Bắt đất quay vòng sản xuất hàng hóa
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 13:45, 23/07/2012
Hệ số sử dụng đất từ 3-4 lần/năm, thậm chí có những nơi lên tới 4,5 lần/năm đã đen lại lợi ích tối đa cho bà con nông dân...
Nông dân xã Gia Xuyên (Gia Lộc) trồng dưa lê ngắn ngày vụ hè thu, đạt hiệu quả kinh tế cao
Xã Lê Lợi có truyền thống sản xuất lúa và rau màu cho hiệu quả kinh tế cao, bà con nông dân chịu khó đưa khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, lựa chọn cơ cấu cây trồng phù hợp. Do đó, năm 2011, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm triển khai dự án khuyến nông “Chuyển đổi cơ cấu, tăng vụ và luân canh cây trồng” tại thôn Bùi Thượng. Ông Nguyễn Đình Sơn, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Lê Lợi cho biết: Dự án đưa cây trồng có hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất dựa trên cơ sở điều kiện đất đai, khí hậu, tập quán canh tác của địa phương; chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích hợp, luân canh tăng vụ trên 1 đơn vị diện tích đất canh tác. Từ đó, đưa ra mô hình 4 vụ/năm với công thức luân canh: lúa xuân + rau vụ hè (dưa hấu, dưa lê) + cải bắp vụ đông sớm + rau vụ đông muộn. Sau 1 năm triển khai tại xã, bà con nông dân được tập huấn quy trình kỹ thuật sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ hợp lý, kết quả cho thấy, hiệu quả sản xuất tăng lên rõ rệt. Tổng giá trị thu nhập ước đạt trên 400 triệu đồng/ha/năm. Dự án triển khai thành công là cơ sở khoa học để nhân rộng mô hình trong những năm tới.
Xã Gia Xuyên cũng là một điển hình trong phong trào luân canh tăng vụ, bắt đất quay vòng sản xuất 4 vụ/năm. Bà Đinh Thị Ràng ở đội 3, thôn Tranh Đấu cho biết: Gia đình tôi hiện có 6 sào, vụ chiêm xuân cấy 4 sào lúa, 2 sào dưa lê, sau khi thu hoạch lúa vụ chiêm xuân tôi tiếp tục cấy 1,5 sào lúa vụ mùa, còn 4,5 sào trồng dưa lê (từ tháng 6 - tháng 8) cho thu hoạch sớm để trồng cải bắp vụ đông sớm (từ tháng 8 - tháng 10) và cải bắp vụ đông chính vụ (từ tháng 10 - 12, tháng 1 năm sau).
Cải bắp, dưa lê, dưa hấu… là những cây trồng mang lại thu nhập gấp 2-3 lần lúa. Theo bà Ràng, trừ chi phí phân bón, công chăm sóc, với giá bán từ 6.000-7.000 đồng/kg, 1 sào dưa lê ở vụ xuân và vụ hè thu có thể được 8-9 triệu đồng. Dưa lê lại ngắn ngày (chỉ từ 55-60 ngày). Đến tháng 10, gia đình bà trồng cải bắp vụ đông sớm, tuy năng suất không cao bằng chính vụ, nhưng giá cao nên gia đình bà thu được 5-6 triệu đồng/sào. Ở vụ đông chính, gia đình bà trồng cải bắp thu được 4 - 5 triệu đồng/sào. Một năm, trừ chi phí, bà thu được gần 20 triệu đồng/sào từ 4 vụ. Được biết, các hộ nông dân ở xã Gia Xuyên đều tranh thủ thời vụ, nắm bắt thị trường, đưa cây trồng ngắn ngày có giá trị hàng hóa phục vụ thị trường.
Ở nhiều địa phương trong huyện Gia Lộc, nông dân có phong trào thâm canh, đa canh cây trồng, “mùa nào, thức ấy”, bắt đất luôn được quay vòng để sinh lời. Không phụ công chăm sóc của người nông dân, những cánh đồng cho thu nhập cao trên 100 triệu đồng/ha ngày càng mở rộng với các loại cây trồng như: dưa hấu, dưa lê, dưa chuột, bầu, bí, cà chua, tỏi tây, cải, su hào, su lơ... Nhiều địa phương, nhiều hộ nông dân áp dụng phương thức trồng gối vụ giữa bí xanh, bí ngô và lúa như ở các xã Quang Minh, Đồng Quang; trồng gối đỗ tương trước khi thu hoạch ngô giống ở xã Toàn Thắng...
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Gia Lộc được đánh giá là "trung tâm sản xuất rau" của tỉnh. Vụ đông là vụ chính trong năm, nhất là vụ đông sớm mang lại giá trị hàng hóa cao. Bởi vậy, nhằm tăng diện tích sản xuất vụ đông sớm, nông dân Gia Lộc mở rộng diện tích trồng rau màu vụ hè, hè thu. Các loại cây rau màu chủ lực như dưa hấu, dưa lê, dưa chuột, rau các loại… là những cây trồng ngắn ngày, cho giá trị kinh tế cao. Đồng thời, những nơi có diện tích cấy lúa vụ mùa, nông dân tập trung gieo cấy bằng các giống cực ngắn ngày và ngắn ngày như P6 đột biến, PC6… hệ số sử dụng đất từ 3-4 vụ/năm, cao hơn nhiều địa phương khác trong tỉnh.
Nhờ có kinh nghiệm đưa giống mới vào sản xuất, nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu thị trường, đời sống nông dân không ngừng nâng lên, bộ mặt nông thôn của Gia Lộc thay đổi rõ rệt. Sản xuất nông nghiệp của huyện ngày càng hướng tới nền sản xuất hàng hóa tập trung, có khả năng cạnh tranh cao, gắn sản xuất với tiêu thụ, chế biến nông sản ngay tại địa phương.
NGUYỄN THỊ THUẬN