Bất động sản khó quay lại thời hoàng kim

Giao thông - Đô thị - Ngày đăng : 21:47, 22/07/2012

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, thị trường bất động sản khó có thể quay về thời kỳ hưng thịnh và sẽ ít cơ hội cho đầu cơ, lướt sóng.

Lãi suất ngân hàng liên tục đi xuống từ đầu năm tới nay, theo lý thuyết sẽ là cơ hội để các kênh đầu tư khác, trong đó có bất động sản. Tuy nhiên, trong khi các đơn vị tư vấn bất động sản cho rằng bất động sản sẽ diễn biến tích cực trong 6 tháng cuối năm nhờ động thái giảm lãi suất ngân hàng, thì không ít chuyên gia hoài nghi về khả năng phục hồi trong năm 2012.

Giám đốc cấp cao Công ty TNHH CB Richard Ellis Việt Nam (CBRE), Adam Bury cho biết, nếu thị trường tiếp tục diễn biến theo chiều hướng hạ lãi suất, kiềm chế được lạm phát, có thể trông đợi ít nhất 2 quý nữa tốc độ tiêu thụ căn hộ sẽ tăng trở lại.

Theo ông Bury, khi xem xét giá chào bán, sự giằng co giữa chủ đầu tư và người mua vẫn tồn tại. Dù giá nhà trên thị trường thứ cấp vẫn tiếp tục lao dốc nhưng tốc độ giảm giá đã chậm lại và số lượng người quan tâm đến sản phẩm đang dần tăng lên. Tuy khách hàng tiềm năng chưa đưa ra quyết định cuối cùng nhưng đây là dấu hiệu người mua đã không còn "ẩn mình" mà bắt đầu xuất hiện để tìm cơ hội . "Chúng tôi kỳ vọng lượng yêu cầu tăng lên sẽ giúp các giao dịch tăng theo vào cuối năm", lãnh đạo CBRE cho hay.

Theo các chuyên gia, thị trường bất động sản khó có thể phục hồi vào cuối năm 2012 dù lãi suất đang trên đà giảm. Ảnh: Vũ Lê

Trong khi đó, một đơn vị tư vấn bất động sản khác là Knight Frank lại tỏ ra thận trọng hơn. Báo cáo quý 2 về thị trường bất động sản TP HCM, Knight Frank cho rằng chỉ có thể chờ đợi xem điều gì sẽ xảy ra trong nửa cuối năm 2012 mà không đưa ra quan điểm địa ốc sẽ diễn biến theo xu hướng tăng hay giảm.

Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp tỏ ra mất phương hướng và bi quan. Giám đốc Công ty Lê Thành, Lê Hữu Nghĩa chia sẻ: "Tôi đã thử ưu đãi lãi suất 12% một năm từ tháng 4, thậm chí giảm giá để kích cầu từ tháng 6 nhưng hiệu quả rất thấp. Lãi suất chưa đủ lực cứu địa ốc trong thời điểm này và cơ hội phục hồi trong năm nay gần như bất khả thi".

Ông Nghĩa cho rằng, trên lý thuyết lãi suất là một trong những yếu tố hàng đầu kích thị trường nhà đất phục hồi. Tuy nhiên, trong tình hình thị trường diễn biến xấu như hiện nay lãi suất chưa thể phát huy tác dụng.

Trao đổi với báo chí khi điều chỉnh lãi vay về dưới 15%, Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á, Trần Phương Bình nhận định, chắc chắn lãi vay sẽ tiếp tục giảm nhưng chỉ giảm có chừng mực. Tuy nhiên doanh nghiệp địa ốc chưa thể kỳ vọng vào yếu tố này, thậm chí các chủ đầu tư còn phải chấp nhận việc trả lãi vay thay cho khách mua nhà trong năm đầu tiên để kích cầu.

Từ khi rơi vào khủng hoảng kéo dài, thị trường bất động sản biến động mạnh trong 3 năm qua nhưng các chuyên gia chưa thể xác định đâu là giai đoạn địa ốc khởi sắc trở lại. Ảnh: Vũ Lê

Ông Bình cho rằng bất động sản khó có thể tăng giá trong năm 2012. Chuyên gia tài chính ngân hàng này phân tích, bất động sản là thước đo của nền kinh tế và chỉ tăng giá hoặc phục hồi khi nền kinh tế tăng trưởng mạnh. Hiện nay dấu hiệu giảm phát đã xuất hiện, vì thế kỳ vọng nhà đất lên giá là không có khả năng.

Tổng giám đốc Công ty địa ốc Á Châu (ACBR), Phạm Văn Hải tỏ ra dè dặt khi dự báo về sự trở lại của bất động sản. "Tôi nghĩ phải mất 2-3 năm nữa thị trường mới thật sự khởi sắc bởi lẽ, bên cạnh lãi suất hạ chưa đồng bộ còn có hàng tồn kho quá nhiều, tâm lý người mua nhà vẫn chờ đợi giá giảm thêm".

Theo ông Hải, ngoại trừ phân khúc căn hộ bàn giao ngay, diện tích nhỏ, giá vừa túi tiền có tỷ lệ giao dịch chậm thì những dòng sản phẩm trung cấp, cao cấp và hạng sang vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn từ nay đến cuối năm 2012.

Có 6 năm đầu tư và phát triển địa ốc tại Việt Nam, Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Setia Lái Thiêu, Saw Kim Suan cho biết: "Thị trường nhà đất đã biến động rất nhiều trong 6 năm qua và hai quý đầu năm 2012 là giai đoạn xấu nhất. Song vẫn còn quá sớm để dự báo sắp tới địa ốc sẽ tốt hơn hay xấu đi".

Nhà phát triển bất động sản đến từ Malaysia này cho rằng, thời hoàng kim của bất động sản như năm 2007 đã qua rồi và sẽ không bao giờ trở lại nữa. Ông dự báo, nhiều khả năng 6 tháng cuối năm giao dịch sẽ vẫn ở tốc độ chậm và chỉ hướng đến người tiêu dùng thật sự hơn là nhà đầu tư.

Theo ông Saw Kim Suan, 6 năm qua, thị trường bất động sản Việt Nam từng tăng đột biến và giảm đột biến, rất khó nhận định. Đây cũng là giai đoạn thị trường không chắc chắn, ẩn chứa rủi ro nhưng chứa đựng không ít cơ hội. "Chúng tôi vẫn đang tìm quỹ đất và các cơ hội vì đầu tư bất động sản là lâu dài. Khoảng thời gian khủng hoảng 3 năm qua không thể nói lên điều gì và Setia có thể chờ đến 10 năm tại Việt Nam xem điều gì sẽ xảy ra", chuyên gia này nhấn mạnh.

Theo Sở Xây dựng TP HCM, toàn thành phố có 860 dự án thì hầu hết đều chậm tiến độ. 50% số dự án chưa khởi công hoặc tạm dừng do thiếu vốn, khó khăn trong giải phóng mặt bằng. Chẳng hạn như quận 9 có 85 dự án trong tổng số 153 dự án chưa triển khai, quận 12 có 42 trên tổng 81 và quận 2 có 56 trên 252 dự án.

Vũ Lê (VnE)