Khó quản lý thị trường thuốc bảo vệ thực vật
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 06:20, 17/07/2012
Ngay cả cơ quan quản lý cũng không thể quản lý được giá nên các doanh nghiệp sản xuất và hệ thống cửa hàng, đại lý phân phối dễ dàng mặc định giá bán...
Người dân mua thuốc bảo vệ thực vật tại điểm kinh doanh nhỏ lẻ, không có biển hiệu
tại xã Hồng Quang (Thanh Miện)
Theo Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 1.200 đại lý, cửa hàng kinh doanh thuốc BVTV với 150 loại sản phẩm có trong danh mục được phép lưu hành. Tuy nhiên, vẫn có hơn 100 cửa hàng không có giấy phép kinh doanh, không có chứng chỉ hành nghề. Ngoài ra, còn một số cửa hàng buôn bán nhỏ lẻ, hoạt động theo mùa vụ cũng gây khó khăn trong việc quản lý kinh doanh và sử dụng thuốc BVTV. Chính vì vậy, tình trạng các loại thuốc BVTV cấm sử dụng, ngoài danh mục được phép sử dụng, thuốc hết hạn sử dụng, thuốc giả lưu thông ngoài thị trường vẫn tồn tại. Trong 6 tháng đầu năm, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh đã kiểm tra 42 hộ kinh doanh thuốc BVTV thì có tới 41 hộ vi phạm. Điển hình trong 2 ngày (18 và 20-4), Đội QLTT số 4 đã kiểm tra 2 hộ kinh doanh vi phạm là ông Nguyễn Văn Chính ở Phạm Kha và ông Đoàn Văn Quỳnh ở Hồng Quang (cùng huyện Thanh Miện). Tại 2 hộ này, đội đã tịch thu 1.079 gói, 70 lọ và 88 kg thuốc BVTV không rõ nguồn gốc, xuất xứ, xử phạt hành chính mỗi hộ 2 triệu đồng. Từ đầu năm đến nay, qua thanh tra 70 đại lý, cửa hàng, Chi cục BVTV cũng đã phát hiện 3 cửa hàng, đại lý kinh doanh không có chứng chỉ hành nghề, bán thuốc kém chất lượng.
Ông Phạm Nguyên Hạnh, Chi cục trưởng Chi cục BVTV tỉnh cho biết: “Việc kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh mặt hàng thuốc BVTV còn nhiều hạn chế và đang gặp khó khăn do lực lượng thanh tra quá mỏng. Cả chi cục hiện nay chỉ có 2 thanh tra viên nên công tác kiểm tra, giám sát chẳng khác nào “cưỡi ngựa xem hoa”. Hơn nữa, theo quy định hiện nay, thanh tra chi cục chỉ có thể tiến hành kiểm tra theo định kỳ, có thông báo trước. Theo chế tài xử phạt thì Chánh thanh tra chi cục có quyền xử phạt vi phạm số tiền tối đa 500 nghìn đồng nên chưa đủ sức răn đe và chưa thực sự đem lại hiệu quả. Đoàn kiểm tra mới đến cửa hàng này thì những cửa hàng xung quanh đó đã biết và đề phòng”.
Một vấn đề bất cập khác nữa là việc kiểm soát giá các loại thuốc BVTV. Do không nằm trong danh mục các mặt hàng phải công bố giá nên giá cả của những sản phẩm thuốc BVTV không rõ ràng. Chính Chi cục trưởng Chi cục BVTV tỉnh Phạm Nguyên Hạnh cũng thừa nhận, ngay cả cơ quan quản lý cũng không thể biết được giá thành thực sự của những sản phẩm đó là bao nhiêu nên các doanh nghiệp sản xuất và hệ thống cửa hàng, đại lý phân phối dễ dàng mặc định giá bán cho người dân. Đó là chưa kể vì lợi nhuận mà có những hộ kinh doanh thuốc BVTV khuyến cáo nông dân sử dụng thuốc tràn lan, quá liều lượng, phối trộn nhiều loại thuốc khác nhau gây kháng thuốc, khiến dịch bệnh bùng phát, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, môi trường và chất lượng nông sản.
Hiện nay, thuốc BVTV trên địa bàn tỉnh rất phong phú, hệ thống cung ứng cũng rất thuận lợi. Tuy nhiên, cũng vì vậy mà tình trạng người dân tự ý sử dụng thuốc BVTV không có hướng dẫn của cơ quan chuyên môn cũng diễn ra phổ biến hơn. Mặc dù Thông tư số 04/2009/TT-BNN ngày 21-1-2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có hướng dẫn, quy định cụ thể về nhiệm vụ của nhân viên BVTV cấp xã, nhưng hiện nay tại các xã vẫn không có lực lượng này. Do đó, công tác tuyên truyền, hướng dẫn nông dân về quy trình thực hiện BVTV còn hạn chế. Nhiều năm nay, vào các ngày thứ 5 hằng tuần, Chi cục BVTV tỉnh có thông báo, đánh giá, dự báo về tình hình dịch bệnh và phương pháp phòng trừ về các xã nhưng do không có bộ phận làm nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến cấp xã nên rất khó đến với nông dân.
Ngoài ra, việc tiêu hủy lượng thuốc BVTV rởm thu giữ được cũng rất khó khăn. Hiện nay, tại kho chứa của Chi cục BVTV tỉnh tại thôn Cao Xá, xã Cao An (Cẩm Giàng) có 3,5 tấn thuốc BVTV thu giữ. Hàng chục năm nay, những túi thuốc BVTV này đã cũ nát, bốc mùi gây ảnh hưởng đến môi trường. Mặc dù chi cục đã nhiều lần kiến nghị với UBND tỉnh nhưng đến nay vẫn chưa có kinh phí để tổ chức tiêu hủy. Được biết, chi phí để tiêu hủy 1 tấn thuốc BVTV khoảng 65 triệu đồng.
Chính quyền các cấp, lực lượng chức năng cần quan tâm, tăng cường trách nhiệm hơn nữa đối với hoạt động kinh doanh thuốc BVTV. Thường xuyên thanh tra, kiểm tra, xử lý các cửa hàng, đại lý buôn bán thuốc BVTV kém chất lượng, ngoài danh mục, quá hạn sử dụng, tăng giá vô lý. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, tập huấn nâng cao kiến thức cho người dân để họ biết, hiểu và sử dụng thuốc BVTV một cách an toàn, hiệu quả.
HẠO NHIÊN