Công tác thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng ở Hải Dương

Việc tử tế - Ngày đăng : 11:59, 24/07/2012

Đến nay, Hải Dương có 38.941 liệt sĩ, 21.099 thương binh, 1.696 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 35 anh hùng Lực lượng vũ trang...

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, làm nghĩa vụ quốc tế, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, đã có 30 vạn thanh niên Hải Dương gia nhập quân đội, trên 10 vạn thanh niên xung phong và dân công hoả tuyến, công tác, chiến đấu trên khắp các chiến trường.

Đến nay, Hải Dương có 38.941 liệt sĩ, 21.099 thương binh, 1.696 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 35 anh hùng Lực lượng vũ trang, 850 cán bộ hoạt động trước Cách mạng Tháng Tám  1945, 3.525 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt và tù đày, 6.272 người hoạt động kháng chiến và con của họ bị nhiễm chất độc hoá học đang được hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng.

Với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, trong những năm qua, Đảng bộ và nhân dân Hải Dương đặt công tác đền ơn, đáp nghĩa là nhiệm vụ chính trị của các cấp uỷ đảng, chính quyền và đoàn thể nhân dân. Đặc biệt, từ khi có Pháp lệnh Danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, phong trào "Đền ơn, đáp nghĩa", chăm sóc người có công với cách mạng ở Hải Dương đã trở thành phong trào sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân.

1. Phong trào “Xây nhà tình nghĩa” và vận động xây dựng quỹ “Đền ơn, đáp nghĩa”.

Tính đến hết ngày 31-5-2012, toàn tỉnh có 2.858 “nhà tình nghĩa” được xây dựng với tổng kinh phí khoảng trên 30 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách tỉnh chi gần 4 tỷ đồng, số còn lại do nhân dân trong tỉnh và các doanh nghiệp đóng góp và ủng hộ. Hải Dương là tỉnh đầu tiên trong cả nước xoá xong nhà tranh tre cho thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng. Trong 5 năm qua, toàn tỉnh quyên góp được 6,8 tỷ đồng quỹ "Đền ơn, đáp nghĩa".

2. Phong trào chăm sóc Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh, bệnh binh, cha mẹ liệt sĩ cô đơn không nơi nương tựa, con liệt sĩ mồ côi, con thương binh nặng.

Cuộc vận động “Phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng”; các phong trào: “Nhận đỡ đầu con liệt sĩ”, "Áo lụa tặng bà”... nhận được sự hưởng ứng của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Tất cả các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống được các cơ quan, doanh nghiệp, các đơn vị quân đội, công an đóng trên địa bàn tỉnh nhận phụng dưỡng. Các thương binh nặng có tỷ lệ thương tật từ 81% trở lên, các bệnh binh có tỷ lệ mất sức lao động từ 81% trở lên luôn nhận được sự quan tâm chăm sóc, thăm hỏi của các cấp uỷ đảng, chính quyền và các đơn vị làm công tác xã hội; tất cả các con liệt sĩ, con thương binh nặng có hoàn cảnh khó khăn đều được các đoàn thể chăm sóc, giúp đỡ.

3. Phong trào tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa.

Trong 5 năm trở lại đây, toàn tỉnh đã tặng hàng nghìn sổ tiết kiệm tình nghĩa, trị giá gần 1 tỷ đồng. Năm 1995, có 835 hộ chính sách đói, 3.885 hộ nghèo, đến năm 1998, tỉnh ta đã xoá xong hộ đói. Hiện nay, toàn tỉnh không còn hộ chính sách thuộc diện nghèo (theo tiêu chuẩn mới).

(Còn nữa)