Người cha anh hùng đơn thân

Việc tử tế - Ngày đăng : 04:32, 19/07/2012

Vợ mất sớm, ông Lê Văn Việt (trú tại đường Khu 1, phường Hải Tân, TP Hải Dương) ở vậy nuôi 5 người con.

Mong mỏi của ông Việt là tìm được mộ liệt sỹ Lê Văn Nam.  

Ảnh: P.Thuận

Khi người con cả biết phụ bố gánh vác việc đồng áng thì cũng là lúc anh lên đường nhập ngũ rồi hy sinh ở chiến trường B. 3 người con trai còn lại của ông Việt đều xung phong vào nơi trận mạc.

Chưa kịp yêu đã hy sinh


Ông Lê Văn Việt (SN 1926) mồ côi cả cha lẫn mẹ. Nhà có hai anh em thì người anh cũng hy sinh khi tham gia kháng chiến bỏ lại cậu bé Việt bơ vơ phải đi ở đợ cho các gia đình trong làng. Đến tuổi lập thân, ông Việt lấy một người con gái cùng thôn có chung một cảnh nghèo. Khi đã có với nhau được 5 người con (4 trai, 1 gái) thì do lâm bệnh nặng, người vợ đột ngột qua đời. Thấy cảnh gà trống nuôi con cơ cực, nhiều người khuyên ông Việt đi bước nữa nhưng ông quyết ở vậy nuôi con vì sợ cảnh “mẹ ghẻ con chồng”.


Nhớ lại những ngày gian khó, ông Việt kể: “Ngày bà ấy “đi”, tôi một mình vừa làm mấy sào ruộng, vừa trông con. Nhiều khi đi làm trời nắng như thiêu, như đốt vẫn phải mang con ra đồng. Làm quần quật vậy mà nhiều khi còn chẳng đủ ăn. Cuộc sống khó khăn, mấy anh em nó cũng đành phải nghỉ học giữa chừng. Cứ bước qua tuổi 18 là chúng nó lần lượt xung phong đi bộ đội nhưng 3 đứa trở về còn thằng Nam đến giờ vẫn chưa tìm thấy mộ”. Kể đến đây, đôi mắt ông Việt chùng xuống, ngân ngấn nước.


Khi anh Lê Văn Nam 18 tuổi, bắt đầu biết gánh vác những công việc nặng cho bố thì cũng là lúc đến tuổi nhập ngũ. Ông Việt dù rất lo lắng nhưng cũng như biết bao bậc làm cha, làm mẹ khi ấy đều động viên con trai xung phong vào bộ đội. Ông Việt kể lại: “Nó nói với tôi: “Con quyết tâm đi đánh Mỹ lần này, hoặc là “xanh cỏ” hoặc là “đỏ ngực” bố ạ!”. Rồi nó viết đơn tình nguyện nhập ngũ và nhờ bố ký xác nhận vào đơn”. Năm 1966, anh Nam lên đường nhập ngũ. Sau vài tháng huấn luyện, anh Nam cũng được về phép một ngày để chuẩn bị vào Nam chiến đấu. Không ngờ, đây cũng là ngày gặp gỡ cuối cùng của anh Nam với bố và các em vì anh đã ngã xuống ở chiến trường B.


Nhớ về cậu con cả, ông Việt bảo: “Ngày ấy trước khi đi, như để mọi người nhớ mãi ngày nó chính thức trở thành anh bộ đội cụ Hồ, nó còn khắc lên tường ngày nhập ngũ. Lúc con lên đường, tôi chỉ gấp vội được cho con bộ quần áo chứ cũng không có gì cho con mang theo. So với mấy đứa sau, thằng Nam nhát lắm, nhưng rất chăm làm. Hôm được nghỉ phép về có một ngày mà nó còn tranh thủ ra đồng cắt phụ cho em gái một gánh đầy cỏ mới lên đường tiếp. Vì tính tình chăm chỉ, hiền lành nên trước khi vào lính, nó cũng có mấy đám để ý. Chỉ tiếc là nó chưa yêu ai thì đã vội hy sinh”, ông Việt kể.


Sau ngày anh Nam hy sinh, ba người con trai của ông là anh Lê Văn Dâng (SN 1956), Lê Văn Dương (SN 1962) và Lê Văn Phu (SN 1968) cũng lần lượt được bố ký đơn xác nhận tình nguyện vào quân ngũ.

Hầu như ngày nào cũng mơ thấy con


Ông Việt đang ở cùng với gia đình người con trai thứ 3 là anh Lê Văn Dâng. Dấu vết thời gian đã khiến mái tóc ông bạc trắng, nước da nhăn, sần sùi… nhưng ông còn rất tinh nhanh. Mọi sinh hoạt ông vẫn đều tự làm. "Giờ còn khỏe là tôi làm chứ con cháu nó còn nhiều việc phải làm lắm”, ông cụ 86 tuổi cười nói.


Anh Lê Văn Dâng, con trai ông Việt tâm sự: "Cứ đến ngày mồng 1, 15 âm lịch là ông thường nhắc nhở con cháu cúng cơm cho chu đáo. Mỗi lần con cái lên hương, ông đến bên bàn thờ đứng rất lâu như đang nói chuyện với vợ và con trai. Cả cuộc đời ông chịu nhiều đắng cay cực khổ, giờ đã sướng được một chút nhưng ông cụ vẫn đau đáu vì chưa tìm được mộ anh Nam”, anh Dâng nói.


 Khi nhắc đến người con trai đã hy sinh, nước mắt ông Việt lại lăn dài trên hai hõm má hốc hác. Ngày anh Nam đi bộ đội không một lá thư gửi về. Giấy báo tử cũng chỉ ghi vẻn vẹn một câu: "Hy sinh tại chiến trường B". Nhiều lần ông khóc muốn tìm con về nhưng gia đình đã đi nhiều nơi, tìm nhiều người nhưng vô vọng. Ông bảo: “Hơn 40 năm nay, kể từ ngày Nam đi bộ đội, hầu như ngày nào tôi cũng mơ thấy nó. Đã bao nhiêu năm rồi tôi chẳng biết giờ nó đang nằm ở đâu. Giờ chỉ mong ước làm sao đưa được hài cốt nó trở về quê hương”.


Mặc dù chiến tranh đã lùi xa, nhưng để có sự tự do ngày hôm nay, đã có hàng triệu triệu người con như anh Nam phải vĩnh viễn nằm lại chiến trường. Trong đó, có hàng vạn nấm mồ liệt sỹ chưa được ghi danh, hàng ngàn liệt sỹ chưa tìm được mộ phần. Mong ước của ông Việt cũng là ước mong lớn lao của biết bao gia đình vẫn ngày đêm mong ngóng tìm lại hài cốt người thân là những liệt sỹ đã anh dũng hy sinh.


Phương Thuận (GĐ)