Nghĩa tình người quản trang

Việc tử tế - Ngày đăng : 07:45, 24/07/2012

Đó là thương binh Trần Đình Nhan, người bảo vệ nghĩa trang xã An Đức (Ninh Giang).


Ông Nhan tình nguyện chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ mà không đòi hỏi thù lao

Ở xã An Đức (Ninh Giang), rất nhiều người biết đến và dành sự trân trọng đối với ông Trần Đình Nhan, bởi đã hơn 20 năm nay, ông gắn bó với công việc thầm lặng nhưng mang đầy ý nghĩa: hằng ngày trông coi nghĩa trang, quét dọn, chăm sóc các phần mộ liệt sĩ và các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Và họ càng cảm kích khi biết ông đã từng vào sinh ra tử nơi chiến trận, mang trên mình nhiều thương tật và phải gánh chịu thêm nỗi đau da cam.

Tháng 12 - 1970, ông Nhan khi ấy mới 19 tuổi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc đã xung phong lên đường nhập ngũ. Tham gia nhiều trận đánh ác liệt ở miền Đông Nam Bộ, ông đã bị thương trong một trận đánh tháng 11-1974. Do có thành tích trong chiến đấu, cuối năm 1974, ông được kết nạp vào Đảng. Chiến tranh kết thúc, ông Nhan được chuyển ra Bắc tiếp tục điều trị vết thương và đến tháng 2 - 1976 xuất ngũ trở về địa phương với quân hàm trung sĩ.

Về với cuộc sống đời thường, mang mảnh đạn xuyên thấu phổi không thể gắp bỏ, mỗi lúc trái gió trở trời, vết thương cũ lại tái phát gây ho và khó thở, nhưng thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “Thương binh tàn nhưng không phế”, là một đảng viên “miệng nói tay làm”, năm 1978, ông Nhan  làm đội trưởng đội sản xuất kiêm Bí thư Chi bộ thôn Kim Chuế. Năm 1989, do sức yếu, ông xin nghỉ công tác và tự nguyện đảm nhận việc trông coi nghĩa trang liệt sĩ xã.

Từng là một người lính, hơn ai hết, ông thấu hiểu nỗi đau thương mất mát và những hậu quả do chiến tranh để lại. Hơn 20 năm qua, không trông chờ có được khoản thù lao tương xứng, ngày lại ngày, ông có mặt tại nghĩa trang để chăm chút hương khói, dọn cỏ xung quanh các phần mộ. Trên mỗi phần mộ đều được ông trồng một gốc hoa cúc. Ông tận dụng những khuôn đất trống trong khuôn viên nghĩa trang trồng hoa, vừa làm đẹp cảnh quan, vừa dùng để làm vòng hoa cung cấp cho nhân dân quanh vùng. Hằng năm vào ngày 27-7,  Tết Nguyên đán hay vào dịp Thanh minh ông thường bỏ tiền ra mua vôi ve về quét kỳ đài, tường bao xung quanh nghĩa trang và tạo điều kiện cho thân nhân các liệt sĩ đến thắp hương.

Trong căn nhà cấp 4 đã xuống cấp vừa được sửa sang chỉ có hai vợ chồng ông năm nay đã ngoài 60 tuổi. Ông bà lấy nhau đã 36 năm nhưng không có con. Họ đã nhiều lần đi khám và chữa trị mong sao có được một đứa con để nương tựa lúc tuổi già, song chất độc da cam/đi-ô-xin đã cướp đi quyền làm cha của ông.

 Những việc làm, nghĩa cử của ông Nhan trong suốt hơn 20 năm qua đã làm ấm lòng các đồng đội đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do cho Tổ quốc và phần nào chia sẻ nỗi đau thương, mất mát đối với những người thân của họ, được nhân dân địa phương ghi nhận.

MINH PHƯƠNG