Tôi và chúng ta

Tin tức - Ngày đăng : 15:53, 18/07/2012

Ai cũng biết "tôi" là chỉ số một, cá nhân; còn "chúng ta" là chỉ số nhiều, tập thể. Thế nhưng nhiều khi giữa "tôi" và "chúng ta" lại có sự lầm lẫn.

Tôi hỏi một đồng chí cán bộ lão thành cách mạng:

- Trong sinh hoạt tự phê bình và phê bình có cần minh bạch khi dùng đại từ "tôi" và "chúng ta" không, thưa đồng chí?

- Có chứ. Ai cũng biết "tôi" là chỉ số một, cá nhân; còn "chúng ta" là chỉ số nhiều, tập thể. Thế nhưng nhiều khi giữa "tôi" và "chúng ta" lại có sự lầm lẫn. Sự lầm lẫn ấy có khi là vô tình, nhưng cũng có không ít trường hợp là có dụng ý.

- Thế là sao ạ?

- Thì vẫn do quan niệm "tốt đẹp phô ra, xấu xa che lại". Trong kiểm điểm, phê bình thì ưu điểm, thành tích dễ nói ra, còn khuyết điểm, sai lầm thì… khó nói.

- Đồng chí đã có thực tế?

- Có rồi chứ. Có việc mình là người trong cuộc, có việc mình từng trải nghiệm qua quá trình công tác. Chẳng hạn, khi xem xét, đánh giá việc thực hiện một nghị quyết, một chương trình công tác cụ thể thì thường có hai phần: ưu điểm và khuyết điểm. Cá nhân được phân công phụ trách thì hay nhận phần kết quả về mình, rằng do năng động, sáng tạo, sát thực tế… Thế nhưng, cũng có đồng chí đó, trong một nhiệm vụ cụ thể khác không hoàn thành thì lại đổ lỗi cho… tập thể lãnh đạo! Vậy là không quy được trách nhiệm cho ai, lại chỉ tại "chúng ta".

- Vì thế Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" mới phải xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị, phải không ạ?

- Phải. Điều đó chỉ rõ cần phân định rạch ròi quyền  hạn, trách nhiệm ngay trong dịp tự phê bình và phê bình này thì mới khắc phục được "căn bệnh" thành tích là của "tôi", còn khuyết điểm là của… "chúng ta".

ĐỒNG CHÍ