, đâm nhiều rễ phụ. Trước khi nhổ đem trồng thì lại tưới đẫm luống cây, nhổ cây đem trồng vào chiều mát và đủ nước tưới.
- Với cây cà chua có thể trước khi trồng khoảng 7 - 10 ngày, tiến hành nhổ cây non và cắt bỏ một phần rễ chính (rễ cọc) rồi giâm chúng lại tại khu vườn ươm, tưới đủ ẩm cho cây nhanh ra nhiều rễ phụ. Khi cây non đã hồi phục và ra rễ thì nhổ đem trồng. Cách làm này sẽ giúp cây sau trồng phát triển nhanh hơn nhiều biện pháp trên.
Phương pháp gieo thẳng hạt trên luống thường áp dụng cho các hộ có nhu cầu trồng nhiều diện tích cùng một lúc sẽ bảo đảm được kịp thời vụ.
Gieo trong bầu:
Bầu có thể quấn bằng lá chuối, bọc ni-lông hay gieo trong khay nhựa kích thước 4 x 6 cm. Trộn đất, phân chuồng mục: tro theo tỷ lệ 1:1:1 (không dùng tro mới để tránh cây non bị chết khi mới mọc). Xử lý đất và cây non giống như gieo trên luống. Các bầu xếp sít vào nhau hoặc xếp theo hàng trên giàn hoặc luống ương. Tưới nước đẫm vào bầu trước khi gieo, mỗi bầu gieo 1 hạt. Khi cây có 4-6 lá thì đem trồng.
Biện pháp này tiết kiệm được từ 10-20% lượng hạt giống so với gieo trên luống. Cây giống đồng đều khi trồng, mau bén rễ, ít tốn công chăm sóc nhưng tốn nhiều công quấn bầu hoặc tốn tiền mua khay nhựa.
Cách này thường áp dụng cho các hộ có nhu cầu trồng với diện tích ít và có nhiều công lao động trước vụ.
Một số yêu cầu nữa để đạt tiêu chuẩn cho cây trước khi ra đồng đòi hỏi:
- Khu vườn ươm phải đầy đủ ánh sáng, nước tưới, có phên hoặc ni-lông trắng che sương, mưa ban đêm hoặc những lúc mưa to ban ngày.
- Thường xuyên phun thuốc phòng bệnh chết thắt thân, sương mai cho cây theo định kỳ 5-7 ngày/lần, phun thuốc trừ sâu xanh, sâu xám nếu chúng gây hại cây non theo nguyên tắc 4 đúng.
- Cần hạn chế tưới thúc cho cây non thời kỳ vườn ươm, chỉ nên phun các chế phẩm phân hữu cơ, vi lượng qua lá thời kỳ cây có 2-3 lá thật trở đi.
Khi cây có 4-6 lá thật, cao 8-12cm (cây được khoảng 20 ngày) thì đem trồng.
KsTRẦN THỊ LIÊN(Trạm khuyến nông Nam Sách)