Mặt đê thành nơi đốt rác thải

Môi trường - Ngày đăng : 07:03, 14/07/2012

Con đê hữu sông Thái Bình thành nơi tập kết rác thải từ cây ngô để đốt, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và nguy hiểm cho người tham gia giao thông.


Cảnh mịt mù do đốt thân cây và lõi ngô ở xã Đức Chính

Những ngày này, người dân xã Đức Chính (Cẩm Giàng) biến con đê hữu sông Thái Bình thành nơi tập kết rác thải từ cây ngô để đốt, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Tuyến đê dài khoảng 2 km như một công trường sản xuất: Các bao ngô chất cao như núi, máy tẽ hạt được huy động bóc tách phần hạt, lõi và bẹ. Phần hạt ngô sau đó được phơi khắp mặt đê và một số đường giao thông trong xã. Lõi và bẹ được xếp thành từng đống lớn dọc chân và mặt đê để đốt. Thời gian đốt nhiều nhất vào chiều tối khiến khói bay mù mịt. Người tham gia giao thông nhiều khi phải nhắm mắt khi đi qua những đám khói lớn. Có mặt tại chân đê Đức Chính chiều 11-7, chúng tôi thấy có đến hơn 10 đống rác ngô đang cháy, khói mịt mù. Lõi ngô cứng nên thời gian đốt kéo dài suốt cả đêm, đoạn đường đê lại chưa có hệ thống đèn đường nên các phương tiện giao thông phải đi trong thời gian này càng nguy hiểm. Chị Hoàng Thị Mai (ở thôn An Lãng) cho biết: "Tôi cảm thấy ngạt thở mỗi lần đi qua đoạn đê này. Vừa nhắm mắt vừa đạp xe, nhiều khi tôi không nhìn được các phương tiện khác. Tôi đã chứng kiến vài vụ va chạm xe do khói ngô ở đoạn đường này nên nhiều lúc phải tìm đường khác để đi".

Khói bụi từ đốt ngô còn bay khắp các thôn ven đê như: An Phú, An Lãng, Xuân Kiều, Tự  Trung, Yển Vũ... Ông Nguyễn Văn Bằng, Trưởng thôn Yển Vũ cho biết: "Thôn có khoảng 70 mẫu ngô, người dân sau khi thu hoạch lấy hạt, phần rác thừa từ ngô được đem hết ra ngoài chân đê đốt. Nhiều gia đình còn đốt lõi ngô cùng với trấu khiến nhiều trẻ nhỏ, người già bị khó thở. Khi mưa xuống phần tro ngô lại chảy xuống sông gây ô nhiễm nguồn nước".


Ngô hạt được phơi đầy mặt đê

Hiện tại, Đức Chính có đến 200 ha ngô vụ xuân trồng tại xã và khoảng 300 ha được người dân thuê đất trồng ở các tỉnh lân cận. Với diện tích lớn như vậy, sau khi lấy hạt, một khối lượng lớn lõi, bẹ, cây ngô… được người dân đem đốt. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng đốt rác ngô bừa bãi, trước hết do ý thức của người dân chưa tốt. Họ chưa nhận thấy sự nguy hại của việc đốt rác ảnh hưởng đến môi trường và làm hư hại mặt đê, hàng tre chắn sóng. Ngoài ra, do rác thải từ cây quá lớn, mỗi gia đình không có đủ không gian để chứa. Trước kia, người dân Đức Chính còn dùng lõi, bẹ, cây ngô... để làm chất đốt, nhưng nay, đa phần dùng than, gas nên rác thừa từ ngô càng lớn.

Ông Lê Văn Ngấn, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp Đức Chính cho biết: "Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) đã về Đức Chính để thử nghiệm việc ủ lõi ngô thành phân vi sinh. Nhưng do thời gian ủ lâu, kéo dài khoảng 2 tháng, lại phải mất công xếp lõi ngô thành từng lớp để rắc và tưới các chế phẩm hóa học, tốn nhiều công sức nên người dân không nhiệt tình hưởng ứng".

Theo ông Nguyễn Cao Đam, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học (Sở KH-CN), không dễ để giải bài toán rác thải từ ngô. Một nhà máy sản xuất phân vi sinh sẽ không chọn lõi ngô là sản phẩm đầu vào vì chi phí để nghiền lõi ngô lớn trong khi còn nhiều nguyên liệu đầu vào khác dễ xử lý thành phân vi sinh hơn. Lõi ngô cũng có thể sử dụng để làm bột giấy. Nhưng vì trong thành phần lõi ngô có chứa nhiều tinh bột nên nếu dùng làm giấy dễ bị nấm mốc. Do đó, nhà máy sản xuất giấy hiện nay cũng không chọn lõi ngô làm nguyên liệu. Vì vậy, cách tốt nhất để xử lý rác thải từ cây ngô là dùng phương pháp ủ lâu dài. Phương pháp ủ lõi, bẹ, cây ngô... cũng giống như ủ rơm, rạ, chỉ khác ở chỗ rác thải từ ngô cứng hơn nên thời gian ủ lâu hơn. Để tránh ô nhiễm môi trường, nên quy hoạch ủ rác ở những nơi tập trung. Hiện tại, xã Đức Chính chưa có kiến nghị gì với Sở KH-CN về vấn đề xử lý rác thải từ ngô. Nếu Đức Chính quy hoạch được nơi để ủ rác thải tập trung từ ngô, Sở KH-CN sẵn sàng hướng dẫn về kỹ thuật xử lý.

Bài toán xử lý rác thải từ cây ngô ở Đức Chính chỉ có kết quả khi người dân có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường, không đốt rác bừa bãi và hợp tác với các nhà khoa học trong việc biến rác thành phân vi sinh. Xã Đức Chính cũng nên quy hoạch nơi tập kết rác thải tập trung. UBND huyện Cẩm Giàng quan tâm, phối hợp với Sở KH-CN để có hướng xử lý rác thải từ ngô một cách khoa học, hiệu quả.

 THÚY HÀ