Cô giáo đam mê hội họa
Đời sống văn hóa - Ngày đăng : 08:53, 14/07/2012
Tác phẩm “Bảo vệ biển đảo - bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc” của cô giáo Phạm Thị Ánh giành giải nhất khiến không ít người tò mò...
Với cô giáo Phạm Thị Ánh, sáng tác hội họa vừa là niềm đam mê, vừa là cách để rèn giũa chuyên môn
Sinh năm 1959 tại Gia Lộc, từ nhỏ Phạm Thị Ánh đã mơ ước được làm cô giáo. Tốt nghiệp Khoa Mỹ thuật Trường Cao đẳng Sư phạm nhạc Trung ương, năm 1979, cô Ánh về nhận công tác tại một trường cấp 2 tại TP Hải Phòng. 3 năm gắn bó với thành phố Cảng, cô chuyển về tỉnh và năm 1984 về công tác tại Trường THCS Ngọc Sơn (Tứ Kỳ) cho đến nay. Ngoài giảng dạy tại trường, cô còn nhận thỉnh giảng ở Khoa Mỹ thuật Trường Trung cấp Văn hóa, nghệ thuật tỉnh. 33 năm gắn bó với nghề giáo là ngần ấy năm cô đem kiến thức, tâm huyết của mình truyền thụ cho các thế hệ học trò. Từ những bài học cô giảng, nhiều học sinh đã trở thành những người sáng tác nghệ thuật. Bản thân cô nhiều năm liền đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi, chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Những ngày này, cô đang hướng dẫn cho các học trò của mình vẽ tranh tham dự Triển lãm tranh thiếu nhi toàn quốc “Giữ mãi màu xanh em yêu”.
Cô Phạm Thị Ánh cho biết, cô mới bước vào lĩnh vực sáng tác chuyên nghiệp từ năm 2005. Năm đó, cô gửi tác phẩm đầu tiên mang tên “Điêu khắc dân gian tâm hồn Việt” tham dự cuộc vận động sáng tác tranh cổ động của tỉnh. Tác phẩm tuy không được giải song được chọn treo tại triển lãm và được đánh giá cao. Từ đó, cô tham gia đều đặn các cuộc vận động sáng tác tranh cổ động hằng năm và đều có giải. Đặc biệt, tác phẩm “1000 năm Thăng Long - Hà Nội anh hùng” đã được chọn treo trong dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Dấu ấn trong chặng đường sáng tạo nghệ thuật của cô chính là tác phẩm “Bảo vệ biển đảo - bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc”. Nói về tác phẩm, cô Ánh kể: “Sức khỏe của tôi không tốt nên thời gian dành cho sáng tác nghệ thuật rất hạn hẹp. Khi cuộc vận động triển khai với hai chủ đề chính là biển đảo và nông thôn mới, mặc dù chưa từng đến các vùng biển đảo tôi vẫn quyết định chọn đề tài này. Có nhiều lý do, trong đó, tôi muốn thể hiện lòng tự hào, tự tôn về truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc, của ông cha ta; sẻ chia với các chiến sĩ đang ngày đêm vất vả, sẵn sàng hy sinh mạng sống của mình làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Ngoài ra, đây cũng là vấn đề mang tính thời sự mà với trách nhiệm một người cầm bút tôi muốn thể hiện. Thời gian để tìm tòi tư liệu và vẽ chỉ mất khoảng 1 tuần. Thế nhưng đó là một tuần vắt kiệt sức lực, suy nghĩ. Sau khi tác phẩm hoàn thành, mình lăn ra ốm một trận”.
Không chỉ thành công ở mảng tranh cổ động, cô giáo Phạm Thị Ánh cũng thành công ở mảng tranh nghệ thuật với các chất liệu bột màu, sơn mài, lụa… Cô Ánh cho biết: Bức tranh “Hạnh phúc” vẽ bằng chất liệu bột màu được chọn treo ở Triển lãm Mỹ thuật khu vực đồng bằng sông Hồng tại Hải Phòng năm 2011. Tác phẩm này được cô sáng tác vào những ngày bị ốm.
Hiện cô giáo Phạm Thị Ánh đang dành thời gian sáng tác tác phẩm tham dự Triển lãm Mỹ thuật khu vực đồng bằng sông Hồng năm nay. Cô Ánh cho biết: “Với mình, sáng tác nghệ thuật là niềm đam mê. Đó cũng là phương pháp tốt nhất để rèn giũa chuyên môn”.
NGỌC HÙNG