Sôi nổi phong trào "Đền ơn, đáp nghĩa"

Việc tử tế - Ngày đăng : 08:50, 17/07/2012

Phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" được triển khai sâu rộng trong toàn tỉnh. Nhiều ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp... trong tỉnh đã tích cực tham gia.



Đoàn khối Các cơ quan tỉnh tặng quà và sổ tiết kiệm trị giá 5 triệu đồng cho gia đình ông Nguyễn Đức Diễn,
thương binh 1/4, nạn nhân chất độc da cam/ đi-ô-xin ở khu 17, phường Thanh Bình (TP Hải Dương)
Ảnh: Thanh Hoa


Bằng sự nỗ lực của cá nhân, nhiều thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng đã không ngừng phấn đấu vươn lên, phát triển kinh tế gia đình, tham gia các công tác xã hội ở cơ sở. Nhiều thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ đã trở thành những “công dân kiểu mẫu”, “gia đình cách mạng gương mẫu". Đó là tấm gương ông Hoàng Phi Thường ở phường Trần Hưng Đạo (TP Hải Dương), thương binh 1/4, bản thân và 3 con bị phơi nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin. Ghi nhớ lời dạy của Bác Hồ: “Thương binh tàn nhưng không phế”, ông luôn cố gắng vượt mọi khó khăn, làm giàu cho bản thân và xã hội. Hiện nay, ông là Giám đốc Xí nghiệp Thương mại - Du lịch và Xây dựng 27-7, giải quyết việc làm cho hàng chục thương binh, bệnh binh với thu nhập từ  2,5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Doanh nghiệp của ông còn phụng dưỡng 2 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, tài trợ tích cực cho Quỹ Đền ơn đáp nghĩa… Ông Cao Xuân Đông, thương binh hạng 2/4 ở xã Cẩm Đoài (Cẩm Giàng) sau khi rời quân ngũ trở về quê hương đã tích cực tham gia công tác xã hội. Từ làm Bí thư Chi bộ, đến Phó Chủ tịch MTTQ, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ của xã, ở cương vị nào ông cũng nhiệt tình công tác. Ông tích cực vận động nhân dân thi đua lao động sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, giúp đỡ các gia đình chính sách, thương, bệnh binh gặp nhiều khó khăn về ngày công, giống, vốn. Ông còn tích cực tham gia hoạt động hòa giải ở thôn để giữ vững mối đoàn kết trong thôn, xóm, góp phần xây dựng đời sống văn hóa trong khu dân cư... 

Phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" được triển khai sâu rộng trong toàn tỉnh. Nhiều ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp trong tỉnh đã tích cực tham gia. Mỗi đơn vị đều có cách làm khác nhau để giúp đỡ, chăm lo đời sống các gia đình chính sách, người có công. Đã xuất hiện nhiều tập thể điển hình trong phong trào "Đền ơn đáp nghĩa".


Bác sĩ trẻ Bệnh viện Điều dưỡng và Phục hồi chức năng tỉnh khám bệnh miễn phí cho đối tượng chính sách
 xã Nam Đồng (TP Hải Dương)


Ủy ban MTTQ tỉnh luôn là địa chỉ tin cậy, là nơi phát động nhiều phong trào và đã thu hút đông đảo các tổ chức chính trị, xã hội, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tích cực tham gia đóng góp ủng hộ phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”. Ông Phạm Quang Sản, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh cho biết: “Ủy ban MTTQ tỉnh đã tích cực phối hợp thực hiện tốt các hoạt động đền ơn đáp nghĩa như: nhận chăm lo, phụng dưỡng các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; ủng hộ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa; tu sửa nghĩa trang liệt sĩ; phối hợp tổ chức lễ "Thắp nến tri ân" các anh hùng liệt sĩ; thăm hỏi, tặng quà, động viên, giúp đỡ các gia đình chính sách, người có công; tham gia hỗ trợ sửa chữa, làm nhà tình nghĩa cho các gia đình chính sách, người có công có hoàn cảnh khó khăn. Phối hợp với các cơ quan liên quan và các tổ chức thành viên vận động các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm tham gia hỗ trợ xây nhà ở, tạo việc làm cho con em gia đình chính sách; tặng sổ tiết kiệm, tặng vườn tình nghĩa, tổ chức khám bệnh và cấp phát thuốc miễn phí cho các gia đình chính sách, người có công”. Trong 5 năm qua, Ủy ban MTTQ tỉnh đã phát động ủng hộ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, Quỹ “Nạn nhân chất độc da cam” với tổng số tiền 7,6 tỷ đồng. MTTQ đã đứng ra tổ chức xây dựng hơn 5.000 nhà "đại đoàn kết", "nhà tình nghĩa" hỗ trợ người nghèo, trong đó có nhiều đối tượng chính sách; tặng 8.977 sổ tình nghĩa cho các thương binh, gia đình liệt sĩ trị giá 2,38 tỷ đồng. MTTQ các cấp vận động các tầng lớp nhân dân tham gia đóng góp ý kiến xây dựng đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, tu bổ nghĩa trang liệt sĩ. MTTQ các cấp trong tỉnh phối hợp với ngành lao động, thương binh và xã hội tổ chức rà soát và phát động Cuộc vận động “Phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”, nhận được sự hưởng ứng của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Hằng năm, MTTQ tỉnh trích quỹ tặng hàng nghìn suất quà cho các đối tượng chính sách vào dịp Tết, Ngày Thương binh, liệt sĩ, Ngày Vì người nghèo...

Không chỉ các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội mà nhiều tổ chức kinh tế trong tỉnh cũng tích cực ủng hộ tiền, vật chất cho phong trào "Đền ơn đáp nghĩa". Tiêu biểu như Ngân hàng Chính sách - xã hội tỉnh. Đơn vị đã tạo điều kiện cho nhiều gia đình chính sách vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu. Ông Lê Văn Hải, thương binh hạng 4/4 ở thôn Đầu, xã Hợp Tiến (Nam Sách) cho biết: "Trước đây, gia đình tôi rất khó khăn, cả gia đình trông vào mấy sào ruộng. Năm 2011, nhờ Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay vốn 30 triệu đồng, tôi đã cho con trai Lê Văn Quân đi xuất khẩu lao động sang Nhật Bản. Nhờ nguồn tiền cháu gửi về, cuộc sống gia đình tôi cũng dần ổn định, bớt khó khăn hơn".

Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại cũng là một doanh nghiệp tiêu biểu trong hoạt động đền ơn đáp nghĩa. Từ năm 2006, công ty đã nhận phụng dưỡng suốt đời 10 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, trợ cấp thường xuyên từ 100 - 300 nghìn đồng/người/ tháng, xây tặng nhà tình nghĩa cho 6 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, với tổng số tiền 80 triệu đồng và thường xuyên tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho các mẹ lúc ốm đau, trong các dịp lễ, Tết. Ông Nguyễn Khắc Sơn, Tổng giám đốc Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại cho biết: Từ năm 2007 đến nay, công ty đã ủng hộ các quỹ và tổ chức các hoạt động đền ơn đáp nghĩa với tổng số tiền hơn 3,5 tỷ đồng từ quỹ phúc lợi của công ty và tiền đóng góp của cán bộ.

Những đóng góp của các cá nhân, tập thể điển hình trong toàn tỉnh đã góp phần làm vơi đi những mất mát đau thương, giải quyết khó khăn cho các gia đình chính sách, kịp thời động viên họ tiếp tục đóng góp công sức cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.

BÀNH CHÂU