Nghề mây tre đan làng Chằm gặp khó

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 10:27, 25/07/2012

Được UBND tỉnh công nhận là làng nghề từ năm 2004, nhưng nghề mây tre đan ở làng Chằm, xã Phương Hưng (Gia Lộc) đang bị mai một dần.



Ở làng Chằm chỉ còn khoảng 100 hộ làm nghề mây tre đan


Hỏi nghề mây tre đan ở làng Chằm có từ bao giờ,  các bậc cao niên ở đây cũng không nhớ rõ. Chỉ biết rằng, từ khi làng hình thành đã có nghề mây tre đan và nghề được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Trước kia, lúc phát triển, sản phẩm của làng nghề rất đa dạng, phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt hằng ngày như giần, sàng, nong, nia, xảo, quang gánh, rổ, rá, đũa... Các sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó, được bán rộng rãi ở trong và ngoài tỉnh. Năm 1958, làng Chằm là đơn vị sản xuất tiêu biểu được đồng chí Phạm Văn Đồng về thăm.

Hiện tại, làng Chằm có 409 hộ dân với 1.359 nhân khẩu, nhưng chỉ còn khoảng 100 hộ với khoảng 400 lao động làm nghề. Làng nghề cũng đang gặp nhiều khó khăn, có nguy cơ bị "xóa sổ". Khó khăn đầu tiên là nguyên liệu đầu vào. Sản phẩm của làng Chằm chủ yếu làm từ tre, mây nhưng làng không có vùng chuyên trồng tre, mây, phải mua nguyên liệu từ nơi khác nên mất công vận chuyển, giá thành vì thế cao hơn. Khó khăn lớn nhất vẫn là thị trường tiêu thụ. Do cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp nên nhu cầu dùng các sản phẩm của làng như giần, sàng, nong, nia, xảo, quang gánh... không nhiều. Đối với các sản phẩm dùng trong sinh hoạt hằng ngày như rế, rổ, rá, đũa... cũng đang phải cạnh tranh với đồ nhựa, đồ i-nốc. Sản phẩm của làng Chằm tuy bền, giá phải chăng nhưng mẫu mã không đa dạng. Trong khi hiện nay các loại rổ, rá, đũa sản xuất công nghiệp từ nhựa, gỗ, i-nốc... với đủ các chủng loại, kiểu dáng tràn ngập thị trường. Do bán được ít sản phẩm nên ngày công lao động của người làm nghề chỉ khoảng 25 nghìn đồng. Vì thế, nhiều thanh niên trong làng chọn cách đi làm công nhân ở các khu công nghiệp để có mức thu nhập cao hơn. Trong số khoảng 400 lao động còn làm nghề mây tre đan, phần lớn là người già và trẻ nhỏ.

Những hộ còn giữ nghề đang loay hoay tìm hướng đi cho sự phát triển của làng nghề. Ông Mai Văn Thạo (65 tuổi), con trai nghệ nhân Mai Văn Thông, người đã đan cặp giần sàng tặng Thủ tướng Phạm Văn Đồng trăn trở: Muốn giữ được nghề phải có sự đam mê. Không phải ai cũng đan đẹp được. Khâu quan trọng nhất là chọn và pha tre. Tre phải đẹp và pha các nan phải thật đều. Hiện nay, những nghệ nhân mây tre đan của làng ngày một già đi, trong khi lớp trẻ không tha thiết với nghề nên giữ được nghề rất khó.

Để giữ nghề, UBND xã Phương Hưng đã phối hợp với một số đơn vị mở lớp đào tạo làm các sản phẩm mỹ nghệ chất lượng cao như: giỏ hoa, khay, đĩa, túi xách... cho người dân làng Chằm để xuất khẩu. Tuy nhiên, do không chủ động được thị trường tiêu thụ nên các sản phẩm này cũng ách tắc. Trong kế hoạch "Đào tạo nghề, truyền nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn giai đoạn 2011-2015",  UBND xã Phương Hưng cũng xác định việc tiếp tục duy trì, phát triển làng nghề mây tre đan làng Chằm, tổ chức các lớp dạy nghề mây tre đan cho học sinh THPT, THCS, các đối tượng chưa có công việc ổn định... Tuy nhiên, về lâu dài, để phát triển nghề mây tre đan, xã Phương Hưng phải có kế hoạch chủ động từ nguyên liệu đầu vào, nhân lực, vốn đến thị trường tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, nhân tố quyết định là xây dựng được thương hiệu cho các sản phẩm mới có giá trị, có tính cạnh tranh cao và hướng đến xuất khẩu.

Mong rằng, với truyền thống và tình yêu với một nghề đã gắn bó cùng với những thăng trầm của làng, người dân làng Chằm sẽ đưa  nghề mây tre đan vượt qua khó khăn để phát triển.

THÚY HÀ